Hơn cả niềm vui đón nhận học vị tiến sĩ, chị Vân Anh, Hoài Ân và Hồng Phương “bỏ túi” những trải nghiệm đắt giá sau chặng đường tìm kiếm tri thức tại New Zealand.
Có xuất phát điểm khác nhau, 3 nữ tiến sĩ, nghiên cứu sinh người Việt đều chọn New Zealand để chắp cánh cho ước mơ tri thức. Họ trải qua “thảm gai” trước khi nhận được “hoa hồng” - tự vượt lên giới hạn chuyên môn lẫn rèn giũa sức mạnh tinh thần, xây dựng nền tảng thành công trong sự nghiệp.
13 năm giảng dạy tiếng Anh ở bậc phổ thông, các trung tâm ngoại ngữ, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hay hướng dẫn sinh viên thực tập sư phạm… đã khơi mở đam mê nghiên cứu về phương pháp giảng dạy của giảng viên Đặng Thị Vân Anh (Tiến sĩ Giáo dục ĐH Massey, New Zealand). Đam mê này đã thúc đẩy chị theo đuổi định hướng nghiên cứu chuyên sâu về quá trình phát triển năng lực nghề nghiệp của sinh viên sư phạm.
“Tôi luôn thắc mắc tại sao cùng được truyền tải một lượng kiến thức, trải nghiệm tập giảng (PV: dạy thử) và thực tập như nhau, đều có đam mê nghề dạy học… nhưng các sinh viên do tôi hướng dẫn thực tập lại có phương pháp giảng dạy, cách tổ chức lớp học khác biệt? Thời điểm đó, các nghiên cứu về sự phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên không phổ biến ở Việt Nam. Tôi quyết định nghiên cứu sâu hơn thông qua đề án tiến sĩ của mình”, chị Vân Anh kể lại.
Mối duyên của chị và New Zealand bắt đầu từ một người bạn, cũng là người thầy từng trải nghiệm nền giáo dục tại đây. Bên cạnh đó, sợi dây gắn kết giữa chị Vân Anh với vùng đất này đã hình thành từ sớm, khi nghiên cứu tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy. Những cuốn sách với nội dung tương đối phức tạp, nhưng có cách tiếp cận dễ hiểu đã mở ra cho nữ giảng viên trẻ tầm nhìn mới về triết lý giảng dạy: “Từ suy nghĩ đây có thể là định hướng của nền giáo dục New Zealand, tôi tin mình phù hợp, dù khi đó không có bạn bè hay người thân nào ở đất nước xa xôi này”.
Nhiều người cho rằng hành trình chinh phục bậc học tiến sĩ rất “đơn độc”, nhưng với chị Vân Anh, thử thách chị gặp phải còn đến từ “nỗi sợ thất bại” và “cảm giác nghi ngờ bản thân”. Từng mất hơn 2 năm để hoàn thành một chương trong đề tài nghiên cứu, chị đã từng nảy sinh ý định bỏ học.
Giữa lúc lạc đường, sự nâng đỡ của hai giáo viên hướng dẫn - từ sức khỏe tinh thần đến năng lượng sống - đã giúp chị vực dậy. Bất ngờ hơn, chị còn được truyền lửa từ một giáo sư về hưu, trước đây là trưởng khoa và hiệu phó của trường. “Ông ghé văn phòng hỏi thăm tình hình học tập của tôi, lắng nghe lời than thở và yêu cầu tôi gửi báo cáo việc học hàng ngày. Đó là những tia sáng dẫn tôi ra khỏi bóng tối”, chị Vân Anh nhớ lại.
Ngoài trải nghiệm học tập trong môi trường tiến bộ, một trong những điều quý giá mà chị Vân Anh nhận được sau nhiều năm tại New Zealand chính là sự hiểu biết sâu hơn về quá trình phát triển niềm tin và năng lực nghề nghiệp của sinh viên sư phạm. Từ đó, thông qua đề án tiến sĩ của mình, chị đề xuất cải tiến cho chương trình đào tạo cử nhân sư phạm tiếng Anh ở Việt Nam.
