Bloomberg hôm 26/1 dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng số ca mắc sởi trong năm 2023 là hơn 42.000, so với chỉ 841 ca vào năm 2022.
WHO nói rằng nguyên nhân đến từ tỷ lệ tiêm chủng giảm, nhưng cũng có yếu tố nhiều người du lịch làm tăng nguy cơ lây bệnh.
Có khoảng 1,8 triệu trẻ sơ sinh tại 53 quốc gia thuộc khu vực WHO châu Âu chưa được tiêm phòng sởi giai đoạn 2020-2022. Vào năm 2021, có 128.000 trường hợp tử vong do sởi trên toàn cầu, hầu hết ở những trẻ dưới 5 tuổi chưa tiêm vaccine, theo Guardian.
Tỷ lệ tiêm chủng giảm còn đến từ sự do dự về vaccine. Các quan chức y tế nhiều năm đã phản bác những lập luận thiếu bằng chứng rằng vaccine MMR (phòng sởi, quai bị, rubella) gây bệnh tự kỷ. Điều này dẫn đến một nhóm người không tiêm chủng và có nguy cơ mắc bệnh.
Cần ít nhất 95% dân số đã tiêm vaccine để phòng dịch bệnh lây lan. Hầu hết trẻ cần tiêm 2 liều vaccine. Song, một số quốc gia ghi nhận tỷ lệ giảm đáng kể. Tại Anh chỉ 84% trẻ em 5 tuổi tiêm 2 liều vaccine năm 2022-2023, con số thấp nhất từ năm 2010-2011. Estonia (68%) và Romania (71%) có mức tiêm chủng thấp nhất tại châu Âu.
Chính phủ các nước đang cố gắng thực hiện các chiến dịch tiêm chủng khẩn cấp để tránh dịch bệnh lây lan nghiêm trọng. WHO cũng kêu gọi các nước đưa ra các chiến lược phù hợp với cộng đồng địa phương để thúc đẩy tiêm chủng.
Người tiêm 2 liều vaccine sẽ rất khó mắc sởi. Trong trường hợp trẻ chưa tiêm vaccine và mắc bệnh, cần liên hệ ngay với các chuyên gia y tế. Bệnh sởi không có phương pháp điều trị cụ thể, người bệnh thường được khuyên nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng thuốc hạ sốt.
WHO cũng cho biết một cuộc khủng hoảng cũng đang gia tăng ở Trung Á, nơi có hơn 13.600 trường hợp mắc sởi được ghi nhận vào năm 2023, phần lớn là trẻ em dưới 14 tuổi chưa được tiêm chủng .
Ba bang của Mỹ cũng ghi nhận ca mắc sởi cao trong tháng trước. Philadelphia đã xác nhận ít nhất tám trường hợp mắc phải trong nước và một trường hợp nhập cảnh.
Bệnh sởi thường gặp nhất ở trẻ em. Bệnh có đặc điểm là phát ban đỏ, nổi mẩn đỏ, thường kèm theo sốt cao, ho, sổ mũi và mắt đỏ, chảy nước.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, khoảng 1 trong 5 người chưa được tiêm phòng sởi phải nhập viện và có tới 3 trong số 1.000 trẻ em mắc bệnh sởi tử vong vì các biến chứng như viêm phổi hoặc sưng não .
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Znews giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.