Trong lúc đi lại quanh nhà, người phụ nữ 56 tuổi không phát hiện rắn nên vô tình giẫm phải và bị con rắn lục núi cắn vào cổ chân. Khi bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, vị trí vết cắn sưng nề, lan tỏa nhanh trong vài giờ.
Các xét nghiệm máu cho thấy có tình trạng rối loạn đông máu. Bệnh nhân lập tức được lau rửa vết thương, xử trí theo phác đồ rắn lục cắn.
Bệnh nhân bị rắn cắn đang được điều trị tại khoa. Ảnh: BVCC. |
Không riêng bệnh nhân nữ trên, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn còn tiếp nhận thêm 2 trường hợp bị rắn lục núi cắn khác. Cả hai đều xuất hiện triệu chứng sưng nề, rối loạn đông máu nguy hiểm.
Đáng chú ý, địa phương nơi các bệnh nhân sinh sống đều chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào bị rắn lục núi cắn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Đô, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, vùng xuất hiện của các loại rắn đang có sự thay đổi do mưa bão, lượng nước dâng cao, chúng có xu hướng di chuyển nhiều hơn để tìm kiếm nơi cư trú mới hoặc tìm nguồn thức ăn.
Mưa lớn và lũ lụt có thể làm mất đi môi trường sống tự nhiên của rắn, khiến chúng phải tìm đến các khu vực gần gũi với con người hơn, chẳng hạn nhà ở, sân vườn hoặc các vùng đất đã bị ngập lụt.tr
Bên cạnh đó, những đợt mưa lớn cũng tạo ra môi trường ẩm ướt, lý tưởng cho sự phát triển của các loài côn trùng - nguồn thức ăn ưa thích của rắn. Chính vì vậy, nguy cơ bị rắn cắn, đặc biệt là các loại rắn độc cắn đang tăng cao trong mùa mưa bão.
Để giảm nguy cơ bị rắn cắn, đặc biệt là các loại rắn độc như rắn lục núi, người dân nên lưu ý:
- Giữ cho khu vực xung quanh nhà ở sạch sẽ, gọn gàng. Dọn dẹp các đống rác, cỏ dại và các vật liệu xây dựng có thể là nơi trú ẩn lý tưởng cho rắn.
- Khi di chuyển qua các khu vực có khả năng xuất hiện rắn như cánh đồng, vườn tược phải cẩn thận, sử dụng đèn pin vào ban đêm để sớm phát hiện sự hiện diện của rắn.
- Khi làm việc ngoài trời hoặc ở những khu vực có nguy cơ xuất hiện rắn cao, cần mặc quần áo bảo hộ (ủng cao su, quần dài) để giảm khả năng bị cắn.
Trong trường hợp bị rắn cắn, người dân có thể sơ cứu theo những bước sau:
Bước 1: Cởi bỏ tư trang cá nhân ở chân, tay bị cắn vì nguy cơ chèn ép vào vị trí tổn thương.
Bước 2: Áp dụng biện pháp băng ép bất động để làm chậm quá trình xuất hiện triệu chứng khi bị một số loại rắn hổ cắn (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa và một số giống rắn hổ mang thường).
Bước 3: Trấn an người bệnh, để người bệnh nằm yên tĩnh. Bất động chân, tay nơi bị cắn bằng nẹp (vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).
Bước 4: Dùng các loại băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch phía dưới vị trí băng ép đập). Băng ép từ đầu ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn.
Bước 5: Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay nơi bị cắn (không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm).
Bước 6: Rửa vết cắn dưới vòi nước sạch với xà phòng hoặc rửa với thuốc sát trùng.
Bước 7: Nhanh chóng vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép bất động để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim. Nếu vết cắn nằm ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.…
Chú ý: Trong khi sơ cứu, nếu người bị rắn cắn có bất kỳ dấu hiệu khó thở phải xử trí hà hơi, thổi ngạt. Trong trường hợp người bệnh ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.