Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghèo và… giỏi có tiếng

Đây là câu chuyện của những bạn trẻ vừa tròn 18 tuổi. Tuổi thơ của họ không đơn giản là “ngày hai buổi đến trường”, bởi tất cả đều chìm trong nghèo khó. Song, họ không lùi bước.

Đó là câu chuyện của hai chị em song sinh Trịnh Thị Khánh Linh (THPT Ba Gia), Trịnh Thị Phương Trinh (THPT chuyên Lê Khiết) bên triền sông Giang (xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi).

“Gia đình đó nghèo có tiếng ở đây. Hỏi nhà hai chị em sinh đôi học giỏi nhà nghèo ai cũng biết”, ông Viên, người chỉ đường, nói. Căn nhà nền lót bằng gạch xây, tường vôi bong tróc, một nửa căn nhà vẫn chưa kịp tô dù ngôi nhà đã có từ 21 năm trước.

Hai chị em Linh (trái) và Trinh đang chăm sóc mẹ - Ảnh: Trần Mai
Hai chị em Linh (trái) và Trinh đang chăm sóc mẹ. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Chàng sinh viên nghèo bất ngờ qua đời trước ngày tốt nghiệp

Không may gặp tai nạn trên đường đi làm về, Trần Trọng Ánh - chàng sinh viên hiền lành của ĐH Kiến trúc Hà Nội - đã qua đời sau một tuần điều trị.

Đương đầu đủ loại cảnh khổ

Trong nhà, Trinh đang chăm sóc mẹ nằm mệt mỏi trên giường. Bà Lương Thị Thành - mẹ hai em (46 tuổi) - bị bệnh thần kinh não và dạ dày hành hạ 15 năm qua, mỗi lần trái gió trở trời là thân thể rã rời, mọi sinh hoạt phải nhờ hai con gái giúp.

“Bác sĩ bảo bệnh tôi ngày một nặng phải chữa ngay, nhưng không có tiền nên khi nào chịu không nổi tôi mua thuốc giảm đau uống tạm”, bà Thành thều thào.

“Nhưng bữa giờ tôi đang vui buồn lẫn lộn” - bà Thành nói. Từ ngày nghe tin Linh thi ba môn khối A và khối B cùng 24 điểm, còn Trinh đạt 25 điểm khối A thì hàng xóm cũng vui mừng cho bà Thành vì có được hai con gái chăm ngoan.

Nhưng rồi những lo lắng dồn lên người phụ nữ bệnh tật, nhiều năm qua bà không làm được gì để có tiền nuôi con. Mọi chi phí sinh hoạt phải nhờ vào hai con trai đầu bỏ học giữa chừng vào Nam mưu sinh.

Vậy mà đứa con trai đầu bị bệnh gan phải về nhà hái thuốc nam uống bốn năm qua, đứa con trai thứ vừa may mắn được bác sĩ cứu sống sau vụ tai nạn giao thông đang tự làm thuê lo thuốc thang cho mình ở Bình Phước.

Đã nhiều lần bà Thành nghĩ hai đứa con gái có lẽ phải nghỉ học vì thấy con còn nhỏ mà phải gánh vác quá nhiều nỗi lo của người lớn.

Trong suốt thời gian học cấp hai và ba, chị em Linh - Trinh vừa đi học vừa lo việc đồng áng, cơm nước trong nhà và chăm mẹ. 

“Tôi nhớ có những ngày hai đứa nhỏ làm cỏ ruộng xuyên trưa, rồi tất tả trở về nấu ăn, cho mẹ uống thuốc xong mới chở nhau đi học. Nhớ nhất là cách đây bốn năm bé Linh ngất lịm ngoài đồng vì làm việc quá sức mà không ăn sáng. Bé Trinh hoảng quá vừa khóc vừa kêu cứu, khi bà con chở lên bệnh xá cháu bị tụt canxi, cho uống bịch sữa là tỉnh queo”, ông Cư, hàng xóm, góp chuyện.

Và không chỉ bà Thành, ai cũng nghĩ cả hai sẽ bỏ học như hai anh trai của mình. Nhưng không, bất kể nắng mưa, trên con đường làng mỗi ngày người ta vẫn thấy cả hai cùng ra đồng, cùng đi học.

Đến khi thi vào THPT, Linh thi đậu với số điểm rất cao được tuyển vào lớp chọn của Trường THPT Ba Gia, còn Trinh trở thành học sinh của Trường THPT chuyên Lê Khiết.

