Để Alocasia phát triển khỏe mạnh, người trồng cần biết cách phòng và trị một số bệnh cơ bản của chúng như: vàng lá, úng nước, cháy lá, bị nhện đỏ tấn công,...
Nguyễn Ngọc Quý
- Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Công nghệ sinh học.
- Quản trị viên của Cộng đồng chơi kiểng lá có chất.
- Thành viên của Cộng đồng Ráy Quốc tế (IAS).
- Hơn 5 năm kinh nghiệm trồng, chăm sóc và nghiên cứu về kiểng lá.
Với Ngọc Quý, kiểng lá là một thú chơi chuyên nghiệp, đòi hỏi người chơi phải có sự nghiên cứu, kết hợp giữa hai yếu tố thẩm mỹ và khoa học.
Kiểng lá rất đa dạng, tuy nhiên để chăm sóc tốt, cần đảm bảo cho chúng về điều kiện ánh sáng và tưới nước. Sau đó, người trồng cũng cần nắm được cách phòng và trị bệnh cơ bản cho cây.
Dòng Alocasia thời gian gần đây được nhiều người tìm hiểu vì có cách chăm sóc khá phức tạp. Chúng thường sống ở nơi có ánh sáng tán xạ, trên các triền dốc hay dưới các tán rừng.
Alocasia không yêu cầu dinh dưỡng cao. Cây phải trồng trong chậu kích thước nhỏ và có lỗ thoát nước. Chất trồng cho Alocasia phải thoát nước tốt, trộn các loại đá như perlite và pumice tỉ lệ hơn 60%.
Dưới đây là một số kinh nghiệm trong việc phòng và trị bệnh cho Alocasia mà Ngọc Quý muốn chia sẻ.
Alocasia bị vàng ở mép lá
Biểu hiện:
Ở mép lá xuất hiện những mảng vàng có tâm trong suốt và lan dần theo hướng từ ngoài vào trong.
Nguyên nhân:
- Bệnh này do hiện tượng Guttation: sự tạo giọt ở lá cây buổi tối để thoát bớt phần nước thừa có trong chất trồng. Nếu người trồng bón phân dư, cây sẽ phải loại thải các chất dinh dưỡng qua giọt dịch.
- Các giọt dịch này thường đọng lại ở các mép lá. Chúng có chứa nhiều chất khoáng và protein, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm và vi khuẩn phát triển
Cách phòng và trị bệnh:
- Cắt bỏ các lá hư để không ảnh hưởng đến cây trồng. Bạn có thể dùng thêm các loại thuốc trị nấm như Anvil, Ridomil Gold,...
- Hạn chế việc bón phân bừa bãi: Việc lạm dụng các loại phân bón thường xuyên sẽ khiến cây dư thừa chất dinh dưỡng và mẫn cảm với các bệnh gây ra bởi nấm và vi khuẩn.
- Tránh tưới nước cho cây vào ban đêm.
- Sử dụng chất trồng có độ thoát nước cao như trên 50% perlite, pumice,...
_____
Alocasia bị cháy lá
Biểu hiện:
Phần lớn các lá của cây đều bị cháy khô và viền lá cong cụp về phía sau.
Nguyên nhân:
Trồng cây dưới ánh nắng trực tiếp, số giờ nắng quá nhiều trong một ngày. Alocasia có thể chịu được nắng sáng và thời gian nắng không quá 1,5 tiếng/ngày.
Cách phòng và trị bệnh:
- Chuyển vị trí trồng cây sang khu vực có ánh sáng mạnh, không trực tiếp hoặc ánh sáng tán xạ.
- Tránh phơi cây dưới ánh nắng buổi trưa.
- Cắt bỏ các phần lá bị cháy của cây.
_____
Alocasia phát triển chậm, phần thân yếu, cuống lá dài và lá nhỏ
Biểu hiện:
- Cuống lá mọc dài, khẳng khiu. Cây không có nhiều lá, lá thường nhỏ, có màu nhạt và dễ rụng.
- Hướng cây đổ về phía ánh sáng.
Nguyên nhân:
- Cây trồng ở vị trí thiếu sáng, gây ảnh hưởng cho quá trình quang hợp.
- Cây phải tự thay đổi hình thái để thích nghi với môi trường sống dẫn đến mất form dáng tự nhiên.
Cách phòng và trị bệnh:
- Chuyển cây đến những vị trí có ánh sáng mạnh.
- Nếu trồng dưới đèn, bạn hãy đưa cây gần sát lại với nguồn sáng.
_____
Alocasia bị úng nước
Biểu hiện:
- Ban đầu, lá cây sẽ bị vàng ở phần mép và đỉnh lá. Sau đó, cây sẽ rụng dần từ lá già đến lá non.
- Chất trồng sũng nước và có mùi khó chịu.
- Nếu cây hóa lỏng thì phần củ bên trong đã bị úng nặng.
Nguyên nhân:
- Chất trồng của cây không có độ thoát nước tốt hoặc người trồng tưới nước quá nhiều.
- Thường xuyên tưới cây vào buổi chiều hoặc buổi tối.
- Lựa chọn chậu có kích thước hợp lý, ưu tiên chậu vừa và nhỏ.
Cách phòng và trị bệnh:
- Người trồng cần thay đổi lại cách tưới, căn chỉnh lượng nước và lựa chọn thời gian tưới phù hợp: chỉ tưới khi 3 cm bề mặt chất trồng khô hoàn toàn.
- Sử dụng những loại chất trồng có độ thoát nước tốt.
_____
>Alocasia bị nhện đỏ tấn công
Biểu hiện:
- Bề mặt lá xuất hiện vô số chấm nhỏ và mất màu.
- Lá có tơ.
- Dùng tay quẹt qua mặt lá để lại vệt màu đỏ.
Nguyên nhân:
- Alocasia khá mẫn cảm với nhện đỏ. Khi bị nhện đỏ tấn công, cây sẽ bị hút mất chất dinh dưỡng và suy yếu dần.
- Nhện đỏ thường xuất hiện khi bạn đem cây từ vườn khác về nhưng chưa kiểm tra kỹ.
Cách phòng và trị bệnh:
- Cách ly cây khi mới mua về.
- Giữ độ ẩm cao ở khu vực trồng cây.
- Diệt nhện bằng một số thuốc chuyên dụng như: Movento, Borneo,..
- Diệt nhện bằng phương pháp tự nhiên như: Sử dụng 1 muỗng dầu ăn, 1 muỗng cồn, 1 lít nước. Tuy nhiên cách này không đạt hiệu quả cao.
- Cắt bỏ các lá bị nhện đỏ tấn công. Sau đó, bạn bón thêm phân pha loãng để bổ sung dinh dưỡng cho cây.