Tháng 9 là thời gian các trường đại học trên cả nước tổ chức lễ khai giảng năm học mới và loạt sự kiện chào tân sinh viên. Tuy nhiên, năm nay, nhiều trường quyết định hủy, tạm hoãn các sự kiện đầu năm để cùng hướng về đồng bào miền Bắc - nơi vừa hứng chịu những thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra.
Hủy khai giảng, sự kiện chào tân sinh viên
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong những trường thông báo hủy lễ khai giảng với lý do đặc biệt này.
Trong thư chúc mừng năm học mới gửi đến thầy cô và sinh viên, nhà trường cho biết khi hủy lễ khai giảng, trường đã quyên góp 200 triệu đồng cho đồng bào thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội.
116 sinh viên gặp khó khăn vì bão lũ cũng được trường hỗ trợ với tổng số tiền 348 triệu đồng. Ngoài ra, hơn một tỷ đồng từ các đối tác tài trợ cho sinh viên nhân dịp năm học mới 2024-2025 sẽ tiếp tục được nhà trường xét, cấp cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn...
"Cảm ơn các bạn sinh viên đã đồng điệu với nhà trường về việc thay đổi kế hoạch chào tân sinh viên mà các em đã dày công dàn dựng suốt những tuần qua. Chúng ta quyết định huỷ lễ khai giảng nhưng chỉ hoãn dạ hội chào tân sinh viên sang một thời điểm phù hợp - có lẽ khi nắng thu Hà Nội đã vàng hơn, tiết trời Thủ đô đã thu hơn, và không khí giảng đường đại học đã thân quen hơn với các bạn tân sinh viên", Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn viết trong thư chúc mừng năm học mới.
Trước đó, vào ngày 13/9, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng thông báo không tổ chức lễ khai giảng để dùng kinh phí ủng hộ đồng bào vùng lũ.
Nhà trường cho biết mọi công tác tổ chức lễ khai giảng năm học 2024-2025 đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và gần như hoàn tất. Tuy nhiên, trước tình hình bão số 3 và hoàn lưu bão gây ảnh hưởng các tỉnh miền Bắc, nhà trường nhận thấy việc chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng là điều cần thiết.
Theo đó, trường sẽ gửi toàn bộ kinh phí tổ chức lễ khai giảng (100 triệu đồng) đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm động viên, tiếp sức cho đồng bào các tỉnh miền Bắc khắc phục hậu quả của thiên tai, theo kế hoạch thực hiện chung của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Cùng ngày, Đại học Công nghiệp TP.HCM (IUH) cũng thông báo tạm hoãn tổ chức lễ khai giảng và ngày hội chào đón tân sinh viên năm học 2024-2025 để hướng về đồng bào miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của bão lũ.
Ngoài ra, IUH cũng phát động phong trào quyên góp ủng hộ trong toàn trường nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào. Từ nay đến 12h ngày 14/9, nhà trường nhận ủng hộ bằng hiện kim thông qua số tài khoản ngân hàng được công bố trên trang Facebook chính thức.
Cán bộ, giảng viên và sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng dành một phút mặc niệm đồng bào bị tử nạn cũng như tri ân, tưởng nhớ các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận bão vừa qua. Ảnh: FBNT. |
Không nhận hoa trong dịp khai giảng
Một số trường vẫn tổ chức lễ khai giảng theo đúng kế hoạch nhưng không nhận hoa chúc mừng từ các cơ quan, doanh nghiệp và đối tác.
Ngày 20/9, Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức lễ khai giảng đặc biệt khi không nhận hoa từ các đơn vị, đối tác. Trường cũng dành một phút mặc niệm đồng bào bị tử nạn cũng như tri ân, tưởng nhớ các cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 vừa qua.
Trước ngày khai giảng, nhà trường đã vận động các đơn vị chuyển kinh phí tặng hoa đến quỹ ủng hộ đồng bào của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP.HCM để cùng góp thêm một phần kinh phí khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra, cùng sẻ chia và gửi những yêu thương đến với đồng bào miền Bắc.
Đại học Nông lâm TP.HCM cũng gửi thư ngỏ đến các đối tác, bày tỏ mong muốn không nhận hoa.
