“Thấy người thân, bạn bè ở Việt Nam chia sẻ hình ảnh chuẩn bị Tết, dù có buồn nhưng em cũng háo hức đến Tết lắm, thậm chí em đếm từng ngày và chờ đến đêm giao thừa”, Thanh Huyền (2002, du học sinh tại Đức) chia sẻ.
Đây là năm đầu tiên Huyền không đón giao thừa cùng gia đình. Nhớ nhà, bận rộn, tủi thân nhưng Huyền cùng bạn là Thanh Dương và nhiều du học sinh khác vẫn cố gắng tổ chức một bữa cơm tất niên để cùng nhau.
Ăn Tết Việt cùng bạn bè quốc tế
Thanh Huyền và Thanh Dương cùng là du học sinh và sống cùng nhà tại Đức. Năm đầu tiên không được đón Tết tại Việt Nam, cả Dương và Huyền đều rất nhớ nhà. Mỗi lần gọi điện về, dù rất buồn và tủi thân nhưng cả 2 đều cố kìm nén để bố mẹ yên tâm.
Mặc dù đang là thời điểm phải bận rộn với lịch lên lớp, Dương, Huyền cùng các bạn du học sinh Việt tại trường không quên cùng nhau chuẩn bị cho mình một bữa cơm ngày cuối năm, tranh thủ tận hưởng Tết Việt nơi đất khách.
Huyền cho biết lớp Điều dưỡng em theo học hiện có hơn 20 bạn là sinh viên Việt Nam. Năm nay, lớp Huyền kết hợp với một lớp khác tổ chức buổi tất niên ngay tại trường. Tiệc tất niên sẽ bao gồm các món ăn truyền thống của Việt Nam, do tự tay các bạn sinh viên nấu và đem đến lớp.
Thanh Huyền, Thanh Dương cùng các bạn tổ chức Tết Việt và mời giáo viên nước ngoài cùng tham dự. Ảnh: NVCC. |
Dự định làm món nem rán, từ chiều ngày 19/1 (28 Tết), đi học về, Dương và Huyền cùng nhau đến chợ châu Á, chợ Đồng Xuân tại Đức để mua nguyên liệu. Tại đây, không khí Tết ngập tràn với tiếng người mua bán tất bật. Huyền kể ở chợ bán nhiều đồ truyền thống Việt Nam khiến cô bạn ngỡ như đang ở nhà.
“Chúng em có thể mua đầy đủ nguyên liệu ở đây. Những đồ chỉ Việt Nam mới có như tiền vàng, hoa đào, bánh chưng thì ở chợ đều có đủ", Huyền kể.
Dạo một vòng quanh chợ, Dương và Huyền đã mua được đầy đủ nguyên liệu cho món nem rán như miến, bánh đa nem, mộc nhĩ, nấm hương… Các loại rau củ như cà rốt, hành tây, hành lá, rau mùi được mua tại các siêu thị.
Sau bữa tối, 2 nữ sinh bắt tay ngay vào sơ chế, gói và rán sơ nem. 30 chiếc nem được hoàn thành, ngày hôm sau, 2 bạn chỉ cần rán lại là có thể đem tới trường, háo hức chờ đến giờ tổ chức tiệc.
12h, sau khi tan học, hơn 40 sinh viên Việt Nam tại trường Forum Berufsbildung (Đức) cùng nhau quây quần trang trí lớp học, hâm lại đồ ăn và bày biện ra bàn.
Huyền không khỏi bất ngờ khi có bạn chuẩn bị cả xôi màu, chả lá lốt… Và tất nhiên không thể thiếu bánh chưng, gà luộc, giò lụa, giò tai, nem rán. Thậm chí có bạn sinh viên chuẩn bị thêm một số món ăn truyền thống nước bạn như kim chi, cơm cuộn.
