Ngày 14/6, Maliha Ramu (51 tuổi) nhận án tù 7 tháng với 2 tội danh lừa đảo cùng 3 tội danh khác.
Người phụ nữ gốc Ấn Độ này đã lừa gần 5.000 SGD (3.600 USD) từ một thanh niên trẻ và bố của anh thông qua trang web mai mối, theo TODAY.
Maliha Ramu từng thực hiện những cuộc lừa đảo tương tự trong quá khứ. Ảnh: Reuters. |
Để thực hiện phi vụ trót lọt, bà sử dụng ảnh của cháu dâu 27 tuổi làm hình đại diện, đồng thời bịa ra rằng mình đang làm việc tại một căn cứ quân sự ở nước ngoài nên không thể gọi điện video.
Trong thời điểm xét xử, kẻ lừa đảo góa chồng và làm nghề tự do.
Ramu từng ngồi tù cách đây 15 năm với những tội danh tương tự. Bà từng kết thân với các nạn nhân ở Ấn Độ và Australia, hứa hẹn sẽ kết hôn với họ để lừa đảo 225.000 SGD.
Tháng 11/2018, ông Murallikrishna (62 tuổi), cha nạn nhân, đã đăng ký tài khoản trên trang web mai mối Tamil Matrimony nhằm tìm vợ cho con trai Govindandhanasekaran Murallikrishna (29 tuổi).
Ramu cũng có tài khoản ảo trên cùng website này, với tư cách là một phụ nữ độc thân 25 tuổi có tên Keerthana.
Khi cha của nạn nhân liên lạc, Ramu yêu cầu ông gọi vào số điện thoại nhà và trò chuyện với “mẹ của Keerthana”. Sau đó, bà giả vờ là “mẹ của Keerthana”, trao đổi với người cha và đồng ý cho con trai ông qua lại với Keerthana.
Kẻ lừa đảo nhận án tù 7 tháng, theo phán quyết của tòa án. Ảnh: Ili Nadhirah Mansor/TODAY. |
Kể từ đó, bà chuyển sang đóng giả làm cô gái 25 tuổi và nhắn tin, gọi điện với nạn nhân. Bà nói rằng mình là cố vấn tại một căn cứ quân đội tại Australia và khước từ yêu cầu gọi video của chàng trai.
Thay vào đó, bà gửi cho Govindandhanasekaran những bức ảnh của cháu dâu, người đang làm việc tại Lực lượng Vũ trang Singapore, nhằm thuyết phục nạn nhân tin vào “nhân vật” Keerthana.
Thậm chí, bà cung cấp số căn cước công dân Singapore (NRIC) của cháu dâu theo yêu cầu của chàng trai, đồng thời thỉnh thoảng gửi một số món quà, như tai nghe và thuốc bổ, cho cha của nạn nhân.
Ramu khiến chàng trai tin rằng Keerthana sẽ kết hôn với anh sau khi cô trở về từ Australia, khẳng định rằng hợp đồng lao động tại căn cứ quân sự sẽ kết thúc vào tháng 5/2019.
Tuy nhiên, khi gần đến ngày hẹn, bà nói dối rằng hợp đồng được gia hạn. Hơn nữa, vì “mẹ của Keerthana” đang ốm và đang sống tại Mỹ cùng em trai, bà không thể tiếp tục bàn về đám cưới với nạn nhân.
Số vụ hẹn hò lừa đảo ngày càng tăng ở nhiều quốc gia, đặc biệt trong thời gian đại dịch. Ảnh minh họa: SCMP. |
Không lâu sau, Ramu yêu cầu Govindandhanasekaran chuyển tiền để bà “giúp đỡ các khách hàng”. Từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2019, nạn nhân chuyển cho bà tổng cộng 4.750 SGD. Thực tế, kẻ lừa đảo sử dụng số tiền để trang trải sinh hoạt phí và một số chi phí khác.
Tháng 12/2019, Ramu tiếp tục xin cha của nạn nhân 1.000 SGD, nói rằng cần tiền để trả khoản vay cho một người bạn. Sau đó, bà hoàn trả 2.000 SGD cho nạn nhân từ một máy rút tiền tự động tại Trung tâm mua sắm Bukit Panjang Plaza (Singapore).
Giao dịch này khiến Govindandhanasekaran nảy sinh nghi ngờ. Anh cũng phát hiện những bức ảnh mình nhận được đến từ tài khoản mạng xã hội của cháu dâu bà Ramu. Hơn nữa, cô gái này đã kết hôn và bố mẹ cô có một cửa hàng tại khu dân cư Chua Chu Kang.
Chàng trai liền đến địa chỉ cửa hàng và xác nhận rằng không có ai tên Keerthana. Khi anh đưa băng ghi âm cho gia đình cô gái, họ xác định rằng đây là giọng nói của Ramu. Tháng 1/2020, nạn nhân trình báo vụ việc cho công an.