Người mẹ đầu bị niễng sang một bên, khuôn mặt khắc khổ, cái nhìn ngơ ngác nhưng bắt ốc, hến rất giỏi. Còn con gái cũng thành thạo vẹt những đám bèo để có khoảng trống khom người xuống bắt ốc. Suốt mấy tiếng đồng hồ đầm mình trong nước, hai mẹ con bắt được gần 2 kg ốc. Tuyền cười tươi: “Bấy nhiêu ốc chắc bán cũng được trên 30.000 đồng”.
Trời đã 2h chiều, hai mẹ con Tuyền cũng thấm mệt nên về nhà tắm rửa, nghỉ ngơi. Nói là nhà chứ thực chất đó chỉ là cái chái bếp lụp xụp, ẩm thấp của một người hàng xóm tốt bụng thương tình cho ở đậu. Tuyền lấy tập sách ra học. Còn bà Phượng đem ốc đi bán cho chủ vựa.
7h tối, hai mẹ con lại cầm thau đi bắt ốc tiếp. Bà Phượng nói bằng giọng đơ đớ: “Tối trời mát. Ốc bò ra kiếm ăn nhiều, nên bắt ban đêm sẽ nhiều hơn ban ngày...”. Có lẽ vậy nên hai mẹ con cặm cụi bắt đến 10-11h đêm...
Sau mấy giờ đầm mình dưới nước, hai mẹ con Tuyền bắt được gần 2 kg ốc. |
Vợ chồng bà Phượng trên dưới 52 tuổi. Họ lập gia đình muộn và đến với nhau trong nghèo khó. Cả hai đều bị chậm phát triển trí tuệ. Riêng bà Phượng lại bị tật từ nhỏ: đầu bị niễng một bên, giọng nói đơ đớ. Tuy khờ khạo nhưng lạ thay họ rất sáng trong chuyện quyết chí lo cho sự học của con gái duy nhất.
Cả hai làm quần quật để con được tới trường: chồng đốn củi thuê, làm cỏ mướn. Vợ bắt ốc, giặt đồ thuê, tranh thủ những tháng nước nổi có nhiều ốc, đêm nào bà cũng đầm mình dưới nước bắt ốc đến 11h đêm.
Bà ngọng nghịu: “Mình chịu cực khổ mới có tiền lo cho con đi học. Không học sau này khổ lắm. Học mới làm cô giáo hoặc bác sĩ được”. Rồi bà lúi húi lấy những tờ giấy khen của con được vợ chồng bà cất giữ cẩn thận trong mấy lớp nilông, để sâu trong tủ như báu vật ra khoe với tôi.
Riêng Tuyền biết cha mẹ vất vả lo chuyện học của mình nên cố hết sức học để cha mẹ vui lòng và đỡ đần cha mẹ rất nhiều việc. Từ nhỏ Tuyền đã quán xuyến hết chuyện giặt giũ, cơm nước trong nhà. Lớn lên một chút, cô bé đã theo mẹ mò cua, bắt hến...
Cô học trò lớp 7 Trường THCS Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ thổ lộ: “Chỉ có mùa hè là em bắt ốc hến suốt. Còn khi vô học, em chỉ bắt ngày chủ nhật và những ngày chỉ học có vài tiết. Em phải dành thời gian cho chuyện học, để sau này trở thành cô giáo, phụng dưỡng cha mẹ và có tiền cất nhà cho cha mẹ ở…”.