“Chúng mình có mời thầy cô tại Đức và các bạn sinh viên nước khác tham gia bữa tiệc. Thầy cô và các bạn cũng rất hào hứng, hỗ trợ tụi mình tổ chức, không ngại dùng đũa, nhiệt tình chụp ảnh và tấm tắc khen món ăn Việt Nam. Đây cũng là dịp chúng mình giới thiệu món ăn truyền thống đến nước bạn", Huyền chia sẻ.
Có thể thấy, những bữa cơm này phần nào giúp du học sinh Việt vơi bớt cảm giác nhớ nhà, cảm nhận được không khí đầm ấm gia đình ngay tại nước bạn.
Ăn Tết Việt với người Việt
Sau bữa cơm tất niên, Huyền và Dương lại chuẩn bị tham gia chương trình Tết-Fest được tổ chức ngày 28/1, tại Berlin. Dương cho biết chương trình này đã được tổ chức nhiều năm tại Đức với các tiết mục như múa lân, ca hát mừng xuân, múa cổ truyền, tiệc Tết với các món ăn truyền thống... Năm nay là năm đầu tiên Dương được tham gia, vì vậy, cô bạn rất háo hức, nhiệt tình đóng góp ý tưởng cho các tiết mục.
“Mình khá bận với việc học, vì vậy, chỉ kịp tham gia lên ý tưởng cùng mọi người chứ chưa thể cùng luyện tập. Tuy nhiên, nhìn anh chị tập múa, hát mỗi ngày, mình rất mong chờ đến ngày hôm đó", Dương chia sẻ.
Trong khi đó, tại Mỹ, tối ngày 20/1 (sáng 30 Tết tại Việt Nam), Minh Quân (21 tuổi) cũng đang tham gia chương trình Tết do hội du học sinh Việt Nam tại ĐH Drexel tổ chức. Để tham gia chương trình, Quân và nhóm bạn phải mua vé từ sớm với giá 40 USD/5 vé.
Chia sẻ với Zing, Quân cho biết thời gian này, nam sinh đang quay cuồng với bài vở, deadline. Buổi chiều ngày diễn ra chương trình, tan học sớm, Quân tranh thủ về nhà học bài đến 17h30 mới bắt đầu di chuyển.
Năm nay, Quân bất ngờ khi số lượng người tham gia chương trình lên đến 100 người, gấp đôi so với năm ngoái, trong đó có cả một số bạn sinh viên nước ngoài.
19h, chương trình bắt đầu với tiệc buffet bàn tròn. Các món ăn truyền thống trong mâm cỗ Tết Việt được bày biện trên bàn như nem rán, chả giò, giò lụa, giò xào, xôi… để mọi người tùy ý lựa chọn.
“Sau đó, chúng mình chơi lô tô khá vui, thưởng thức các tiết mục văn nghệ và cùng nhau chơi trò chơi truyền thống. Tuy nhiên, năm nay, không khí tại chương trình có vẻ trầm hơn năm ngoái. Khi một bạn nữ cất tiếng hát bài Ước mơ của mẹ, cả căn phòng như chùng xuống, có lẽ mọi người đều đang nhớ mẹ, nhớ gia đình”, Quân kể.
Ăn Tết ở Mỹ nhưng Quân vẫn có cơ hội chơi lô tô và nghe hát "Ước mơ của mẹ". Ảnh: NVCC. |
Đây là năm thứ 2 Quân đón Tết Nguyên đán tại Mỹ, tuy nhiên, nam sinh vẫn chưa quen với việc đón Tết xa nhà này. Dù ngày nào cũng gọi về nhà, Quân vẫn dễ tủi thân khi một mình nơi đất khách.
Khác với Quân, Hồ Phụng (học viên cao học tại Hà Lan) đã ăn cái Tết thứ 10 tại quốc gia này. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên cô được tham dự chương trình Xuân Quê hương được tổ chức bởi Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan.
