Một nhà hàng ở TP.HCM phục vụ bò Kobe Tenderloin nướng kiểu Yakiniku. Món ăn là niềm tự hào về ẩm thực xứ sở mặt trời mọc.
Trong không gian đậm chất Nhật Bản của nhà hàng Kokugyu, bạn có thể tìm thấy hương vị và phương pháp chế biến món bò Kobe được mệnh danh số một thế giới. Tạo nên tên tuổi món ăn là nguyên liệu bò đen Tajima ở thành phố Kobe (tỉnh Hyogo, Nhật Bản) được cất giữ ở nhiệt độ đúng chuẩn.
Bếp trưởng Dũng mở ngăn tủ đông, lấy ra một tảng thịt bò lớn nặng chừng 1 kg. Anh nói nhìn miếng thịt đơn giản vậy thôi có giá 18 triệu đồng.
Lý giải về mức giá đắt đỏ này, đầu bếp cho biết nguyên liệu bò được lấy từ phần thăn nội (Tenderloin) ngon và hiếm nhất của bò Kobe. Phần thịt mà mỗi con bò chỉ có khoảng 3-4 kg. Chúng có những lớp vân mỡ cẩm thạch đẹp mắt và hương vị mềm, đậm đà.
Kobe là giống bò hoàn toàn thuần chủng, không pha tạp. Chúng phải được đem đi thiến để đảm bảo độ tinh khiết của miếng thịt. Mỗi con bò không nặng quá 500 kg. Thông tin chính phủ Nhật cấm xuất khẩu bò Kobe còn sống ra nước ngoài càng khiến loại thịt này trở nên đắt hơn.
Tuy vậy, để được công nhận là thịt bò Kobe, quy trình chăn nuôi, sản xuất cũng rất khắt khe và cầu kỳ. Bò nghe nhạc khi ăn, được chải lông, massage, uống bia, ăn ngũ cốc…
Bảo quản ở nhiệt độ thích hợp, phần thịt bò mang về Việt Nam có thể giữ được 8-9 tháng.
Thịt bò thường được bảo quản nguyên tảng lớn trong tủ đông âm 18 độ C để giữ nguyên hương vị. Anh Dũng dùng khăn lau qua mặt thịt đông cứng, để lộ những vân nạc mỡ xen kẽ, đều như vân đá cẩm thạch. Ở khâu đầu tiên, bò phải được cắt bằng máy để có kích cỡ đều, nặng 100 g.
Sau đó, đầu bếp tiếp quản khâu cắt nhỏ, anh uyển chuyển cầm con dao bén cắt bò thành miếng vuông vức, đặt vào đĩa cùng xà lách, cà tím, bắp, nấm, bên trên rắc một ít mè và hành lá cắt nhỏ. Bò phải được đem ra phục vụ ngay để đảm bảo tính thẩm mĩ và hương vị.
Độ ngon của món ăn không đến từ công thức vị hay chế biến cầu kỳ mà là nguyên liệu thịt vốn đắt đỏ. Tự miếng bò mềm, mọng nước chinh phục thực khách, món ăn không hề có sự can thiệp của gia vị.
Nhà hàng nằm trên con đường Trần Quang Khải "trao quyền" quyết định độ chín của món bò cho thực khách bằng phương pháp nướng Yakiniku. Nghệ thuật nướng tại bàn là phong cách ẩm thực gắn với người dân xứ sở mặt trời mọc. Bàn ăn là nơi các thành viên quây quần, cùng thưởng rượu Sake truyền thống.
Để món ăn ngon, giữ nguyên độ mềm vốn có, đầu bếp khuyên thực khách chỉ nên trở thịt 2 lần trong suốt quá trình nướng. Để quá lâu, thịt dai, còn lật mặt thịt liên tục, món ăn chưa đạt độ chín đúng chuẩn.
Khi những giọt mỡ đầu tiên rơi xuống lò là thời điểm hoàn hảo để bạn trở mặt miếng thịt. Âm thanh "xèo xèo" đó dễ quyến rũ chiếc bụng đói của những thực khách đang chờ dùng bữa. Thịt ngon nhất khi ăn tái, bề mặt vừa chuyển màu vàng nâu đẹp mắt và bên trong vẫn còn chút sắc hồng.
Nếu muốn cảm nhận hương vị nguyên bản, thực khách có thể dùng trực tiếp sau khi lấy thịt từ bếp than nóng hổi. Thành phần mỡ và nạc cân bằng khiến miếng thịt không hề khô mà mềm, tan nhanh trong miệng.
Song, món ăn như được gia tăng hương vị khi chấm ngập trong nước sốt Shoyu và Miso, kèm tỏi băm, hành lá, ớt xắt mằn mặn, cay the.
Thực khách cũng có thể cảm nhận vị bò béo, thơm dung hòa với độ tươi mát của rau củ bằng cách kẹp thịt trong lá xà lách, lá tía tô, cà rốt, cà chua, dưa leo và cuốn lại. Mỗi kiểu ăn mang nét hấp dẫn riêng.
Cùng với bò Kobe A5, bàn ăn được lấp đầy bằng cơm chiên mỡ bò Kobe, thịt mông bò Wagyu, lòng bò, canh rong biển... hấp dẫn.