Giờ này năm ngoái, Ly Trần (27 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) đang vi vu ở Mai Châu (Hòa Bình) cùng các đồng nghiệp. Công ty cô đã tổ chức chuyến du lịch này và tài trợ 100% chi phí nhằm thay thế cho bữa tiệc tất niên (YEP) thông thường tại nhà hàng, khách sạn.
Nhưng hiện nay, tình thế đã thay đổi 180 độ.
Do hoạt động kinh doanh không thuận lợi, công ty của Ly Trần loại bỏ hoàn toàn việc tổ chức YEP, ngay cả khi chỉ là bữa liên hoan nhỏ tại văn phòng. Thay vào đó, công ty tặng quà bằng hiện vật cho nhân viên, bao gồm áo phông, cốc và lịch để bàn.
“Không những co kéo sao cho phù hợp với mức ngân sách chỉ bằng 1/10 năm trước, chúng tôi gặp áp lực khi phải tìm những món quà phù hợp với nhóm nhân sự trẻ tuổi, chiếm phần lớn công ty", Ly Trần, nhân viên phòng hành chính nhân sự (HR), chia sẻ.
Tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng tới những bữa tiệc tất niên 2023. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Tiệc tất niên đã trở thành một trong những hoạt động thường niên tại các doanh nghiệp vào dịp cuối năm. Các hoạt động được tổ chức nhằm gắn kết người lao động, giúp công ty nhìn lại một năm đã qua và lên tinh thần chuẩn cho những dự định năm mới.
Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế khó khăn năm 2023, nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi quy mô tổ chức, thậm chí cắt giảm hoạt động thường niên này.
Sự biến mất của tiệc YEP hoành tráng
Phương Anh (24 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) từng rất tự hào khi khoe về YEP năm ngoái của công ty mình. Công ty cô tổ chức liên hoan theo hình thức bar-hopping, tức ghé thăm loạt bar liên tục trong một tối và uống một ly rượu tại mỗi quán.
Điểm đến đầu tiên là một gastro bar kiểu Hàn Quốc, kế tiếp là một tụ điểm ăn chơi kết hợp trình diễn âm nhạc, và kết thúc ở một quán bar có tiếng tại Hà Nội. Chi phí lên đến 3 triệu đồng/người và được công ty hỗ trợ toàn bộ.
Thế nhưng, đầu tháng 12 năm nay, Phương Anh nhận được thông báo cắt giảm tiệc tất niên của công ty. Phòng nhân sự chỉ đưa một khoản ngân sách nhỏ cho các trưởng bộ phận để tổ chức liên hoan đơn giản tại văn phòng.
Nhằm xoa dịu nỗi thất vọng của nhân sự, người đứng đầu bộ phận Phương Anh làm việc đã đứng ra tổ chức bữa ăn ấm cúng tại nhà và mời các nhân viên tới tham dự. Dù đã tính cả khoản ngân sách công ty cấp, mỗi người vẫn phải đóng góp thêm cho buổi liên hoan tự túc này.
“Năm ngoái chúng tôi vui chơi 3 tăng, năm nay đành ở nhà tự nấu lẩu ăn với nhau”, Phương Anh chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Trong khi các nhóm khác liên hoan tối giản ở văn phòng, phòng ban của Phương Anh nấu lẩu tại nhà. Ảnh: NVCC. |
Đừng làm tiệc kiểu "cho có"
Vì công ty của Ái Vi (27 tuổi, quận 3, TP.HCM) đã cắt giảm hơn 60% nhân sự trong năm nay, quy mô tổ chức tiệc tất niên cũng không còn hoành tráng như trước.
Năm ngoái, công ty cô tổ chức gala tại một trung tâm hội nghị lớn, với hơn 350 nhân viên tham dự. Sau đó, tùy phòng ban tiếp tục đi tăng 2, tăng 3.
“Năm nay, từ trung tâm hội nghị sang trọng, chúng tôi bị chuyển sang ăn liên hoan ở một quán nhậu bình dân. Nhiều người đã chọn không đến cho đỡ tốn thời gian”, cô kể lại.
Buổi YEP diễn ra ngay sau giờ tan làm, khiến nhiều nhân viên cảm thấy uể oải và mệt mỏi. Về phần mình, Ái Vi không cảm thấy thoải mái khi bữa tiệc tất niên diễn ra trong không gian ồn ào và kém sự riêng tư, bởi chung không gian ăn uống với nhiều nhóm thực khách khác.
"Tôi cảm thấy công ty đang tổ chức tiệc theo kiểu 'cho có'. Thà họ không làm, hoặc chuyển sang tặng hiện vật cho nhân viên có khi còn tốt hơn", nhân viên này chia sẻ.
Nhiều công ty đang làm Year End Party theo kiểu "cho có", điều này khiến các nhân sự thất vọng. |
Ngân sách eo hẹp cũng là vấn đề khiến phòng HR của Ly Trần đau đầu. Dù đã tận dụng nhóm thiết kế đồ họa của công ty, ngân sách vẫn không đủ để chi trả tiền in ấn.
Hiện chỉ 20 cuốn lịch để bàn được in ra, trong khi tổng số nhân sự công ty là 50 người, chưa bao gồm nhân viên thử việc và cộng tác viên. Ly Trần và các đồng nghiệp phòng HR phải tìm cách xoa dịu hợp lý, tránh làm mất lòng những người không có quà.
“Chúng tôi đành nói rằng việc trao quà được xét dựa trên thời gian gắn bó của nhân sự. Những người có thâm niên làm việc trên 3 năm sẽ có thêm một cuốn lịch để bàn”, cô chia sẻ.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.