“Đáng ra hai chị em cùng thi vào Trường chuyên Lê Khiết, nhưng phải có một đứa ở nhà chăm mẹ. Hai chị em tự rút thăm, Trinh trúng que được thi vào Trường chuyên Lê Khiết”, Linh kể.

Sẽ tiếp tục cùng nhau bước đi

Dù biết cuộc sống éo le, cha mất từ khi mới lọt lòng nhưng cả hai vẫn quyết không bỏ giấc mơ vào ĐH của mình. Linh dự tính sẽ xét tuyển vào Trường ĐH Kỹ thuật y dược Đà Nẵng, còn Trinh sẽ nộp kết quả thi vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Dù rất muốn vào TP.HCM theo học những trường danh tiếng hơn nhưng lựa chọn cuối cùng sau nhiều ngày hai chị em bàn bạc là Đà Nẵng, bởi dù sao cũng gần nhà, chi phí sinh hoạt đỡ tốn kém hơn và quan trọng là có thể về thăm mẹ và anh trai thường xuyên.

“Tụi em chỉ lo cho mẹ và anh thôi. Cả hai bệnh đều nặng chẳng làm gì được nhiều, không có tụi em ở nhà chăm sóc lúc trở bệnh chẳng biết mẹ và anh phải làm sao”, Trinh bộc bạch.

Giấy xét tuyển nộp đi mà những bước tiếp theo, những con người trong ngôi nhà vôi cũ kỹ ấy vẫn chưa biết ở đâu. Kể cả những khó khăn đang chờ đợi hai chị em ở Đà Nẵng.

Nhưng dường như quyết tâm và ý chí vươn lên được vun vén từ khi còn rất nhỏ nên cả hai vẫn tự tin sẽ vượt qua được khó khăn.

“Khi có giấy báo nhập học, hai chị em sẽ đi làm thêm để tự lo cho mình. Tụi em chấp nhận khổ chứ không bỏ học. Ước mơ của em là trở thành một dược sĩ giỏi để chữa bệnh cho mẹ”, Linh nói.

Trinh tỏ ra người lớn hơn khi nói về chuyện làm thêm ở thành phố bởi cô đã có ba năm kinh nghiệm vừa học vừa làm thêm khi phải từ quê xuống TP Quảng Ngãi theo học Trường chuyên Lê Khiết. Một thời gian biểu chi tiết về thời gian học, làm thêm được Trinh vẽ ra, chuẩn bị cho thời gian tới của hai chị em.

“Thành phố lớn cái gì cũng đắt đỏ nhưng đổi lại cơ hội việc làm cũng nhiều, quan trọng là phải biết sắp xếp thời gian để học và đi làm cho hợp lý. Em tin hai chị em sẽ đến được và trở về thành công từ giảng đường ĐH”, Trinh tâm tình.

Thầy Trần Đình Vợi, Hiệu trưởng THPT chuyên Lê Khiết, cho biết: “Trinh là một học sinh ngoan, chịu khó trong học tập. Những năm trọ học Trường chuyên Lê Khiết, em đi làm thêm kiếm tiền lo chi phí học tập và sinh hoạt của mình. Dù Linh không học ở trường nhưng hoàn cảnh của hai chị em thầy cô trong trường biết rất rõ”.

Ra ruộng mới gặp mặt

Thấy hai đứa bé có hoàn cảnh nghèo khó thuộc loại nhất xã mà học giỏi, UBND xã Tịnh Giang tìm cách giúp đỡ và may mắn cũng đã có một tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ những học sinh nghèo học giỏi ở các vùng quê về Tịnh Giang để hai chị em được tiếp sức ít nhiều.

“Xã này ai không biết hai cháu, nghị lực lớn lắm, dù có quỹ từ thiện giúp đỡ nhưng chỉ giúp học phí, còn cuộc sống hằng ngày thì phải tự lo, vậy mà hai đứa cũng hoàn thành xong cấp ba. Nhiều lần xã tổ chức xuống nhà thăm, dù chọn chủ nhật để gặp hai cháu ở nhà nhưng lúc nào xuống cũng phải ra ruộng mới gặp được”, ông Trịnh Mai, Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang, nói.

Một chuyện nghẹn ngào về lòng tự trọng

Nữ sinh viên nghèo từ chối suất học bổng 500.000 đồng/tháng từ những người hảo tâm. Em xin nhường cho những bạn nghèo hơn.

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20150808/ngheo-va-gioi-co-tieng/790467.html

Theo Trần Mai/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm