Nếu hẹn hò nhưng không được công khai, có thể bạn đã bị người đó "stashing". Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels. |
"Stashing" là thuật ngữ mới trong các mối quan hệ, ám chỉ việc chúng ta hẹn hò với ai đó nhưng không được họ công khai, theo Lovepanky.
Theo đó, người này sẽ không tương tác với bạn trên mạng xã hội, không gặp gỡ bạn bè chung, thậm chí tỏ ra như thể còn độc thân và không muốn ai biết đến mối quan hệ của mình.
Tiến sĩ Carol Morgan, giáo sư tại Đại học Bang Wright, chỉ ra những dấu hiệu, ảnh hưởng và cách giải quyết nếu chúng ta chẳng may rơi vào một cuộc tình "chỉ hai người biết".
Có nhiều dấu hiệu nhận biết một người đang che giấu mối quan hệ. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels. |
Dấu hiệu của "stashing"
Có nhiều dấu hiệu để ta nhận ra mối quan hệ đang bị che giấu. Điển hình nhất là bạn không biết gì về nửa kia, bao gồm những thông tin như bố mẹ, bạn thân...
Đối phương cũng chưa bao giờ muốn giới thiệu bạn với gia đình, bạn bè dù cả hai đã hẹn hò được một thời gian.
Việc ta không xuất hiện trên mạng xã hội của nửa kia cũng là một red flag đáng báo động.
Nếu trên trang cá nhân, anh/cô ấy chỉ trả lời bình luận của bạn một cách xã giao, ẩn những tấm hình được tag hoặc thậm chí không tương tác, kết bạn cùng nhau, bạn cần phải cân nhắc lại mối quan hệ.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý đến việc đối phương không thể hiện cảm xúc ở nơi đông người, không khoác tay, nắm tay, ôm eo hay bất cứ hành động tình tứ nào khác khi có ánh nhìn thứ ba.
Cuối cùng, những đối tượng muốn giấu chuyện tình cảm thường đổ lỗi cho hoàn cảnh, gia đình, bạn bè. Họ sẽ có nhiều lý do để biện minh, bào chữa cho hành động của mình như ngại thị phi, sợ đánh giá, không thích công khai để bảo vệ mối quan hệ...
Có nhiều lý do khiến họ chọn cách không công khai chuyện tình cảm. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels. |
Tại sao che giấu?
Theo Lovepanky, có một số lý do khiến nhiều người không muốn công khai mối quan hệ.
Đầu tiên, họ có thể là những người có vấn đề với gia đình. Dĩ nhiên, không phải ai cũng có một gia đình hạnh phúc để hãnh diện giới thiệu với người khác. Chính tâm lý này khiến họ bối rối khi phải công khai, giới thiệu một nhân vật mới.
Ngoài ra, ta cũng không thể loại trừ trường hợp họ không xem đây là mối quan hệ nghiêm túc. Cả hai có thể thích nhau, hòa hợp trong chuyện tình dục, nhưng xét về nhiều khía cạnh như gia đình, địa vị, công việc, sở thích lại không phù hợp để đi đường dài.
Bên cạnh đó, nếu họ che giấu quá nhiều thứ, họ có thể đang ở trong một mối quan hệ khác và ta là người thứ ba trong câu chuyện này. Đối phương có thể đã kết hôn, hoặc tệ hơn, họ đang hẹn hò với nhiều người cùng lúc và ta là một trong số đó.
Không công khai việc đang trong một mối quan hệ sẽ khiến đối phương bị tổn thưởng. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels. |
Ảnh hưởng
Bị "stashing" chắc chắn là điều rất tệ, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của một mối quan hệ yêu đương.
Chúng ta sẽ có cảm giác thất vọng và bối rối, sau đó tự đặt ra nhiều câu hỏi, cố gắng tìm ra lý do, tự trách bản thân...
Tiếp đến, mạch cảm xúc sẽ khiến ta chuyển sang giai đoạn căng thẳng. Stress trong tình yêu cũng ảnh hưởng đến nhiều mặt khác của cuộc sống như công việc, các mối quan hệ khác và thậm chí là sức khỏe về mặt lâu dài.
Chúng ta cũng chuyển sang nghi ngờ mọi thứ, không biết vị trí của mình là gì trong lòng đối phương. Hầu hết mọi người đều ghét cảm giác phải sống trong sự không chắc chắn đó. Điều này khiến mối quan hệ của cả hai bị đánh giá là chất lượng thấp.
Cuối cùng, bị người yêu mình che giấu với mọi người, trên mạng xã hội... sẽ khiến lòng tự trọng của chúng ta bị ảnh hưởng.
Nếu cảm thấy khác quan điểm về tình yêu, cả hai nên chọn cách dừng lại. Ảnh minh họa: Windd/Pexels. |
Nên làm gì?
Nếu đã xác định mình bị giấu khỏi mọi thứ, chúng ta nên có những hành động cụ thể và không nên bỏ qua.
Theo tiến sĩ Carol Morgan, bạn nên ghi chép lại mọi thứ, đó có thể khi ta xúc động, tổn thương hoặc khó chịu vì điều gì đó. Nắm bắt và ghi nhớ được những gì xảy ra là điều quan trọng.
Ví dụ "17/3, anh đã nói sẽ cho em gặp mặt bạn bè và gia đình vào cuối tuần, nhưng điều đó không bao giờ xảy ra. Tại sao?".
Bằng cách này, nếu khi cần chất vấn, đối phương cũng không thể phủ nhận những gì họ đã nói.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên chia sẻ với chính bạn bè và gia đình của mình. Hãy nói cho họ biết tình huống, đưa ra một vài ví dụ, để họ nhận xét xem có phải chúng ta đang bị stashing hay không, đề phòng trường hợp ta đang bị làm quá vấn đề hoặc hiểu sai tình huống.
Khi đã chắc chắn mình là một "nạn nhân" của việc che giấu, ta cần đưa ra quyết định. Nếu chưa sẵn sàng để chấm dứt mối quan hệ, ta cần phản ánh hành vi này với đối phương và đảm bảo có câu trả lời thỏa đáng.
Nếu phản ứng tích cực, chúng ta nên xem xét lời hứa hẹn, đảm bảo đối tác thực hiện đúng lời, cho họ cơ hội để chứng minh.
Nhưng nếu tình hình không khả quan hơn, họ vẫn liên tiếp biện minh, chống chế, không có lời giải thích hợp lý, cả hai nên dừng lại.
Mối quan hệ lâu dài cần có sự đồng thuận của 2 bên, cũng như cả hai cần có cùng quan điểm sống. Có lẽ chúng ta phù hợp hơn với những ai có thể hét lên rằng "tôi yêu bạn" ở mọi nơi, thay vì mãi để ta ở trong bóng tối.
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.