Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Mua trúng hàng giả ở TikTok Shop cũng không biết kêu ai

Phải liên lạc nhiều lần mới được shop miễn cưỡng phản hồi, Ngọc Anh yêu cầu trả hàng vì không như quảng cáo. Tuy nhiên, cô bị người bán thách thức: “Đã phốt thì không hoàn tiền”.

Người trẻ ngày càng chuộng mua sắm online vì thuận tiện.

Trải nghiệm mua hàng tồi tệ của Nguyễn Ngọc Anh (25 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) bắt đầu khi cô đặt 2 set áo yếm giá 340.000 đồng qua TikTok Shop vào tháng 8. Trước đó, cô xem qua shop vài lần và thấy lượt theo dõi là 16.000 nên khá tin tưởng.

Tuy nhiên, khi nhận hàng, Ngọc Anh thấy đồ không chỉnh được độ ngắn dài, phần gấu không gập như người bán mô tả, lại nhiều chỉ thừa, thậm chí rách đường may.

Sau khi liên hệ qua TikTok không được phản hồi, Ngọc Anh gọi điện theo số điện thoại trên hồ sơ của người bán thì bị dập máy. Cô tiếp tục nhắn tin qua Zalo thì 3-4 hôm sau shop mới trả lời và phớt lờ đề nghị trả hàng của khách.

Quá bức xúc, Ngọc Anh khiếu nại lên TikTok Shop thì được phê duyệt và gửi địa chỉ, số điện thoại của người bán để hoàn hàng. Cô chấp nhận chịu phí ship gửi lại đồ cho shop là 37.000 đồng.

“Đến khi mình nhắn tin đã gửi trả hàng, shop mới trả lời. Ban đầu, mình nhờ shipper thu hộ 340.000 đồng tiền hàng, nhưng người bán không đồng ý, nói sẽ thanh toán qua TikTok nên mình hủy. Đến khi nhận được hàng hoàn, shop lại kêu không phải đồ của họ nên từ chối hoàn tiền và chặn liên lạc mình”, cô kể với Zing.

Khi Ngọc Anh đăng bài lên trang cá nhân để cảnh báo, nhiều người vào bình luận rằng cũng bị shop này lừa đảo: người chuyển khoản trước gần một tháng không có hàng, người bị gửi nhầm size nhưng shop nhận lại đồ rồi không gửi lại.

Sau cùng, cô tìm được Facebook của chủ shop và nhắn tin yêu cầu hoàn đủ số tiền. Tuy nhiên, người này chỉ thản nhiên đáp: “Đã phốt thì không hoàn tiền nữa nhé”.

TikTok Shop anh 3

Ngọc Anh bị chủ shop thách thức khi yêu cầu hoàn đủ số tiền hàng. Ảnh: NVCC.

Theo Ngọc Anh, quá trình hoàn hàng trên TikTok Shop khá lằng nhằng. Cô phải đợi nền tảng giải quyết 7-10 ngày.

“Mình tưởng giống các sàn thương mại điện tử (TMĐT) khác, hoàn hàng sẽ là cả đơn, nhưng TikTok lại trả từng sản phẩm. Do đơn mình mua 2 set áo yếm màu khác nhau, lúc hoàn hàng mình chỉ bấm một lần nên shop chỉ chịu trả một nửa. Điều này khá bất tiện”, cô cho biết.

Không biết kêu ai

Cách đây 3 tháng, Bảo Phương (26 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM), nhân viên văn phòng, mua chân váy trên TikTok nhưng chưa bao giờ dám diện đi đâu. Cô không mua hàng ở đó lần nào nữa, cũng xóa luôn ứng dụng.

“Đợt đó đang hot kiểu chân váy đuôi cá, mình lướt xem video vô tình thấy quảng cáo, lại sale còn gần 200.000 đồng. Bình thường, mua các trang TMĐT khác, mình thường soi rất lâu, đọc đánh giá rồi coi ảnh feedback của mọi người. Tuy nhiên, trên TikTok thì vừa lướt thấy, mình quyết định mua khá nhanh vì sợ lướt qua rồi không tìm lại được nữa. Mình chỉ có thể để lại địa chỉ và số điện thoại chứ không biết đọc bình luận hay review sản phẩm thế nào”, cô cho biết.