“Chính những điều này giúp ký ức về quá trình học tiến sĩ của tôi đầy nỗi sợ nhưng lại nhiều yêu thương và đẹp đẽ”, chị nói.
Sau hai năm tốt nghiệp đại học, chị Lê Thị Hoài Ân (Tiến sĩ ngành Xây Dựng, ĐH Massey, New Zealand) có công việc đúng chuyên môn tại các công ty xây dựng. Môi trường làm việc thú vị, nhưng chị vẫn khao khát tiếp cận kiến thức mới và được đóng góp cho ngành. Rời khỏi công việc công sở, chị quyết định theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, chinh phục bậc học tiến sĩ tại New Zealand.
“Với tôi, học tiến sĩ là một hành trình ‘unique’ (PV: độc đáo, riêng biệt). Tôi tự trải nghiệm, tự ‘trưởng thành’ trong nghiên cứu”, chị Hoài Ân cho biết.
Dù đã tốt nghiệp thạc sĩ lĩnh vực xây dựng, có hành trang 2 năm cọ xát thực tiễn và hơn 4 năm giảng dạy tại ĐH Xây dựng Hà Nội, chị vẫn đối mặt không ít thử thách khi bắt đầu chặng đường nghiên cứu sinh.
Bước vào con đường học thuật với lượng kiến thức khổng lồ, khao khát khẳng định năng lực, chị rơi vào trạng thái mất định hướng. Mặc dù đề tài nghiên cứu đã được xác định từ trước khi sang New Zealand, chị loay hoay vì không biết chọn hướng nghiên cứu, phương pháp luận nào phù hợp . Mất 6 tháng, chị quyết định thay đổi đề tài và đây cũng là thử thách đầu tiên trên hành trình chinh phục học vị tiến sĩ.
Từ “cú shock” đầu tiên, chị có kinh nghiệm để vượt qua những khó khăn trong chặng đường tìm kiếm tri thức ở một đất nước mới. Bên cạnh đó, lợi thế của New Zealand là môi trường học tập cởi mở, khoảng cách giữa giáo sư và sinh viên rất gần gũi. Nghiên cứu sinh có thể học hỏi mọi thứ, qua giáo viên hướng dẫn và giảng viên khác trong khoa.
“Tôi quen rất nhiều anh chị, bạn cùng học tiến sĩ. Đích đến có thể giống nhau, nhưng con đường và câu chuyện từng người rất khác. Ai cũng phải tự thân vận động, bước đi - tìm tòi, sai - sửa, vấp ngã - đứng dậy. Có những thành công phải trải qua nhiều lần thất bại…”, chị chia sẻ.
Theo chị, mỗi năm các đại học New Zealand nói chung và ĐH Massey nói riêng đều có quỹ hỗ trợ sinh viên tham gia các hội thảo đầu ngành để trao đổi và học hỏi học giả từ nhiều nước. "Tôi đã chuẩn bị hồ sơ theo đúng yêu cầu của quỹ hỗ trợ và may mắn nhận được tài trợ cho chuyến đi tham gia hội thảo ở Anh năm 2018 và Hong Kong năm 2019. Các hội thảo quốc tế là cơ hội để những người làm nghiên cứu mở rộng kiến thức và kết nối với học giả đến từ nhiều nơi trên thế giới”, chị cho biết thêm.
Nhìn lại hành trình 4 năm, dù lắm thử thách, chị vẫn đón nhận không ít quả ngọt. Chị đã được nhận “2020 Head of School Postgraduate Excellence Award” (giải thưởng sinh viên nghiên cứu xuất sắc), bảo vệ thành công luận án vào tháng 7/2021 và đón nhận niềm vui làm nghiên cứu sau tiến sĩ (Postdoc) tại ĐH Massey.
Khác với chị Vân Anh và chị Hoài Ân, hành trình chạm tay đến học vị tiến sĩ của chị Cao Thị Hồng Phương (nghiên cứu sinh năm cuối khoa Ngôn ngữ học ứng dụng, ĐH Victoria Wellington New Zealand) bắt đầu ở độ tuổi trên 40.
Nhận được học bổng toàn phần Victoria Doctoral Scholarship khi đang làm giảng viên khoa Tiếng Anh của ĐH Sư phạm Hà Nội, chị Hồng Phương quyết định rời vị trí giảng dạy để theo đuổi con đường học thuật, dù khá trễ.
Một lý do khiến chị không ngần ngại lựa chọn New Zealand làm điểm đến là mong muốn “cùng các con học tập và trải nghiệm nền giáo dục không tập trung vào điểm số, thay vào đó phát huy tính độc lập, sáng tạo, cá nhân hóa”. Với chị, chương trình giáo dục xứ kiwi mở ra cơ hội để tất cả học sinh bất kể dân tộc, tình trạng kinh tế… trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
3 năm theo đuổi ước mơ, chị không phủ nhận sự đơn độc trên con đường kiếm tìm tri thức, bởi bậc học tiến sĩ đòi hỏi nghiên cứu sinh phải độc lập và bền bỉ. Nếu ở những bậc học khác, thầy cô là người chủ động truyền kiến thức cho học viên thì để đạt học vị tiến sĩ, nghiên cứu sinh cần tự lên kế hoạch; rèn giũa tư duy độc lập và sáng tạo đến mức cao nhất.
Từ góc độ của người nghiên cứu, chị đánh giá cao chương trình giáo dục New Zealand cũng như sự hỗ trợ của các giáo sư và khoa. May mắn được làm việc với các giáo sư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực ngôn ngữ học ứng dụng, chị còn thường xuyên nhận được sự khích lệ từ thầy, cô. Ngoài ra, một ưu thế quan trọng nữa là nhà trường luôn trang bị văn phòng, kinh phí và các thiết bị cần thiết đầy đủ cho nghiên cứu sinh.
Ở góc độ của một người mẹ, chị cảm nhận đây là quãng thời gian quý giá và ý nghĩa khi cả nhà được cùng nhau trải qua niềm vui lẫn thách thức: “Tôi rất tự hào khi có thể đưa con sang học tập tại New Zealand, để con thụ hưởng nền giáo dục mà tôi trải nghiệm. Cả gia đình tôi đang sống một cuộc sống khác biệt, thách thức, thú vị và nhiều ý nghĩa”.
Vừa nuôi dạy và chăm sóc con trai (sinh viên năm cuối khoa Kiến Trúc và Thiết Kế ĐH Wellington) và con gái (học lớp giáo dục đặc biệt của trường Wellington High School), chị cũng như bao bà mẹ gánh nhiều áp lực để lo lắng vẹn trọn việc nhà, việc nghiên cứu, việc làm thêm. Chính vì vậy, với chị, theo đuổi hành trình tiến sĩ như người leo lên một ngọn núi mù sương, ít khi nhìn thấy đỉnh. Đôi khi sương mù làm lạc lối, vào ngày trời quang, lại leo lên. Chặng đường này đòi hỏi sự nỗ lực về thể chất, tinh thần, thời gian và sự độc lập.
“Mọi người thường nghĩ bậc học tiến sĩ chỉ dành cho người trẻ và giỏi nhưng thực tế nếu chuẩn bị kỹ càng, kiên trì theo đuổi mục tiêu, bạn có thể làm được. Dù đang ở độ tuổi nào, không bao giờ muộn để theo đuổi ước mơ. Tôi muốn trở thành tấm gương học tập suốt đời, vượt lên số phận cho các con, đồng thời khích lệ những bà mẹ cùng cảnh ngộ không đầu hàng số phận”, chị Phương bộc bạch.
Webinar “Ask New Anything: The PhD Journey” được tổ chức bởi Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand – ENZ) góp phần giải đáp thắc mắc và giúp người học chuẩn bị cho hành trình chinh phục bậc học tiến sĩ. Độc giả có thể xem lại chương trình được phát sóng trực tiếp trên fanpage Thông tin Giáo dục New Zealand.
Bình luận