Vì ảnh hưởng dịch bệnh, không khí Tết đoàn viên năm nay khác hẳn mọi năm. Dù vậy, mỗi người đều có cách rất riêng để chuẩn bị mâm cỗ với màu sắc tươi vui, ấm cúng.
Nét đặc trưng của dịp rằm tháng 8 là mâm bánh trái, đồ chơi để trẻ nhỏ phá cỗ, gia đình sum vầy vui Trung Thu, đón trăng tròn. Giữa tiết trời thu mát mẻ của thủ đô, 5 độc giả chia sẻ với Zing những xúc cảm đặc biệt, bí quyết chuẩn bị mâm cỗ tinh tế với bánh nướng, hoa quả, tò he, chó bưởi...
______
Mâm cỗ đầy nghệ thuật với tò he, lồng bàn bằng tre
Đoàn Phương Thảo
Trong số các món đồ chơi Trung thu truyền thống, con giống bột (còn gọi là tò he) được coi là tinh hoa mà thế hệ cha ông để lại.
Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo và bột nếp. Chất liệu bột tò he truyền thống và lớp phủ bảo vệ giờ đây đã được cải tiến chống ẩm mốc, có thể bảo quản lâu.
Tôi đặt tò he từ nghệ nhân, các hình tượng rực rỡ sắc màu toát lên không khí lễ hội gồm chị Hằng bế thỏ ngọc, 4 cô tố nữ, mâm ngũ quả, đầu lân, tam sư, cùng nhiều con vật thân thuộc được làm bằng bột…
Ngoài tò he, lồng bàn đựng trái cây bằng tre là một điểm nhấn. Sản phẩm này do tôi tự làm, vừa để đậy đồ ăn, vừa có thể thay hộp, giỏ đựng quà mỗi khi muốn tặng người thân. Tôi sử dụng hoa nhài xâu chuỗi, cùng hoa sen, quả thị, hồng gắn vào lồng bàn trang trí.
Mọi thứ khác trong mâm cỗ cũng do bản thân tôi tự bày biện. Đồ nhâm nhi có bánh xu xê, bánh nướng, cốm, mứt, kẹo các loại. Các bé con cũng say sưa xếp mâm ngũ quả cùng mẹ làm không khí trước thềm Trung thu thêm ấm cúng.
______
Góc đón Tết đoàn viên nhỏ xinh, ấm áp
Nguyễn Hồng Nghĩa
Trung thu năm nay không rộn ràng tiếng trống, chẳng rực rỡ ánh đèn lồng khắp phố phường nhưng hơi thở mùa thu vẫn vẹn nguyên. Trong không khí có đôi phần khác lạ này, tôi chuẩn bị mâm cỗ nhỏ cho con gái đón lễ sớm. Góc Trung thu của nhà tôi khá đơn giản, có đèn ông sao nhỏ xinh, đèn lồng từ vỏ bưởi, vài chiếc bánh nướng và một chú chó bưởi đáng yêu.
Đây là lần thứ 3 tôi tự làm chó bưởi, mất hơn 1 tiếng để ra thành phẩm. Nguyên liệu chính để thực hiện là 2 quả bưởi Phúc Trạch.
Phần thân cốt của chú chó được tạo ra bởi miếng bí xanh hoặc bầu dài chừng 18-20 cm. Củ khoai tây, hành tây, cà rốt được sử dụng làm phần đầu. Tất cả chi tiết được ráp lại nhờ que tre dài. Tôi bóc múi bưởi ra, cắt bớt 2 bên vỏ và làm bông tép bưởi lên cho đẹp. Sau đó, dùng tép bưởi phủ kín thân và đầu chú chó đã tạo. Khi gắn bưởi, bạn nên dùng que tăm nhỏ bởi sẽ dễ cắm hơn và không lộ vết. Dùng 2 hạt nhãn làm mắt, thêm miếng cà rốt nhỏ làm miệng, thắt 1 chiếc nơ xinh ở cổ chú chó cho điệu.
Quá trình thực hiện chó bưởi, con gái tôi chụp lại vài tấm ảnh lưu khoảnh khắc đáng nhớ. Ở nhà tránh dịch, cả gia đình vẫn háo hức và mong đợi ngày trăng tròn.