Video quảng cáo “xịn” là vậy nhưng khi nhận hàng sau khoảng 7 ngày, Phương “thất vọng tràn trề vì vải mỏng tang, form xấu”. Cô không nghĩ đến chuyện đổi trả do không hiểu cách thức hoàn hàng.

Nhiều người trẻ thất vọng với những lần mua hàng trên TikTok Shop. Ảnh: Phương Lâm.

Với Phương, số tiền bỏ ra không nhiều, nhưng mua món đồ không xài tới cũng “xót ví”. Từ trải nghiệm đó, cô không bao giờ nghĩ tới chuyện mua hàng trên TikTok thêm lần nào nữa.

“Mua hàng online cũng xác định dễ dính hàng lởm, gây thất vọng, nhưng trải nghiệm lần đầu tệ nên về sau mình rén, vẫn trung thành với các sàn lớn và vận hành lâu rồi. Kinh nghiệm của mình là mua đồ online phải check rất kỹ rồi mới bấm mua, không được vội vàng”, cô nói.

Nhận thấy bản thân lãng phí thời gian và tiền bạc vì nghiện lướt TikTok, Phương xóa ứng dụng 3 tháng nay.

“Ứng dụng kích thích mình lướt xem video hoài, nhưng cuối cùng không đọng lại gì. Thật sự vô bổ”, cô nói.

Tháng trước, khi đặt mua 3 chiếc váy với giá hơn 1,5 triệu đồng trên TikTok Shop, Phạm Như Yến (30 tuổi), thợ makeup, thấy báo giao hàng dự kiến trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên, hơn một tuần vẫn không thấy gì, cô sốt ruột vì sợ lỡ việc.

Như Yến bị treo đơn hơn 1,5 triệu đồng nhưng không cách nào phản hồi với người bán. Ảnh: NVCC.

“Do cần gấp, mình muốn mua ở shop khác thì hủy đơn không được vì hệ thống toàn báo lỗi. Mình có bình luận nhờ shop hủy đơn giúp nhưng cũng không được phản hồi. Mình khá bực bội vì không liên lạc được với người bán trong khi phải chờ không biết bao giờ đơn mới hủy, cũng không dám mua đồ khác vì sợ shop lại ship”, cô kể.

Sau khoảng nửa tháng, hệ thống tự động báo hủy đơn hàng của Yến.

Cô cho biết bản thân chưa bao giờ liên hệ được với các gian hàng trên TikTok vì đều bị báo lỗi dù vào mạng bằng 4G hay Wi-Fi.

“Mình không có yêu cầu, khiếu nại gì ở những lần mua trước, nhưng sau trải nghiệm này thì cũng cần cân nhắc hơn khi xuống tiền”, Yến chia sẻ.

Đủ kiểu gây thất vọng

Minh Châu (26 tuổi, Nha Trang), kinh doanh online kiêm gia sư, biết đến TikTok Shop khi thấy quảng cáo nổi lên ở mục “Dành cho bạn”. Vô tình lướt thấy livestream bán hàng, cô nhanh chóng bị thu hút bởi voucher khuyến mãi hấp dẫn cho khách hàng mới, lại được miễn phí giao hàng nên quyết định mua.

Châu hài lòng khi nhận được hàng nhanh, giá ổn do được TikTok Shop trợ giá, chất liệu phù hợp với giá thành. Ấn tượng ban đầu khá tốt nên cô tiếp tục mua hàng.

Tuy nhiên, Châu hoàn toàn thất vọng ở những lần sau.

“Mua đồ ở đây đa số bị ảo. Có lần mình bị giao sai mẫu, lần thì shop không ship, lần thì livestream câu tương tác bằng việc giảm giá nhưng om hàng 10 ngày rồi tự hủy đơn. Muốn liên hệ với nhà bán hàng cũng không dễ dàng như các sàn TMĐT khác”, cô nói.

TikTok Shop anh 4

Sau 3 trải nghiệm không suôn sẻ, Minh Châu không còn muốn sử dụng TikTok Shop. Ảnh: NVCC.

Lần đầu mua hàng không suôn sẻ của Châu là khi đặt mỹ phẩm. Shop giao nhầm mẫu cũ thay vì mẫu mới, nhưng cô bỏ qua vì không quá ảnh hưởng và ngại hoàn hàng.