Tham gia với cô còn có Bảo Châu (sinh viên năm 1 tại ĐH Erasmus Rotterdam) và nhiều du học sinh khác.
“Chương trình này cũng là lần đầu tiên được tổ chức bởi Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan. Quy mô khách mời khoảng 400 người, trong đó có 60-70 sinh viên. Dù đã tham gia rất nhiều bữa tiệc tất niên tại Hà Lan, nhưng hiếm bữa tiệc nào khiến mình có cảm giác trang trọng như vậy”, Phụng cho hay.
Điều đặc biệt hiếm thấy cô nhận ra khi tham gia bữa tiệc này là truyền thống và văn hóa Việt được truyền tải bởi Đại sứ quán.
“Tại bữa tiệc, chúng mình diện áo dài, được hát quốc ca và nghe Đại sứ Phạm Việt Anh nói về truyền thống, văn hóa Việt và các chương trình ý nghĩa mình chưa nghe đến như các lớp học dạy tiếng Việt cho trẻ em các gia đình kiều bào sống tại đây”,
Bữa tiệc có rất nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, chả giò, giò lụa, xôi… Tất cả món ăn đều được đóng góp bởi kiều bào Việt Nam tại Hà Lan. Tại bữa tiệc, phu nhân đại sứ Việt Nam tại Hà Lan cũng tự tay gọt hoa quả mời khách.
Mặc dù được mời theo diện khách mời nhưng Phụng và các bạn trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Rotterdam đã quyết định đến sớm và góp công cho bữa tiệc như bê đồ, bày bàn, rót trà nước…
“Tụi mình cũng góp vui bằng tiết mục văn nghệ ‘60 năm cuộc đời’. Mọi người rất hưởng ứng với tụi mình - một đám du học sinh chưa sống được một nửa 60 năm nhưng hát bài ‘60 năm cuộc đời’”, Phụng nhớ lại.
Phụng (áo dài hoa) cùng các bạn sinh viên trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Rotterdam trong bữa tiệc tất niên tại Đại sứ quán Việt Nam ở Hà Lan. Ảnh: Hội Sinh viên Việt Nam tại Rotterdam. |
Với Bảo Châu, đây là Tết đầu tiên cô ăn Tết xa nhà. Năm nay, thay vì dọn nhà và trang trí Tết cùng gia đình, Châu chỉ tự mình dọn căn phòng nhỏ tại Hà Lan và vùi đầu vào ôn tập cho bài thi cuối kỳ sẽ diễn ra vào mùng 2 Tết.
Bỏ qua cảm giác tủi thân, nhớ nhà, cô cho hay mình rất vui khi được diện áo dài tham gia bữa tiệc tại Đại sứ quán cùng các du học sinh khác.
“Món ăn hôm đó tại đại sứ quán khá giống với hương vị món ăn quê nhà. Càng ăn, mình càng thấy xúc động và nhớ gia đình”, Châu chia sẻ.
Bên cạnh tham gia bữa tiệc vào ngày 15/1 với Đại sứ quán, ngày 28/1 tới, Hội Sinh viên Việt Nam tại Rotterdam cũng sẽ tổ chức bữa tiệc năm mới khác. Nhiều năm tham gia chương trình này, Phụng cho biết cô có thể làm nhiều điều mình thích với các bạn sinh viên đồng hương cùng lứa tuổi.
“Sau khi ăn uống, tụi mình sẽ chơi đánh bài, lô tô. Ai thích chụp hình thì có cả quầy chụp hình được trang trí ‘rất Việt’. Trong các bữa tiệc tất niên thì với mình, tiệc tất niên với hội sinh viên vẫn là vui nhất”, cô hào hứng kể.
Tuy nhiên, Phụng vẫn hy vọng cô sẽ có cơ hội một lần nữa được ăn Tết lại tại Việt Nam. Với cô, Tết ở Việt Nam vẫn có một không khí riêng mà không ở bất kỳ nơi nào có được.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.