Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do trẻ em thành phố cũng cần dùng thuốc tẩy giun

Nhiều phụ huynh, nhất là ở thành phố có quan điểm trẻ được vệ sinh sạch sẽ nên không nhiễm giun. Do đó, họ cho rằng không cần dùng thuốc tẩy giun bé.

Chị V.T.T. (Hà Nội) có con 4 tuổi, biếng ăn, chậm lớn, da xanh… Dù đã thay đổi chế độ ăn nhưng tình trạng không thay đổi. Cuối cùng, sau khi đi xét nghiệm phân, bé được chẩn đoán nhiễm giun và kê đơn thuốc albendazole. Chị T. rất ngạc nhiên, bởi bé luôn được vệ sinh sạch sẽ, chưa từng tiếp xúc với các nguồn nguy cơ nhiễm giun sán.

Các nguồn lây nhiễm giun bao gồm từ chế độ ăn, phơi nhiễm nguồn nước có trứng giun.

Người lớn nhiễm giun đũa thường là do ăn rau sống có lẫn trứng giun; ăn thức ăn bị phơi nhiễm do bụi và ruồi, nhặng, gián...

Trẻ bị nhiễm giun do ăn thức ăn hoặc nguồn nước bị nhiễm; nuốt phải trứng giun trên nền đất khi cầm nắm và ngậm đồ chơi nhiễm bẩn.

Trẻ em thành phố hoàn toàn có thể nhiễm giun do vui chơi nơi công cộng, đá bóng, chơi bóng rổ; lây bạn học cùng lớp mẫu giáo; lây từ người lớn. Đặc biệt là khi người lớn hiện nay cũng có thói quen ăn uống ở ngoài hàng và không tẩy giun định kỳ, nguy cơ nhiễm giun và lây cho trẻ là rất cao.

Trẻ em thành phố hiếm khi nhiễm giun nên không cần tẩy giun là suy nghĩ sai lầm của nhiều phụ huynh. Thực tế, trẻ em là trường hợp rất dễ nhiễm giun, dù ở thành phố hay nông thôn.

Thực tế lâm sàng cho thấy trẻ em ở thành phố chủ yếu nhiễm giun đũa, ở nông thôn do tình trạng đi chân đất, tỷ lệ nhiễm giun móc cao, gây thiếu máu, suy dinh dưỡng.

Giun ký sinh cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn dẫn tới suy dinh dưỡng trầm trọng nếu không được điều trị. Thậm chí, giun có thể ký sinh tại các cơ quan khác như vào phổi gây ho kéo dài, ở ruột gây tắc ruột, giun có thể chui vào ống mật gây tắc mật vàng da, giun ký sinh ở các bộ phận khác như tai, cơ, não, gan... gây nhiều bệnh lý nặng nề và có thể dẫn tới tử vong.

Có nên dùng thuốc tẩy giun định kỳ không?

Dùng thuốc tẩy giun định kỳ là việc làm rất cần thiết. Để tẩy giun hiệu quả, chúng ta cần lưu ý tất cả thành viên trong gia đình cùng dùng thuốc tẩy giun trong một đợt để tránh nhiễm chéo.

Thuốc trị giun đường ruột là có tác dụng tẩy sạch hoặc làm giảm đáng kể số lượng giun ra khỏi ruột. Thông thường, người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên, mỗi năm nên tẩy giun 2 lần (trừ trường hợp có chỉ định khác của bác sĩ).

tay giun cho be anh 1

Nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm giun. Ảnh minh họa.

Trường hợp trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ nhiễm giun, gia đình cần đưa trẻ đi khám và làm xét nghiệm tầm soát. Khi đã có bằng chứng chính xác của nhiễm giun, trẻ sẽ được điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Hiện nay, các thuốc thế hệ mới và có nhiều dạng bào chế phù hợp cho trẻ. Vì vậy, uống thuốc không cần nhịn đói hay ăn kiêng, cũng không phải dùng thuốc xổ… nên việc tẩy giun khá thuận tiện.

Trên thị trường có khá nhiều loại thuốc tẩy giun, an toàn cho trẻ: Mebendazol, albendazole, pyrantel, praziquante… Trong đó, albendazole là thuốc phổ biến. Bạn nên dùng thuốc theo hướng dẫn kèm thuốc hoặc chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ.

Cần lưu ý gì khi dùng thuốc tẩy giun?

Khi dùng thuốc tẩy giun nói chung và albendazole nói riêng, chúng ta cần lưu ý những điều sau:

- Phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ em dưới 2 tuổi cần hỏi ý kiến của bác sĩ.

- Bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với các hoạt chất benzinidazole hoặc một trong các thành phần khác của thuốc; bệnh nhân bị suy gan; nhiễm độc tủy xương thì không được dùng thuốc này.

Tác dụng phụ khi dùng thuốc có thể gặp là: Rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau thượng vị, nhức đầu chóng mặt, nổi mẩn… Khi gặp một trong các triệu chứng này sau khi uống thuốc, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời.

Để hạn chế việc tái nhiễm giun cần:

- Rửa tay sạch sẽ khi ăn

- Ăn thức ăn chế biến nấu kỹ và bảo quản tốt, sạch.

- Diệt ruồi và gián, vì chúng có thể bám vào phân hay thức ăn nhiễm trứng giun và bò hay đậu lên thức ăn sạch; rửa sạch sẽ đồ chơi, không để trẻ bò lê dưới đất…

Bệnh lý khiến giun bò trên da

Ấu trùng di chuyển là một bệnh cấp tính trên da người. Khi mới mắc, bệnh nhân thường rất lo lắng do xuất hiện các vết ngoằn ngoèo trên da như giun bò hoặc hình lượn sóng.

https://suckhoedoisong.vn//tre-em-thanh-pho-co-can-dung-thuoc-tay-giun-khong-16922081618012413.htm

ThS. Nguyễn Bạch Đằng / Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm