N.T., 22 tuổi, là sinh viên năm cuối Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM. Nam sinh đưa mẹ đi khám tại Bệnh viện Nhân dân 115, quận 10, TP.HCM khi có các dấu hiệu như mất sức, mất vị giác.
Sau khi phát hiện dương tính, N.T. liên hệ cán bộ phường để lấy mẫu test nhanh cho cả gia đình.
2 trong số 3 thành viên của gia đình mắc Covid-19
Nhân viên y tế tại TP.HCM tổ chức một điểm lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh |
Đêm trước ngày đến khu cách ly tập trung, nam sinh khuyên bố mẹ không nên quá lo lắng, hãy chuẩn bị tinh thần thật tốt nếu cả nhà mắc Covid-19. Sau khi nhân viên y tế lấy mẫu và cho ra kết quả hai thành viên dương tính, gia đình N.T. được đưa đến khu cách ly tập trung ở quận 4, TP.HCM.
Ban đầu cả gia đình được phân về khu C. Nhưng sau khi xét nghiệm RT-PCR, bố N.T. có kết quả âm tính nên được chuyển sang khu D, mẹ và N.T. dương tính với nCoV tới khu E để điều trị.
Nam sinh cho biết nhân viên y tế quản lý các ca nhiễm bằng cách lấy số điện thoại của người bệnh và thêm vào nhóm chat trên Zalo. Những người có biểu hiện sốt hoặc ho nặng sẽ nhắn tin để trưởng nhóm báo bác sĩ. Người bệnh có dấu hiệu khó thở sẽ gọi điện đến đường dây nóng.
Đêm đầu tiên ở khu cách ly, nam sinh khó ngủ vì sốt cao, tình trạng thuyên giảm sau khi N.T. dùng thuốc. Khoảng 6 giờ sáng hôm sau, nam sinh thức dậy để vận động nhẹ nhàng, ăn bữa sáng do nhân viên khu cách ly cung cấp.
Những ngày sau đó, N.T. thường thức dậy lúc 6 giờ sáng để tập thể dục. Để tăng cường sức đề kháng, nam sinh tập thể dục khoảng 3-4 lần/ngày, mỗi lần trong 35-40 phút, uống vitamin C mỗi sáng và súc họng bằng nước muối sinh lý.
Sau 3 ngày, nam sinh xuất hiện các triệu chứng ho và mất khứu giác. Tình trạng ho kéo dài khoảng 1 tuần. Còn mẹ N.T. bị mất vị giác. Phòng bệnh của N.T. và mẹ sát nhau nên nam sinh thường sang để hỏi thăm tình hình sức khỏe của mẹ và gọi điện cho bố đang cách ly ở khu D.
N.T. hoàn thành thời gian cách ly kiểm dịch y tế. Ảnh: NVCC. |
Bình tĩnh chiến thắng Covid-19
Ngày 7/8, bố của nam sinh được về nhà để tự cách ly. Cùng ngày, mẹ và N.T. được xét nghiệm và cho kết quả âm tính lần 1. Nam sinh cho biết: “Có kết quả âm tính cộng thêm chỉ số CT>30 nghĩa là ngưỡng phát hiện virus rất thấp, có thể theo dõi và điều trị tại nhà nên mẹ con mình được tự cách ly”.
Chiều 8/8, nam sinh cùng mẹ trở về nhà. Hai mẹ con luôn giữ khoảng cách an toàn với bố. N.T. vẫn duy trì những thói quen sinh hoạt cũ như khi còn ở khu cách ly, tập thể dục đều đặn, uống vitamin C mỗi sáng.
Ngày 19/8, N.T. và mẹ được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính lần 2. Đến trưa 27/8, nam sinh và mẹ nhận kết quả âm tính lần 3.
Vượt qua Covid-19, N.T. khuyên mọi người không nên quá lo lắng nếu bị nhiễm bệnh, hãy giữ bình tĩnh, ăn uống đầy đủ và thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức đề kháng.
Cũng như bao người dân lao động, gia đình nam sinh lo lắng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bố mẹ N.T. là lao động tự do từ Trà Vinh lên TP.HCM để sinh sống và làm việc. Thu nhập mỗi người khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Nam sinh bày tỏ: “Tiền lương của ba mẹ mình dùng để chi trả các khoản sinh hoạt phí, thỉnh thoảng ba mẹ sẽ gửi một ít cho ông bà nội ở quê”.
Từ giữa tháng 6, số ca nhiễm ở TP.HCM tăng cao, bố mẹ N.T. phải nghỉ việc. Mất đi nguồn thu nhập, cả gia đình tính toán chi tiêu kỹ hơn. Nếu tình hình dịch chưa ổn, sau khi hết thời gian tự cách ly và giãn cách xã hội, có thể gia đình cậu sẽ về quê.
Là sinh viên sắp tốt nghiệp một chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực kinh tế, nam sinh lo lắng sẽ khó tìm kiếm việc làm vì các doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng sản xuất.
“Nhưng bây giờ quan trọng nhất vẫn là sức khỏe của gia đình mình”, N.T. chia sẻ.