Thay vào đó, trường mong các đối tác sẽ gửi chi phó tặng hoa đến các đồng bào vùng bão lũ ở miền Bắc để góp thêm một phần kinh phí khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) có quyết định tương tự. Trong thư ngỏ gửi đến các đơn vị, đối tác, nhà trường mong muốn lễ khai giảng năm 2024 sẽ là sự kiện "không rực rỡ nhưng đậm đà nghĩa tình".
Theo đó, nhà trường xin phép không nhận hoa chúc mừng, đồng thời mong muốn các đơn vị, đối tác chuyển chi phí tặng hoa vào quỹ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để cùng chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng lũ.
Đại học Ngoại thương cũng không nhận hoa trong lễ khai giảng. Năm nay, nhà trường chỉ có một lẵng hoa duy nhất trên sân khấu là một bức tranh có in mã QR tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đại học Ngoại thương mong muốn nhã ý chúc mừng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đối tác có thể được chuyển thành sự đóng góp ủng hộ các phong trào/quỹ cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt cũng như các cá nhân/hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nói chung.
Sau nghi lễ chào cờ, hát quốc ca, các cán bộ, giảng viên, sinh viên đã dành một phút tưởng niệm các chiến sĩ và đồng bào thiệt mạng do ảnh hưởng của bão số 3.
Các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội quyên góp cho đồng bào. Ảnh: VNU. |
Quyên góp hàng tỷ đồng cho vùng lũ
Trong thời gian này, các trường đại học cũng kêu gọi cán bộ, giảng viên, sinh viên quyên góp cho đồng bào vùng lũ.
Ngày 20/9, Đại học Công thương TP.HCM cho biết nhà trường ủng hộ hơn 1,4 tỷ đồng cho đồng bào miền Bắc.
Số tiền quyên góp này bao gồm một ngày lương của toàn thể viên chức, người lao động, cộng với số tiền quyên góp của người học.
Ngoài ra, rất nhiều thầy cô là viên chức, người lao động và người học của nhà trường cũng đã ủng hộ thông qua tài khoản của UBMTTQ và các cách thức khác nhằm chung tay hỗ trợ với đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả sau bão.
Trong tối 18/9, Đại học Thăng Long tổng kết sự kiện gây quỹ “Miracle Station - Chung tay vượt bão” với số tiền lên đến hơn 337 triệu đồng để hỗ trợ đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Số tiền đến từ một ngày lương của tất cả cán bộ, giảng viên và nhân viên trường (hơn 196 triệu đồng) và toàn bộ doanh thu đến từ vật phẩm lưu niệm trong bộ sưu tập Thang Long University và trà sữa Miracle Milk Tea (hơn 141 triệu đồng).
Chỉ sau một tuần, tính đến ngày 17/9, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp nhận số tiền ủng hộ là gần 1,4 tỷ đồng.
Trường cho biết tổng số tiền quyên góp ủng hộ dự kiến chưa dừng lại ở đó vì vẫn còn nhiều đơn vị đang triển khai hoạt động liên quan.
Chủ tịch Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội - bà Nguyễn Thị Thảo - cam kết sẽ thực hiện đúng mục đích, đúng người cần hỗ trợ. Một phần số tiền sẽ được gửi tới quỹ ủng hộ chung của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, một phần sẽ thực hiện hỗ trợ cho học sinh, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội chịu ảnh hưởng cơn bão vừa qua và một phần sẽ gửi trực tiếp tới bà con bị ảnh hưởng nặng nề nhất để trực tiếp trao tặng cho một trường học cụ thể.
Tính đến thời điểm hiện tại, số tiền mà các trường đại học hỗ trợ cho đồng bào vùng lũ như sau:
STT | Tên trường | Mức quyên góp |
1 | Đại học Công nghiệp TP.HCM | Hơn 3,7 tỷ đồng |
2 | Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh | 1 tỷ đồng |
3 | Đại học Nguyễn Tất Thành | Hơn 691 triệu đồng |
4 | Đại học Sư phạm TP.HCM | Hơn 362 triệu đồng |
5 | Đại học Bách khoa Hà Nội | 200 triệu đồng |
6 | Đại học Đại Nam | 200 triệu đồng |
7 | Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) | 200 triệu đồng |
8 | Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) | 100 triệu đồng |
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.