Những món ăn trên bàn tiệc dịp Tết Âm lịch thể hiện nét đặc sắc của những nền văn hóa khác nhau. Ảnh minh họa: Angela Roma/Pexels. |
Tết Nguyên đán được chào đón bởi hơn 1 tỷ người trên khắp thế giới. Đây là dịp lễ hội lớn nhất trong năm của người dân một số nước Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam.
Những bữa ăn đoàn viên, buổi tiệc sum vầy bên người thân, bạn bè là đặc trưng của ngày lễ này. Món ăn trên bàn tiệc ngày Tết không chỉ góp phần kết nối các thành viên trong gia đình mà còn có ý nghĩa biểu tượng riêng.
Sau khi trò chuyện với 5 đầu bếp đến từ các quốc gia Châu Á, Washington Post đã lựa chọn ra các món ăn không thể thiếu trong Tết Nguyên đán của một số nền văn hóa.
Việt Nam: Các loại mứt
Trao đổi với Washington Post, Doris Hồ-Kane - đầu bếp gốc Việt đang sinh sống tại New York, Mỹ - cho biết ký ức về Tết của cô chính là khay mứt hoa quả. Khay hình tròn được chia thành 4-6 ngăn, đựng mứt tắc (kẹo quất), trái hồng dẹt và mứt dừa bọc đường.
Trong các loại bánh kẹo, mứt Tết, Hồ-Kane ấn tượng nhất với kẹo mè xửng. Khi tự tay làm món này, nữ đầu bếp thực hiện theo công thức được bà, mẹ truyền dạy.
Tuy nhiên, để kẹo mè xửng dễ ăn, vừa miệng hơn, cô đã thêm gừng và một chút vỏ cam nhằm giảm bớt độ ngọt.
Các loại mứt trái cây không thể thiếu trên bàn tiếp khách của người Việt Nam dịp Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa: Hong Son/Pexels. |
Hàn Quốc: Tang-Guk (Súp thịt bò và củ cải)
Trong Seollal (Tết Nguyên đán của Hàn Quốc), lễ Jesa được nhiều người chú trọng. Đây là nghi lễ thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn của con cháu với gia tiên, thường được chuẩn bị bởi những người phụ nữ trong gia đình.
Theo đầu bếp James Park, mâm cúng trong lễ Jesa là một phần không thể thiếu trong Tết Âm lịch. Món Tang-Guk (súp thịt bò và củ cải) luôn được bày biện ở chính giữa bàn ăn.
Khác với những món ăn truyền thống của người Hàn Quốc, loại súp này không có vị cay. James Park cho biết tất cả thức ăn trên bàn lễ Jesa đều không chứa ớt, tiêu.
Singapore: Ngo Hiang (Bánh cuốn tôm thịt ngũ vị)
Tác giả sách nấu ăn gốc Singapore Sharon Wee cho biết Tết Nguyên đán của cô gắn liền với mùi ngũ vị hương, dừa, ớt và sả. Trong bữa trưa ngày đầu năm mới, gia đình Wee thường tụ tập quanh Tok Panjang - chiếc bàn dài để khách đến chơi nhà dùng bữa.
Sau khi chào hỏi, chúc tụng người già, trẻ nhỏ, người Singapore sẽ thưởng thức các món ăn truyền thống như Chap Chye (mộc nhĩ, nấm Trung Quốc), súp cá Hee Pio và Ngo Hiang (bánh cuốn tôm thịt ngũ vị).
Đang sinh sống tại thành phố New York, Mỹ, Sharon Wee vẫn cố gắng tái hiện món Ngo Hiang trên bàn tiệc chào đón năm mới với hội đồng hương.
Các gia đình Singapore thường quây quần xung quanh chiếc bàn dài và thưởng thức bữa ăn đầu năm. Ảnh minh họa: Angela Roma/Pexels. |
Indonesia: Kue Nastar (Bánh dứa)
Sinh ra ở Indonesia, tác giả sách dạy nấu ăn Pat Tanumihardja cho biết gia đình cô không ăn mừng Tết Nguyên đán tại đất nước này. Đến khi định cư tại Singapore, họ mới chào đón Tết Âm lịch.
Trong ngày lễ đặc biệt này, gia đình Tanumihardja thường ghé thăm họ hàng, bạn bè và mang theo cam, bánh dứa làm quà. Theo cô, dứa tượng trưng cho sự thịnh vượng và may mắn.
Tại Indonesia, bánh dứa được gọi là Kue Nastar. Chiếc bánh này có dạng hình tròn với phần nhân mứt dứa chua ngọt bên trong.