Sau đó, khi thấy quảng cáo sale dép rẻ, Châu đặt mua nhưng 4-5 ngày vẫn không thấy shop giao cho đơn vị vận chuyển như cam kết.

“Do không thể kết nối trực tiếp với người bán hàng, mình không cách nào hỏi được tình hình, chỉ thông qua hệ thống hỗ trợ trung gian nhưng vẫn không có phản hồi. Sau cùng, mình bị hủy đơn vì shop chỉ kéo tương tác”, cô kể.

Để tăng độ tin tưởng, Châu quyết định mua dép ở kênh mình từng trải nghiệm. Cô xem livestream rồi đặt đơn, vẫn có giảm giá dù không nhiều như trước.

Tuy nhiên, cô gái 26 tuổi tiếp tục bị treo đơn mà không biết kêu ai.

“Mình thanh toán bằng thẻ nên tiền bị trừ, hàng thì treo. Chỉ còn cách chờ đơn tự hủy đến 10 ngày. Cảm giác không vui nên mình quyết định không mua hàng trên TikTok Shop nữa vì độ hên xui của nền tảng”, cô nói.

Theo Châu, việc mua hàng trực tiếp khi xem livestream, thấy KOL, KOC đang review sản phẩm đánh vào tâm trạng muốn mua hàng ngay của khách hàng.

Tuy nhiên, hàng loạt bất tiện nảy sinh sau đó như người mua không thể liên hệ trực tiếp với người bán, hiện tượng câu tương tác khiến dễ mua phải đơn ảo, treo tiền, giam hàng lâu, tốn thời gian xem livestream, không chủ động lướt được các mặt hàng mà phải đi tìm bên mục live để mua nên không có được món mình cần.

“Mình biết có shop ổn, có shop ảo. Nhưng vì số lần gặp shop ảo nhiều đâm ra mình không còn muốn mua trên TikTok Shop nữa”, cô cho biết.

Mua hàng TikTok Shop từ những ngày đầu, Lan Anh (28 tuổi), nhân viên ngân hàng, nhận thấy chính sách ngày càng chán, không có nhiều mã khuyến mãi hay áp dụng đa voucher như các sàn TMĐT khác.

“Điều khiến mình bực bội là thời gian ship quá lâu, có khi 2 tuần vẫn chưa nhận được hàng. Việc theo dõi đơn hàng khó và khi phát sinh vấn đề, bộ phận hỗ trợ không giải quyết được gì, kết nối trực tiếp với người bán cũng khó khăn. Mỗi lần muốn lướt TikTok để giải trí, mình toàn bắt gặp livestream bán hàng, video review sản phẩm lấn át nên dần chán, không muốn truy cập nữa”, cô nói.

TikTok Shop nghiêm cấm hàng giả, yêu cầu tất cả sản phẩm bán trên nền tảng là hàng thật và bảo vệ chủ sở hữu khỏi tình trạng vi phạm bản quyền, thương hiệu. Nếu vi phạm, tùy vào mức độ và tần suất, TikTok sẽ có biện pháp cảnh cáo, cưỡng chế, xử phạt hay báo cáo cơ quan chức năng xử lý.

Dẫu có chính sách quản lý tương đối khắt khe, trên thực tế, các sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng vẫn có “đất sống”.

Bằng những thủ thuật đơn giản, người bán có thể qua mặt ứng dụng dễ dàng.

Được biết, nếu kinh doanh hàng hóa nhái thương hiệu, điều đầu tiên người bán cần làm là che mọi logo nhận diện bất kể trên sản phẩm hoặc bao bì, vỏ hộp. Ngoài ra, người bán không được lồng ghép tên thương hiệu khi tạo sản phẩm, thiết lập mô tả thông thường như áo nữ, giày nam, thắt lưng…

Ngay cả khi không được duyệt sản phẩm trên TikTok Shop, người bán vẫn có thể sử dụng nền tảng để đăng tải các video quảng cáo hàng giả, nhái, kém chất lượng và dẫn người mua qua các kênh khác như mạng xã hội, sàn TMĐT…

Khách bị bùng hàng, giao sai mẫu nhưng TikTok Shop không quan tâm

Mất hơn một tháng, Lê Hồng mới lấy được 500.000 đồng tiền hoàn trả hàng. Trong khi đó, Thu Hà cảm thấy vô vọng khi nền tảng liên tục "bỏ quên" đơn khiếu nại của cô.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm