Nhiều trường quốc tế tại TP.HCM đang bị phụ huynh phản đối mức học phí online và việc hoàn phí trong thời gian nghỉ dịch Covid-19.
Tranh luận giữa phụ huynh và các trường quốc tế liên tục "nóng" lên khi có hàng loạt vụ việc phụ huynh gửi đơn cầu cứu và kéo nhau đến cổng trường để phản đối.
Phụ huynh trường Dân lập Quốc tế Việt Úc đến cổng trường phản đối chính sách học phí. Ảnh: H.L. |
Không dạy thì không được thu học phí
Giải thích về quy định thu học phí ở khối trường ngoài công lập, luật sư Đặng Bá Kỹ, Công ty luật TNJ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết điều 66, Luật Giáo dục 2005 đang có hiệu lực, quy định các trường tư thục được tự chủ về chế độ tài chính. Các trường tự thu, chi, cân đối.
Khoản 2, điều 105, Luật Giáo dục 2005 cũng quy định thêm rằng mức thu học phí do trường tư thục được quyền tự xây dựng. Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, cũng quy định tương tự về những điều này.
Thực tế, đầu năm học, các trường đưa ra những quy định về học phí, phương thức thu của năm đó. Phụ huynh chấp nhận cho con em học ở trường tức là chấp nhận mức học phí do trường ban hành.
"Từ đó có thể khẳng định rằng khi phụ huynh cho con học ở trường tư thục nghĩa là giữa phụ huynh và nhà trường đã xác lập một giao dịch dân sự liên quan việc học của con em mình", luật sư Kỹ nói.
Trong giao dịch này, nghĩa vụ của trường phải tổ chức dạy đầy đủ chương trình, điều kiện đã đăng ký với cơ quản lý giáo dục. Nghĩa vụ của phụ huynh là phải nộp học phí, đảm bảo con mình tuân theo quy định, nội quy của trường.
Theo luật sư Kỹ, nếu không có sự biến pháp lý xảy ra, tức không xảy ra dịch Covid-19, nhà trường tự ngưng dạy là vi phạm nghĩa vụ của mình. Trường hợp đó sẽ phát sinh trách nhiệm, hệ quả pháp lý và nhà trường phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật.
"Khi trường ngưng dạy do dịch bệnh thì họ không bị chịu chế tài theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi trường tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình, họ cũng không thể được nhận lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó, nghĩa là họ không thể đòi phía bên kia thực hiện nghĩa vụ - phụ huynh phải nộp học phí", luật sư Kỹ nói.
Ông cũng cho rằng khi học sinh nghỉ, trường chưa triển khai việc dạy học online được xem như tạm hoãn thực hiện hợp đồng theo quy định của Bộ Luật Dân sự. Do đó, việc tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ phải từ 2 phía: Trường không thực hiện dạy học, phụ huynh không phải nộp học phí cho học sinh.
Như vậy, khoảng thời gian trường cho học sinh nghỉ nhưng chưa triển khai dạy online, nếu phụ huynh đã nộp học phí toàn bộ từ đầu năm, trường phải hoàn trả cho phụ huynh. Hoặc nếu sau này trường dạy bù, không được thu thêm học phí.
Nhóm phụ huynh trường Quốc tế Australia (AIS Saigon) đứng trước cổng trường, yêu cầu trường đối thoại trực tiếp về học phí. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Không thể cào bằng học phí online như học tại trường
Trường hợp cơ sở giáo dục triển khai dạy online, theo luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trường vẫn nhận được quyền lợi vì đã cố gắng duy trì hình thức đào tạo online. Nhưng ông cho rằng học online là hình thức “chữa cháy” trong hoàn cảnh dịch bệnh. Chất lượng không tương xứng nên không thể thu học phí như lúc bình thường.
"Thực tế, khi triển khai học online, nhiều tồn tại không khắc phục được, không thể đảm bảo chất lượng dạy, học như so với học tại trường. Lý thuyết có thể đáp ứng nhưng về thực hành và các hoạt động khác hoàn toàn thiếu hụt nên không thể cào bằng học phí thông thường với học phí online", luật sư Lĩnh nêu quan điểm.
Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng trường hợp vì dịch bệnh, các trường phải chuyển từ dạy trực tiếp sang online dẫn đến phát sinh vấn đề thay đổi mức học phí, có thể áp dụng điều 420, Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết.
Đây là trường hợp điều kiện thực hiện hợp đồng thay đổi, không phải trường hợp bất khả kháng. Vì trong thời gian học sinh nghỉ, trường đóng cửa nhưng vẫn khắc phục được phần nào bằng cách dạy học online. Do đó, đây không thể gọi là trường hợp bất khả kháng.
“Luật quy định rõ trường hợp hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có thể yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng. Nếu các bên không thỏa thuận được trong thời gian hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu tòa án chấm dứt hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền, lợi ích giữa các bên”, thạc sĩ Quang nêu.
Trong khi đó, luật sư Lê Hồng Lĩnh lại cho rằng mặc dù giữa phụ huynh và các trường là quan hệ dân sự, trường hợp này không nên áp dụng biện pháp “bất khả kháng” hay “thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” trong Bộ Luật Dân sự để giải quyết.
Nhà trường có thể sử dụng lý lẽ trên để bảo vệ quan điểm thu học phí của mình, nhưng không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Mâu thuẫn giữa phụ huynh và nhà trường ngày càng gia tăng và người bị ảnh hưởng nhiều nhất là học sinh.
"Các trường phải căn cứ tình hình thực tế tại nhà trường có thể tính toán nội dung, khối lượng công việc để tính toán học phí online hợp lý, đồng thời thông báo công khai đến phụ huynh, học sinh biết và thực hiện hoặc tổ chức học bù không thu phí, nhằm đảm bảo chương trình học đã đăng ký", luật sư Lĩnh ý kiến.
Kiện tụng là phương án cuối cùng
Quan sát mâu thuẫn giữa phụ huynh và các trường quốc tế hiện nay, luật sư Đặng Bá Kỹ cho rằng các cơ quan chức năng về ngành giáo dục nên đứng ra làm đơn vị trung gian hòa giải.
“Lý tưởng nhất là hai bên thương lượng với nhau. Nhưng nếu mâu thuẫn đến mức đỉnh điểm không thể thỏa thuận thì cần có trung gian hòa giải như Bộ GD&ĐT, các sở giáo dục hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc địa phương”, luật sư Kỹ nêu quan điểm.
Ưu tiên nhất vẫn là thỏa thuận với nhau nhưng nếu không được, phương án cuối cùng, tất nhiên rất bất đắc dĩ là sử dụng tòa án để giải quyết mâu thuẫn.
Thạc sĩ Lưu Đức Quang
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng mấu chốt vấn đề là chưa có sự thống nhất giữa hai bên trong một sự việc chưa từng có tiền lệ. Nhà trường và phụ huynh không có sai phạm, do đó, nếu chưa đến mức bức thiết thì không nên chọn tòa án để giải quyết vụ việc.
“Nhà trường cần chủ động mời phụ huynh học sinh để đối thoại, tìm phương án giải quyết trên cơ sở lợi ích của các bên và trên hết là lợi ích của học sinh.
Trong trường hợp cần thiết, nhà trường có thể đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng hướng dẫn, đề ra hướng xử lý để các trường và cả phụ huynh không lúng túng trong việc thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình”, luật sư Lĩnh gợi ý hướng giải quyết.
Trong trường hợp vẫn không có tiếng nói chung, theo thạc sĩ Lưu Đức Quang, để tránh phát sinh sự việc không hay, hai bên có thể cử luật sư đại diện đàm phán.
"Tôi cho rằng cơ quan quản lý không có thẩm quyền can thiệp vào mức học phí, cũng như phương thức thu nộp học phí, vì đây là thỏa thuận dân sự giữa hai bên. Ưu tiên nhất vẫn là thỏa thuận với nhau nhưng nếu không được, phương án cuối cùng, tất nhiên rất bất đắc dĩ là sử dụng tòa án để giải quyết mâu thuẫn", thạc sĩ Quang nói.
Tương tự, luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh cũng cho rằng bước cuối cùng, để bảo vệ quyền lợi của mình một cách hợp pháp, phụ huynh có thể đưa vụ việc ra tòa.
Điều 420, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản như sau:
1. Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng
b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh
c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác
d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên
đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
2. Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.
3. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu tòa án:
a) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định
b) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
4. Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.