![]() |
Sốt và các triệu chứng cảm lạnh, cúm thường có xu hướng tồi tệ hơn vào ban đêm. Ảnh: Thomsonmedical. |
Cho dù bị cảm lạnh thông thường, cúm hoặc sốt, bạn có thể nhận thấy rằng các triệu chứng của bệnh thường tồi tệ hơn vào ban đêm.
Chúng ta bị cảm lạnh, sốt hoặc cúm nếu nhiễm phải một loại virus. Thông thường, những căn bệnh này tồn tại trong 3-4 ngày. Trong quá trình điều trị, các triệu chứng có vẻ giảm và gần như hết vào ban ngày nhưng hoàn toàn ngược lại vào ban đêm. Điều gì có thể gây ra hiện tượng này? Có phải virus dường như phổ biến hơn vào ban đêm hay chỉ đơn giản là do sự thay đổi nhiệt độ?
Thực tế, giới khoa học đưa ra 3 lý do chính khiến các triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm dường như trở nên tồi tệ hơn khi chúng ta cố gắng nghỉ ngơi. Hiểu những gì đang xảy ra với cơ thể vào ban đêm đôi khi có thể giúp bạn có được giấc ngủ ngon hơn.
Chức năng của hệ miễn dịch
Theo India Times, một lý do lớn để điều này xảy ra là hệ thống miễn dịch của chúng ta. Cũng giống lịch trình ngủ của con người, hệ thống miễn dịch cũng có quy trình nghỉ ngơi riêng - có thời điểm hoạt động nhiều hơn và thời điểm tạm dừng hoạt động.
Cách thức hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khác nhau giữa ngày và đêm. Do đó, các bác sĩ thường không loại trừ trường hợp sốt trước 24-48 giờ ngay cả khi bạn cảm thấy hoàn toàn ổn trong ngày.
Vào ban ngày, các tế bào miễn dịch bảo vệ cơ thể nhưng khi đêm đến, chúng hoạt động ít hơn. Đồng thời, các tế bào này cũng thực hiện một số hoạt động có thể gây viêm bao gồm cố tình tăng nhiệt độ cơ thể nhằm mục đích tiêu diệt vi khuẩn. Hiện tượng này được các bác sĩ gọi là "sốt tạm thời" để chống nhiễm trùng.
Đó không phải là nghỉ ngơi mà là cơ chế bảo vệ của cơ thể đảm bảo toàn bộ lực lượng phòng vệ miễn dịch được chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu vào buổi sáng. Bộ não cũng giúp hệ thống miễn dịch bằng cách giữ cho nó bị phân tâm và tập trung cho việc khác.
Sự gia tăng đột biến về hoạt động của hệ thống miễn dịch vào ban đêm và chứng viêm cũng có thể xuất hiện vào buổi sáng. Vì vậy, nếu cố gắng bỏ qua các triệu chứng để ngủ suốt đêm, bạn có thể cảm thấy tồi tệ vào buổi sáng khi thức dậy.
Trong khi đó, buổi chiều và đầu giờ tối là những thời điểm trong ngày mà hệ thống miễn dịch có xu hướng giảm bớt. Bạn thường cảm thấy tốt hơn vào khoảng thời gian này nhưng sau đó, các triệu chứng lại bùng phát trở lại vào ban đêm.
Vai trò của trọng lực
Theo tạp chí Time, tiến sĩ Rob Danoff, bác sĩ gia đình của Aria-Jefferson Health ở Philadelphia (Mỹ), cho biết nằm xuống có thể gây ra một số triệu chứng liên quan đến tắc nghẽn.
"Vào ban ngày, khi chúng ta ngồi dậy, đi lại và hoạt động nhẹ nhàng, chất nhầy có xu hướng chảy xuống và không tích tụ về phía sau cổ họng như khi nằm xuống", tiến sĩ Danoff nói.
Tình trạng tắc nghẽn thêm có thể đồng nghĩa với việc bạn buộc phải thở bằng miệng, khiến miệng và cổ họng khô, dễ bị ho hơn. Vì vậy, sự kết hợp của việc không thể thở đúng cách, cùng với cơn ho dai dẳng, có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm.
![]() |
Việc nằm xuống khiến bạn khó thở, dễ bị tắc nghẽn hơn. Ảnh: Everydayhealth. |
Nếu tắc nghẽn là vấn đề lớn nhất khi bị bệnh, bạn có thể kê cao đầu bằng vài chiếc gối. Điều này có thể giúp chất nhầy thoát ra, ngăn ngừa tích tụ trong cổ họng hoặc xoang. Vì bạn uống ít hơn vào ban đêm, chất nhầy có thể bị nhớt, làm tắc mũi và đường thở. Do đó, bạn nên uống nhiều nước trong ngày để chất nhầy loãng, không đặc và ngăn mùi tanh.
Bạn cũng nên làm thông mũi trước khi đi ngủ. Điều này giúp bạn không khó ngủ do bị nghẹt hoặc chảy nước mũi. Thử hít hơi nước hoặc thêm một số loại tinh dầu như bạch đàn hoặc bạc hà vào bát nước nóng và nhẹ nhàng hít thở hơi nước. Ngoài ra, hãy thử thuốc xịt mũi để giúp thông đường thở.
Sự mất tập trung vào ban ngày
Lý do khác khiến cơn sốt và các triệu chứng cảm lạnh, cúm tồi tệ hơn vào ban đêm là sự mất tập trung vào ban ngày.
Trong ngày, chúng ta thường có rất nhiều thứ để thực hiện và suy nghĩ. Việc bận tâm vào nhiều thứ có nghĩa là bạn có rất ít thời gian để chú ý tới các triệu chứng bệnh của mình. Tuy nhiên, vào ban đêm, khi nghỉ ngơi, bạn có thời gian để cảm nhận tình trạng sức khỏe của mình như thế nào.