Trên TikTok, những đôi giày thể thao cũ kỹ, bụi bặm, mang đậm phong cách "shabby chic" (sang trọng kiểu xuề xòa), từng bị chê là lỗi mốt, đang được hồi sinh, trở thành xu hướng thời trang nhiều Gen Z đón nhận. Dẫn đầu xu hướng này là Golden Goose, thương hiệu giày cao cấp của Ý với thiết kế chủ đích làm vẻ ngoài sờn cũ, phủ bụi. Sản phẩm có giá không dưới 500 USD, mức giá có thể lên đến hơn 1.000 USD trên Net-A-Porter hay 2.350 USD trên website chính thức của Golden Goose, thậm chí còn cao hơn nếu khách hàng đặt thiết kế riêng, theo Business Insider. Ảnh: Tingshu Wang. |
Được thành lập vào năm 2000 bởi hai nhà thiết kế người Ý, Francesca Rinaldo và Alessandro Gallo, Golden Goose ra mắt dòng giày thể thao đầu tiên Super-Star vào năm 2007. Theo nhà bán lẻ thời trang Coggles, vẻ ngoài cũ kỹ của những đôi giày này mang đến phong cách "bất cần hơn là vẻ ngoài luộm thuộm". Sự quan tâm của giới trẻ đến Golden Goose bắt đầu từ mùa hè năm ngoái và bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2024. Balenciaga, Gucci và Adidas cũng từng thử sức với xu hướng "giày cũ" này, nhưng chưa có thương hiệu nào vượt qua được vị trí thống lĩnh thị trường của Golden Goose. Ảnh: @hallskc, Diego Mayon. |
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng việc chi hàng trăm USD để mua những đôi giày bẩn, trông cũ kỹ và sờn rách thật ngớ ngẩn. Đáp lại những chỉ trích đó, tín đồ của phong cách bụi bặm bày tỏ Golden Goose là đôi giày thoải mái nhất mà họ từng mang, và một khi đã "phải lòng" Golden Goose, "bạn sẽ mãi là tín đồ của thương hiệu này". Như tinh thần bất cần mà đôi giày thể hiện, người tiêu dùng cũng chẳng quan tâm đến những lời bàn tán. Ảnh: Golden Goose. |
Golden Goose đang trở thành biểu tượng thời trang của giới trẻ. Năm 2024, Panda Dunks của Nike đã lỗi thời, thay vào đó là Super-Stars của Golden Goose. Sự bùng nổ này cũng được phản ánh trong doanh số bán hàng. Theo nhà bán lẻ thời trang Drapers, doanh thu của Golden Goose đã tăng 18% vào năm 2023 so với năm trước đó. Bloomberg gần đây định giá công ty ở mức 3,3 tỷ euro (khoảng 3,5 tỷ USD). Ngoài ra, đôi giày gây tranh cãi này cũng là món thời trang được những nghệ sĩ lớn như Taylor Swift, Selena Gomez và Hilary Duff yêu thích. Ảnh: Sina, Mega. |
Tháng 12 năm ngoái, CEO của Golden Goose, Silvio Campara, chia sẻ với Financial Times rằng phần lớn khách hàng của công ty là người trẻ tuổi, trong đó 80% thuộc Gen Z hoặc Millennials. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh dường như không mấy hào hứng với xu hướng này. Trong một video TikTok gần đây, nhà sáng tạo nội dung Sydney Schiffer đã ghi lại cảnh người cha nói rằng cô thật "điên rồ" sau khi biết giá của một đôi Golden Goose. "Thật không thể tin nổi, lại có một công ty chuyên sản xuất những đôi giày thể thao trông cũ kỹ và sờn rách", ông thốt lên. Ảnh: @agat_kikarhamedina. |
Schiffer thừa nhận việc yêu thích Golden Goose thật phi lý, bản thân cô cũng từng nghĩ những đôi giày này xấu xí. "Đặc biệt là mức giá khiến tôi muốn nôn", cô nói. Tuy nhiên, khi nhìn thấy một đôi Golden Goose thực sự, cô đã phải lòng ngay lập tức. Đôi giày của Schiffer đặc trưng với các vết xước và màu xám nude, trông như những đôi giày cũ đã "chinh chiến" qua rất nhiều kỳ nghỉ. "Tôi không cần giặt giày, vì càng bẩn, giày càng thể hiện tinh thần của Golden Goose. Đến 50 tuổi, tôi vẫn sẽ mang lên chân mình", cô bày tỏ. Ảnh: Sydney Schiffer, Care of Carl. |
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.