Trong thời gian Ấn Độ phong tỏa đất nước, như nhiều đôi trẻ khắp thế giới, hôn lễ của Sushen Dang và Keerti Narang cũng diễn ra trước màn hình, với cô dâu chú rể ở hai nơi cách biệt trước sự chứng kiến từ xa của các khách mời, theo AFP.
Ở một đất nước nổi tiếng với những đám cưới xa hoa kéo dài nhiều ngày, cặp vợ chồng trẻ này là một trong số những người chấp nhận không đi theo các nghi lễ kết hôn truyền thống để hạn chế các cuộc tụ tập, gặp mặt đông người.
Sau khi nhờ thầy cúng chọn ngày đẹp, cả hai tổ chức đám cưới qua mạng. Tất cả khách mời được gửi thông tin đăng nhập và mật khẩu, tránh tình trạng người lạ phá đám.
Cô dâu và chú rể nên vợ nên chồng từ hai đầu Ấn Độ, cách nhau hơn 1.000 km. Ảnh: India Today. |
“Chúng tôi chưa từng nghĩ ngay cả đám cưới trực tuyến vẫn hoành tráng”, Dang (26 tuổi), một nhà phân tích dữ liệu, nói về ngày trọng đại của đời mình diễn ra hôm 19/4.
Hôn lễ có sự tham gia của 100 khách mời thông qua ứng dụng. Buổi lễ cũng được phát trực tiếp trên mạng xã hội, thu hút hơn 16.000 người dùng theo dõi. Đám cưới trở nên nổi tiếng cả nước.
Đầu đội khăn, mặc áo dài sherwani truyền thống, chú rể Dang bắt đầu "gặp mặt" các bên từ phía thành phố Mumbai. Cách đó hơn 1.000 km, trong bộ váy cưới màu đỏ truyền thống, cô dâu Narang bắt đầu trao lời thề nguyền từ khu vực Bereilly, phía bắc bang Uttar Pradesh.
Ở một đầu cầu khác, người thầy cúng thực hiện các nghi lễ từ nhà riêng tại Chhangttisgarh. Còn lại, số khách mời là họ hàng, bạn bè của cô dâu chú rể bắt đầu dự đám cưới từ Delhi, Guargaon.
Đám cưới có 100 khách mời được cung cấp mật khẩu riêng để theo dõi. Ảnh: AFP. |
Video về đám cưới cho đến nay đã thu hút được gần 260.000 lượt xem, khiến hai con người mới kết hôn "cảm thấy như người nổi tiếng".
Dưới tác động của dịch Covid-19, những đám cưới ở Ấn Độ vốn là dịp để hàng trăm hàng nghìn người tụ họp cũng phải chịu cảnh hoãn lại, hoặc chỉ có rất ít người tham dự. Chỉ riêng ở phía tây bang Rajasthan, khoảng 23.000 đám cưới đã bị hủy bỏ do đại dịch.
Ngành công nghiệp cưới của quốc gia 1,3 tỷ dân ước tính có giá trị 40-50 tỷ USD với hơn 10 triệu lễ kết hôn được tổ chức một năm, theo công ty tư vấn KPMG. Dịch vụ này, giống như phần còn lại của nền kinh tế, đang chịu tổn thất nặng nề.
Để việc kinh doanh không đóng băng, Adhish Zaveri, người phụ trách đám cưới của Dang và Narang, chuyển đổi sang hình thức tổ chức đám cưới trực tuyến.
“Ngày cưới vốn được nhiều người coi là hệ trọng nhất cuộc đời. Chúng tôi cố gắng giữ nó vẫn giữ nguyên sự đặc biệt và gần gũi như mọi khi”, anh cho hay.
Ngoài ra, nhiều cặp vợ chồng khác cũng sẵn sàng tổ chức một đám cưới nhanh chóng. Một cặp vợ chồng ở Uttar Pradesh kết hôn trong đồn cảnh sát địa phương sau khi mọi phòng tiệc, khách sạn và đền thờ đều đóng cửa.
Ở Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ, cô dâu và chú rể đều đeo khẩu trang, trao đổi vòng hoa từ xa qua những que tre, tránh chạm vào nhau trực tiếp.
Mặt khác, những đám cưới tổ chức trên mạng có thể giúp các đôi mới cưới tiết kiệm được một khoản kha khá, ít nhất là 100.000 rupee (1.300 USD).
Ngày trọng đại của Kirti Agrawal diễn ra trên ban công căn hộ của cô, với sự giúp đỡ của đội ngũ tổ chức. Ngoài ra, cha mẹ hai bên, bạn bè và người thân đều xem từ nhà.
"Gia đình chú rể đã lên kế hoạch cho một danh sách khách mời từ 8.000-10.000 người. Tôi không phản đối những đám cưới xa hoa, hoành tráng. Nhưng khi nghe về ý tưởng kết hôn tại gia, tôi đã rất hạnh phúc”, cô nói.