______
Tự cắm cành hồng, làm bánh bông lan đón Trung thu sớm
Nha Trang
Năm nay, tôi trang trí Tết Trung thu với cành quả hồng chín đỏ, điểm tô những chiếc đèn ông sao, mặt nạ, hoa tươi và mua bánh thú mini nướng thơm lừng để cả nhà nhâm nhi cùng trà.
Điểm nhấn của bữa tiệc không chỉ nằm ở sự sắp xếp, phối hợp màu sắc từ những đồ trang trí mà còn là bánh chuối do tôi tự tay thực hiện. Nguyên liệu khá đơn giản gồm chuối, đường cát, trứng gà, dầu ăn, bột nổi, baking soda, sữa tươi, bột mì.
Công đoạn chế biến bánh không quá khó. Bạn chỉ cần bóc sạch vỏ chuối, cắt khúc, cho vào âu lớn cùng đường, dùng máy đánh trứng đánh đến khi hỗn hợp nhuyễn mịn.
Người làm vừa đánh, vừa thêm trứng vào âu chuối, khi hỗn hợp bông trắng lên thì dừng lại. Sau đó, bạn pha sữa với dầu rồi từ từ cho vào âu chuối, vừa cho vừa đánh để các nguyên liệu hòa quyện vào nhau. Tiếp đến, bạn trộn đều bột mì, bột nổi và baking soda, cho từng chút vào âu bột đánh lên, trộn lần nữa để đảm bảo hỗn hợp mịn mượt, không vón cục.
Thành phẩm bánh nở xốp mềm, màu đẹp khi nướng ở mức nhiệt 190 độ C trong khoảng 50-60 phút tùy lò. Bánh được nướng chín vừa, không bị cháy, bên trong mềm mịn, ấm nóng rất hấp dẫn.
______
Trang trí mâm cỗ rằm tháng 8 từ nguyên liệu sẵn có
Phùng Hà
Năm nay, không thể tụ họp mọi người để trông trăng, phá cỗ, gia đình tôi vẫn chuẩn bị góc nhỏ tận hưởng không khí Trung thu. Với phương châm tiết kiệm, có gì dùng đó, tôi chỉ mua thêm một ít bánh và bưởi, phần củ quả còn lại là những thứ được nhận hỗ trợ của phường.
Từng nhiều lần chuẩn bị các mâm cỗ dịp Tết đoàn viên, tôi tích lũy được kha khá kinh nghiệm. Nếu bày mâm cỗ to cho tiệc đông thành viên, bạn có thể làm chó bông bằng bưởi, ngược lại với phạm vi gia đình bạn chỉ nên làm thỏ bưởi đơn giản. Khi bày biện, bạn hãy thử tạo ra những bậc cao thấp (kiểu bậc tam cấp) bằng cách dùng xốp, ghế, hộp... Sử dụng thêm khăn trải bàn hoặc miếng vải làm phông sẽ giúp khoảng trống sinh động hơn.
Mùa dịch, việc mua sắm gặp nhiều hạn chế, chúng ta đừng quên tận dụng lẵng hoa cũ, chiếc nơ, bút, bìa, giấy màu... hay bánh, kẹo, trái cây trong nhà để làm bữa tiệc thêm phong phú.
______
Đón trăng tròn với bánh, trà và hoa
Lệ Hằng (Hạt Sen)
Trung thu này đặc biệt hơn những mùa trăng trước bởi người dân cả nước đang kiên cường, chung tay chống dịch. Các con không được đi rước đèn, xem múa lân hay tham gia trò chơi yêu thích ở khu vui chơi, đổi lại chúng được trải nghiệm dịp Tết giản dị bên gia đình.
Để đánh dấu mùa trăng tháng 8, tôi chuẩn bị bàn trà nhỏ, cắm những chậu hoa tươi thơm ngát kết hợp ánh nến lung linh. Ngoài ra, bữa tiệc không thể thiếu những chiếc bánh nướng đậm đà hương vị để cả nhà thưởng thức.
Đón lễ tại tổ ấm đem lại nhiều trải nghiệm ý nghĩa, nuôi dưỡng cho tâm hồn những ký ức đẹp và thôi thúc bản thân giữ vững tinh thần lạc quan trước dịch bệnh.