Quyết định bắt đầu tập gym từ đầu tháng 9 vừa qua, Lương Quỳnh Thanh (nữ, 24 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) nghe từ vấn của bạn tập và mua gạo lứt về ăn.
“Tôi cũng được biết gạo lứt có rất nhiều lợi ích, trong đó có giảm cân. Vì thế nên dù giá thành khá đắt, tôi vẫn cố gắng mua dùng để tăng hiệu quả tập luyện”, Thanh chia sẻ.
Tuy nhiên, sau một tuần ăn cơm nấu từ gạo lứt, Thanh quyết định quay lại với cơm trắng do không hợp khẩu vị. Việc cơm từ gạo lứt thậm chí khiến Thanh có suy nghĩ chán ăn mỗi khi đến bữa.
Ưu thế của gạo lứt so với các loại khác
Chia sẻ với Zing, PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho hay gạo lứt là sản phẩm từ hạt gạo nguyên thô được người nông dân tách bỏ lớp vỏ trấu và giữ lại lớp vỏ cám bao quanh phần nhân trắng.
Phần vỏ cám này chính là nguyên nhân chính giúp gạo lứt sở hữu hàm lượng chất xơ khá lớn.
“Ngoài ra, gạo lứt còn giữ lại được rất nhiều vitamin nhóm B, magie và một số chất khoáng thiết yếu”, vị chuyên gia cho biết thêm.
Gạo lứt với lớp vỏ cám có nhiều ưu thế hơn so với các loại gạo khác. Ảnh minh họa: joanna_kosinska. |
Mặt khác, gạo lứt cũng được chứng minh có khả năng làm giảm chỉ số đường máu sau khi ăn. Điều này có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường. Ngoài ra, gạo lứt cũng rất tốt cho các trường hợp mắc một số bệnh lý không lây nhiễm khác.
“Tuy nhiên, nhược điểm của gạo lứt là khá khó ăn bởi lớp vỏ bên ngoài khiến hạt gạo thường bị cứng và không được dẻo, thơm bằng gạo trắng. Điều này khiến người dân khó duy trì việc ăn gạo lứt trong thời gian dài”, PGS Nhung nói.
Một điểm hạn chế khác của gạo lứt là sản phẩm này chứa một hàm lượng nhất định axit phytic. Chất này khi được nạp vào cơ thể với số lượng lớn có thể hạn chế khả năng hấp thu kẽm cũng như một số vi chất dinh dưỡng.
Bên cạnh gạo lứt, PGS Nhung cho biết hiện nay người dân còn có thể sử dụng một số loại gạo khác gồm gạo lật nảy mầm, gạo trắng xay xát kỹ và gạo trắng xay xát rối.
Gạo lật nảy mầm về cơ bản vẫn là gạo lứt. Do đó, loại gạo này sở hữu toàn bộ ưu điểm của gạo lứt. Mặt khác, trong quá trình nảy mầm, chất xơ không hòa tan trong gạo lứt được chuyển hóa thành chất xơ hòa tan. Quá trình này giúp gạo lật nảy mầm dễ tiêu hơn nhưng vẫn giữ nguyên được thành phần dinh dưỡng, thậm chí làm tăng các tính chất sinh học.
“Gạo lật nảy mầm có thể làm tăng thành phần axetilen glucose có trong gạo lứt, giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu”, PGS Nhung cho hay.
Ngoài ra, ưu thế của gạo lật nảy mầm là người ăn hoàn toàn có thể nấu chúng như gạo trắng thay vì phải ngâm một thời gian như gạo lứt. Loại gạo này cũng giúp cơ thể tăng khả năng hấp thu vi chất dinh dưỡng, dễ ăn hơn.
Trong khi đó, gạo trắng xay xát kỹ quen thuộc với đa số người dân hơn. Loại gạo này cũng dẻo, thơm và đẹp mắt hơn. Tuy nhiên, PGS Nhung cho biết việc loại bỏ toàn bộ lớp vỏ trấu, vỏ cám bên ngoài khiến hạt gạo mất hết lượng vitamin nhóm B. Việc chế độ ăn thường ngày thiếu các vitamin nhóm B sẽ dẫn đến một số vấn đề liên quan trao đổi chất.
Do không còn chất xơ từ vỏ cám, gạo trắng xay xát kỹ cũng làm chỉ số đường huyết sau ăn tăng rất cao. Chỉ số này sau đó cũng hạ xuống đột ngột và gây nguy hiểm cho một số trường hợp, tiêu biểu là bệnh nhân đái tháo đường hay người cao tuổi.
Gạo xay xát rối có ưu thế hơn khi chúng vẫn còn lại một phần lớp vỏ cám. Điều này đồng nghĩa gạo xay xát rối vẫn giữ được một lượng nhỏ vitamin nhóm B và chất xơ. Tuy nhiên, hiện nay gạo xay xát rối cũng khá hiếm trên thị trường.
Lựa chọn như thế nào?
Từ những ưu điểm nói trên của từng loại gạo, PGS Bùi Thị Nhung nhận định người dân khi lựa chọn gạo cần dựa trên một số yếu tố của bản thân và gia đình như độ tuổi, tình trạng sức khỏe hay bệnh lý cũng như sở thích.
Cụ thể, vị chuyên gia cho rằng ở độ tuổi thanh thiếu niên, thậm chí trung niên, với tình trạng sức khỏe tốt, chúng ta hoàn toàn có thể ăn đa dạng các loại gạo. Nếu có thể ăn gạo lứt, gạo lật nảy mầm hay gạo trắng xay xát rối sẽ tốt cho sức khỏe hơn.
Tuy nhiên, nếu không ăn được, việc sử dụng gạo trắng xay xát kỹ cũng chưa ảnh hưởng quá nghiêm trọng.
Việc sử dụng gạo trắng xay xát kỹ với những người trẻ, khỏe mạnh cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe. Ảnh minh họa: pille_r_priske. |
Trong khi đó, với những người cao tuổi, có bệnh lý liên quan chuyển hóa như rối loạn chuyển hóa đường, đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu… gia đình nên cân nhắc sử dụng gạo lứt hay gạo lật nảy mầm sẽ có lợi hơn, tránh nguy cơ bệnh chuyển nặng.
PGS Nhung giải thích: “Trong tất cả loại gạo đều chứa một hàm lượng carbohydrate (hay gluxit) tương đương nhau. Tuy nhiên, nếu được bổ sung chất xơ (có trong lớp vỏ cám), lượng carbohydrate khi vào cơ thể sẽ được phân giải và chuyển hóa chậm hơn, qua đó giúp chỉ số đường huyết tăng với tốc độ vừa phải”.
Trong một nghiên cứu tổng hợp của Đại học Harvard (Mỹ) năm 2012, tại châu Á, việc sử dụng nhiều gạo trắng có thể làm tăng nguy cơ đái tháo đường.
Mặt khác, với nhóm trẻ em, nhất là các trẻ nhỏ tuổi, hệ tiêu hóa chưa phát triển toàn diện, cha mẹ nên lựa chọn gạo trắng xay xát kỹ cho con. Nguyên nhân là loại gạo này sẽ giúp trẻ dễ tiêu hóa, hấp thu hơn.