Chỉ có 3 người trên hành tinh này sở hữu khối tài sản ròng trị giá từ 200 tỷ USD trở lên. Ảnh: @zuck. |
Theo Bloomberg Billionaires Index, chỉ có 3 người trên hành tinh này sở hữu khối tài sản ròng trị giá từ 200 tỷ USD trở lên, bao gồm Elon Musk của Tesla, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos, và giờ đây là Mark Zuckerberg của Meta, Business Insider đưa tin.
Sự gia tăng tài sản ấn tượng của Zuckerberg lên tới 72 tỷ USD trong năm nay, đưa tổng tài sản của ông chạm mốc 200 tỷ USD, chủ yếu nhờ vào đà tăng trưởng mạnh mẽ của cổ phiếu Meta. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của công ty mẹ Facebook, WhatsApp, Instagram và Threads đã tăng gần 60%, đạt mức cao kỷ lục hơn 560 USD/cổ phiếu.
Dưới sự lãnh đạo của Zuckerberg, Meta đã mạnh tay đầu tư vào các lĩnh vực đầy tiềm năng như thực tế ảo, siêu vũ trụ và trí tuệ nhân tạo.
Cổ phiếu Meta tăng vọt, Zuckerberg củng cố vị thế tỷ phú. Ảnh: Yonhap. |
Ban đầu, những khoản đầu tư lớn này khiến các nhà đầu tư lo ngại, khiến giá cổ phiếu Meta giảm mạnh từ tháng 9/2021 đến tháng 11/2022. Nhưng sự bùng nổ của AI cùng với những dấu hiệu cho thấy Meta đang kiểm soát chi tiêu hiệu quả đã thu hút sự quan tâm trở lại từ thị trường. Giới đầu tư tin tưởng Meta sẽ là người dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và giải trí thế hệ tiếp theo.
Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, cũng đã tái gia nhập nhóm siêu giàu với tài sản tăng 39 tỷ USD lên 216 tỷ USD nhờ cổ phiếu Amazon tăng trưởng ấn tượng.
Trong khi đó, Elon Musk tiếp tục củng cố vị thế người giàu nhất thế giới, nâng khối tài sản từ 229 tỷ USD lên 265 tỷ USD chỉ trong vòng chưa đầy 9 tháng của năm 2024.
Ngược lại, Bernard Arnault, CEO của LVMH, chứng kiến tài sản giảm 30 tỷ USD xuống còn 177 tỷ USD do cổ phiếu tập đoàn xa xỉ này sụt giảm. Ông đã tụt xuống vị trí thứ năm, nhường chỗ cho Larry Ellison, đồng sáng lập Oracle, người có tài sản tăng vọt 55 tỷ USD nhờ cổ phiếu công ty tăng 57%.
Musk củng cố ngôi đầu với khối tài sản 265 tỷ USD. Ảnh: CNBC. |
Cả Arnault và Ellison hiện đều còn cách mốc 200 tỷ USD hơn 20 tỷ USD, và khả năng gia nhập "hội 200 tỷ USD" trong thời gian tới là không cao.
Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) cùng với quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đầu tiên sau khi tăng từ gần 0 lên hơn 5% trong vòng chưa đầy 18 tháng, đã mở ra cơ hội kiếm tiền cho các "ông trùm" công nghệ, giúp Musk, Bezos, Zuckerberg và Ellison gia tăng mạnh mẽ khối tài sản.
Các nhà đầu tư đang đặt cược mạnh vào việc Tesla có thể khai thác AI để cung cấp năng lượng cho xe tự lái và robot hình người, Amazon có thể ứng dụng, tăng cường dịch vụ đám mây và lợi nhuận thương mại điện tử, Meta có thể đưa truyền thông xã hội và giao tiếp kỹ thuật số lên một tầm cao mới với AI, và Oracle có thể kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ bằng cách cho thuê dung lượng trong các trung tâm dữ liệu AI.
Lãi suất thấp hơn còn khuyến khích chi tiêu, tuyển dụng và vay mượn, đồng thời làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản an toàn như tiền mặt và trái phiếu, khiến dòng tiền chảy vào cổ phiếu.
Con người bắt đầu uống cà phê từ khi nào
Có một số bằng chứng cho thấy rằng từ xa xưa ở Ethiopia người ta ăn quả của cây cà phê, cuốn với mỡ động vật như một món ăn vặt tăng sự hưng phấn. Có chứng cứ về việc người ta uống cà phê vào cuối thế kỷ 15, nhưng không đủ để khẳng định quán cà phê đầu tiên là Kiva Han, được mở năm 1475 ở Constantinople. Trước những năm 1600 thói quen uống cà phê chưa lan đến châu Âu và việc sử dụng cà phê chủ yếu là cho mục đích y tế chứ không phải để thưởng thức.