Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Ai sẵn sàng chi 100.000 đồng cho mỗi lần cà phê?

Theo khảo sát, số lượng lớn Gen Z sẵn sàng chi trả 50.000-100.000 đồng cho mỗi lần đi cà phê/trà sữa, trở thành nhóm tiêu dùng chiếm ưu thế của thị trường F&B.

Gen Z mong muốn có trải nghiệm ẩm thực độc đáo, mới lạ. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Giữa tháng 9, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố bản Tổng hợp Khảo sát người tiêu dùng F&B năm 2024. Báo cáo của Vietnam Report nhấn mạnh vai trò của người tiêu dùng Gen Z (sinh năm 1997-2012) đối với ngành thực phẩm và đồ uống.

Khảo sát, được thực hiện tháng 8/2024, cho biết 67,4% khách hàng thuộc thế hệ này sẵn sàng chi từ 50.000-100.000 đồng cho một lần đi uống trà sữa/cà phê. Con số này ở Gen X (sinh năm 1965-1980) và Y (sinh năm 1981-1996) chỉ là 26,6%.

Tuy nhiên, theo báo cáo Thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam do iPOS.vn công bố hồi tháng 8, người tiêu dùng trong nước hiện dè dặt hơn với mức chi tiêu hơn 100.000 đồng cho mỗi lần đi cà phê.

Gen Z chuộng chế phẩm thực vật, thích trải nghiệm lạ

Theo nhận định của Vietnam Report, Gen Z là nhóm khách hàng chiếm ưu thế trên thị trường F&B hiện nay. Họ đòi hỏi những điều mới mẻ, có tính sáng tạo cao và sẵn sàng chi trả cho những món hàng yêu thích.

Số lượng người trẻ sinh sau năm 1997 sẵn sàng chi 50.000-100.000 đồng cho một lần đi cà phê gấp khoảng 3 lần các thế hệ khác.

Gen Z Viet,  Gen Z ca phe,  Gen Z an uong,  bao cao f&b, khao sat nguoi tieu dung, nguoi tre di ca phe,  ca phe 100000 dong anh 1

Gen Z có tần suất ăn bên ngoài cao hơn so với những thế hệ trước. Ảnh: Vietnam Report.

Cũng theo đơn vị khảo sát, Gen Z chi phần lớn tiền cho đồ ăn, thức uống ở bên ngoài. Trong số người được khảo sát, 60,7% Gen Z chọn sử dụng dịch vụ của các quán trà sữa/cà phê và nhà hàng trên 3 lần một tuần, trong khi con số này đối với các thế hệ còn lại chỉ dừng lại ở mức 55,2%.

Ngoài ra, Gen Z được xem là thế hệ tiêu dùng ưu tiên lối sống lành mạnh, thúc đẩy xu hướng tiêu thụ các sản phẩm F&B tốt cho sức khoẻ.

Họ đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm thay thế có nguồn gốc từ thực vật như sữa hạt. Thói quen này xuất phát từ mong muốn có chế độ ăn uống lành mạnh và sự quan tâm đến môi trường của thế hệ này.

Chế phẩm từ thực vật không chỉ đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng mà còn là phương pháp cải thiện sức khỏe, gia tăng trải nghiệm ẩm thực và giúp người trẻ theo đuổi lối sống xanh.

Điều này thể hiện rõ trong kết quả khảo sát của Vietnam Report với 61,3% người tiêu dùng Gen Z cho biết gia tăng việc sử dụng thực phẩm từ thực vật vì tin rằng những sản phẩm này tốt cho sức khỏe và 72,8% sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm bền vững.

Ngoài ra, Gen Z cũng được nhận định là thế hệ yêu thích các trải nghiệm ẩm thực độc đáo, mới mẻ. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, hơn 70% Gen Z cho biết bị thu hút bởi các món ăn, đồ uống mới lạ, sẵn sàng thử nghiệm những sản phẩm, dịch vụ chưa từng có trên thị trường.

Xu hướng đi cà phê lúc 4h sáng là ví dụ về mong muốn trải nghiệm đồ uống ở khung giờ đặc biệt của người tiêu dùng trẻ.

Người Việt không còn ‘mạnh tay’ chi tiền đi cà phê

Trong khi đó, báo cáo Thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm của iPOS.vn chỉ ra tình hình kinh tế khó khăn đã tác động đáng kể đến thói quen tiêu dùng cà phê của người Việt.

Đơn vị này khảo sát 2.360 đáp viên tại 63 tỉnh thành, chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

Gen Z Viet,  Gen Z ca phe,  Gen Z an uong,  bao cao f&b, khao sat nguoi tieu dung, nguoi tre di ca phe,  ca phe 100000 dong anh 2

Người tiêu dùng Việt không còn chi tiêu lớn cho mỗi lần đi cà phê. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Theo kết quả báo cáo này, phân khúc cà phê cao cấp gặp khó khăn. Tỷ lệ người sẵn sàng chi hơn 100.000 đồng cho mỗi lần đi cà phê giảm từ 6% xuống 1,7%.

Trong khi đó, mức giá 41.000-71.000 đồng cho mỗi lần đi cà phê trở nên phổ biến. Số lượng người chọn phân khúc này tăng 11,5%.

Báo cáo cũng chỉ ra sự sụt giảm tần suất đi cà phê do áp lực công việc ở người tiêu dùng trong nước. Gần 42% đáp viên chỉ thỉnh thoảng đi cà phê và 32% người được hỏi duy trì thói quen này với tần suất 1-2 lần/tuần.

Phần đông đáp viên cho biết lý do của sự giảm sút này đến từ cường độ công việc tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Kinh tế biến động cũng khiến khách hàng cân nhắc nhiều hơn trước quyết định chi tiêu cho các sản phẩm, dịch vụ gia tăng, không thiết yếu.

Người trẻ Việt lương 5-10 triệu đồng/tháng đi cà phê nhiều nhất

Nhóm có thu nhập thấp, tập trung đông đảo đối tượng người tiêu dùng trẻ, đi cà phê với tần suất cao 1-3 lần/tuần.

Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới

Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.

Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm