Từng yêu Tết, sợ Tết rồi ghét Tết, nhưng giờ trong tôi chỉ còn lòng trân trọng Tết.
Khi còn nhỏ, tôi là đứa trẻ rất yêu Tết, mà chắc là đứa nhỏ nào cũng vậy. Mỗi năm, tôi háo hức đếm từng ngày lùi dần về mùng một, rồi lại tiếc rẻ đếm đến ngày phải rời xa Tết để đi học lại.
Tết là dịp tôi được diện quần áo mới, được lì xì, được rủng rỉnh kẹo bánh trong túi, được đi chơi xa dù thực ra, đó chỉ là nhà một họ hàng cách nhà tôi khoảng 30 cây số.
Chẳng biết từ lúc nào, niềm yêu Tết ấy chuyển sang sự hờ hững. Một ngày, tôi thấy Tết nhàm chán, nhạt nhẽo rồi dần hiện lên như nỗi chán chường, thậm chí là sợ hãi. Có lẽ, đó là lúc tôi phải trở thành người lớn.
Có những cái Tết, tôi chỉ muốn trốn trong nhà để không phải nghe ai hỏi về chuyện đi làm, lương bổng. Những câu hỏi kiểu "người yêu đâu sao không dẫn về", "khi nào định làm đám cưới", "khi nào dự định có con",... giống như từng giọt nước rơi xuống một cái cốc mà tôi đang cầm trên tay.
Đến một lúc khi nước trong cốc đầy, tay tôi giữ mãi chiếc cốc cũng không còn chịu đựng nổi.
Tôi sợ hãi những câu hỏi trên, nói đúng hơn là sợ áp lực từ câu hỏi đổ lên vai mình, đến mức sợ Tết, rồi ghét Tết. Có năm, tôi còn "âm mưu" giả vờ quên mua vé xe rồi bảo với má con không về. Mục đích chỉ là tránh ghé nhà vào thời gian này.
Về sau tôi nhận ra rằng, các câu hỏi đó không trầm trọng như tôi nghĩ. Bản thân tôi có thể mỉm cười trả lời hoặc nhẹ nhàng đổi hướng. Những người đặt câu hỏi cũng chỉ quan tâm và lo lắng cho tôi như một đứa nhỏ ở trong nhà.
Cốc nước giả tưởng kia tôi không cần cầm mãi. Tôi có thể đặt nó xuống hoặc đổ nó đi. Khi đã không còn vướng bận về việc cầm "cái cốc", tôi đón Tết với tâm trạng nhẹ nhàng hơn.
Cận Tết, tôi chở má đi chợ để mua hoa quả cho ba đơm mâm ngũ quả. Tôi lựa mấy chậu hoa cúc đẹp ở chợ hoa và mang về đặt trước cửa nhà bà nội vì biết bà rất thích. Tôi cho những tờ tiền mới vào phong bao đỏ, đợi các cháu nhỏ đến chúc thì tặng chúng nó.
Chiều 30 Tết sau khi lau dọn nhà mình lần cuối, tôi pha một ấm trà, ngồi trước hiên vừa nhấp ngụm trà, vừa ăn mứt dừa và thấy những cái Tết ngày xưa chạy ùa về từ ký ức.
Thuở còn nghèo, cả nhà cùng các cô, dì, chú, bác quây quần đông đúc bên nhau gói bánh tét, làm bánh men, sên mứt dừa,... Thuở ba mang đâu về một nhành mai rừng thơm ngát. Thuở tôi ngái ngủ thấy cậu, dì ở thành phố về, tôi chưa mở hết mắt thì họ đã toe toét cười.
Niềm vui của Tết đến theo những điều giản đơn như vậy. Khi tôi nhận ra được điều đó, tôi biết mình đã lớn và nay cũng đã có khôn.
Đó là niềm vui được thấy bà nội móm mém cười. Niềm vui được ở giữa những đứa cháu, đứa em và nghe chúng nó líu lo như bầy chim sẻ. Niềm vui vẫn còn ba, còn má ở bên cạnh. Niềm vui được trở về và có người đón mình trở về.
Năm Tân Sửu là một năm không mấy dễ dàng với mọi người, tôi cũng thế, có lẽ vì vậy Tết Nhâm Dần đối với tôi càng đáng quý hơn.
Trước Tết 2022, má đã dặn tôi không cần mang quà gì về, nhà có đủ cả. Đến đứa cháu nhỏ của tôi sang năm mới tốt nghiệp tiểu học, chẳng biết có ai dặn hay không, cũng nhắn tin cho tôi bảo nó không cần lì xì.
Mọi người sợ tôi áp lực chuyện quà Tết, chắc họ nghĩ năm nay khá khó khăn rồi. Chị họ tôi vốn bộc trực, chẳng rào trước đón sau, huỵch toẹt: “Tết vác xác qua nhà chị thôi nhé!”
Người ta hay nói những chuyện như Tết nay không còn vui như Tết xưa. Tôi thì lại nghĩ dù thế nào, Tết cũng vẫn là Tết thôi.
Nhắc đến Tết là nhắc đến hai từ sum vầy, đoàn viên. Chúng ta nghe mãi thấy quen, quen mãi thấy bình thường. Cho đến khi trong đám đông vây quanh bạn những ngày Tết cũ khuyết đi một gương mặt, vắng đi một tiếng cười, bạn sẽ hiểu "sum vầy" và "đoàn viên" quý giá đến mức nào.
Ba má luôn đợi tôi về và luôn sẵn lòng đợi. Tôi chỉ lo rằng đến một ngày, thời gian không đợi ba má nữa, hay thời gian của ba má không đợi tôi.
Vậy nên, Tết nào tôi cũng muốn về nhà. Tôi sẽ luôn làm những việc bao Tết vẫn làm với tất cả trân trọng và biết ơn. Thế là tôi vui rồi, cảm ơn Tết, may mà còn có Tết!
Tác giả: Fuyu