Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nam sinh khuyết tật xin dùng máy tính thi học sinh giỏi

Dù chân bước không vững, tay không thể cầm bút, Nguyễn Đức Thuận, học sinh lớp 7 trường THCS Đại Xuân, Bắc Ninh, vẫn quyết tâm đi học. Em khao khát con chữ và muốn tự lập.

Ngày 26/4 vừa qua, một phụ huynh chạy xe máy, đưa con đến tận phòng thi học sinh giỏi cấp huyện, xin phép thầy giám thị cho nam sinh ngồi cạnh ổ điện. Yêu cầu kỳ lạ này khiến thầy ngỡ ngàng nhưng khi hiểu rõ nguyên nhân, thầy không khỏi nghẹn ngào, cảm phục.

Thí sinh đặc biệt đó là Nguyễn Đức Thuận, học sinh lớp 7 trường THCS Đại Xuân, Bắc Ninh. Thuận khuyết tật bẩm sinh, không thể cầm bút. Gia đình đã xin phép Phòng giáo dục huyện cho phép em sử dụng máy tính. Người mẹ sợ máy hết pin khi con đang làm bài nên mới mở lời với giám thị.

tam guong hoc gioi anh 1
Thuận tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn Toán hôm 26/4.

Do căn bệnh bẩm sinh, Thuận không thể cầm bút và gặp khó khăn trong đi lại và phát âm. Tuy nhiên, nam sinh không đầu hàng bệnh tật. Thuận vẫn đến trường như các bạn và đạt được thành tích đáng tự hào.

Năm lớp 5, em giành giải ba Toán qua mạng, giải khuyến khích Tin học trẻ. Lên lớp 6, nam sinh tiếp tục gặt hái thành công trong kỳ thi Toán qua mạng. Trong kỳ thi học sinh giỏi vừa qua, em đoạt giải khuyến khích. Gần đây nhất, Thuận mang thêm một giải nhì Tin học trẻ về cho gia đình và nhà trường.

Nói chuyện với Nguyễn Đức Thuận, điều làm người khác cảm phục không chỉ có thành tích học tập, mà hơn cả là tinh thần lạc quan, yêu đời, có ước mơ, hoài bão của em. Dù phát âm không rõ, Thuận vẫn vui vẻ chia sẻ về quãng thời gian đến trường, những khó khăn của mình.

Đi lại, cầm bút khó khăn, em vẫn cố học tập để theo kịp các bạn. Thuận học tốt môn Toán, Tin học và tiếng Anh, đồng thời rất thích môn Lịch sử, Địa lý.

Khi được hỏi về những trở ngại em gặp phải, Thuận không đề cập nhiều. “Em chỉ gặp khó khăn vì không thể cầm bút viết và đi lại như các bạn thôi. Nhưng thầy cô và bạn bè giúp đỡ em nhiều lắm. Em đi lại không tiện nên mẹ chở mỗi ngày. Trời mưa cũng không sợ vì em có áo mưa rồi”, thiếu niên ham học nói.

Bà Hoài - mẹ Thuận - kể, gia đình khó khăn nhưng vẫn cố gắng thu xếp để Thuận được đến trường. Thời gian đầu, người mẹ phải bên cạnh giữ con trong suốt giờ học vì người Thuận mềm oặt. Trong 3 năm con học mẫu giáo và hai năm đầu tiểu học, bà Hoài bỏ việc nhà để giúp con thực hiện khao khát đến trường.

Năm lớp 3, Thuận mới tự lên lớp, gia đình phải đóng thêm chỗ kê chân để em ngồi vững. Đến lớp 6, em chủ động đề nghị nhà trường cho phép sử dụng máy tính trong quá trình ghi chép bài ở lớp.

Đồng hành cùng con trong hơn 7 năm đến trường, bà mẹ ấy chứng kiến những khoảnh khắc xúc động không cầm nổi nước mắt.

“Hồi đầu, bạn học và giáo viên hết lòng giúp đỡ con. Lớp ở tầng hai, tôi đưa cháu đến trường, hai bạn khác dìu Thuận lên, trong khi một bạn khác xách cặp hộ. Đến cấp hai, nhiều bạn nghịch hơn, thường xuyên chọc ghẹo, bắt lỗi Thuận. Nghe các bạn nhỏ nói, nhiều khi tôi cũng thấy chạnh lòng”, người mẹ tâm sự.

tam guong hoc gioi anh 2
Nguyễn Đức Thuận đoạt giải nhì Tin học trẻ năm 2016. Ảnh: NVCC.

Năm ngoái, Thuận và gia đình phải trải qua quãng thời gian đặc biệt khó khăn. Em chưa thể hòa nhập với môi trường mới, thêm căn bệnh bẩm sinh khiến nam sinh khó kiểm soát, thường bật cười khi bị kích thích, dễ bị các bạn hiểu nhầm em đang khiêu khích. Đây là lý do chính khiến em gặp rắc rối. Chứng kiến con như vậy, tháng nào, bà Hoài cũng khóc và nhiều khi muốn từ bỏ.

Năm nay, tình hình được cải thiện, bạn bè, thầy cô hiểu rõ hơn hoàn cảnh của Thuận.

Trao đổi về lý do gia đình quyết định cho con đến trường dù việc này có vẻ quá sức cậu bé, bà Hoài cho biết, từ nhỏ, Thuận đã tỏ ra rất nghị lực và khao khát đi học. Trong chuyện học hành, thi cử, em luôn tích cực, chủ động.

Năm lớp 5, Thuận chủ động xin giáo viên cho phép em thi học sinh giỏi. Em cũng là người đề xuất việc sử dụng máy tính thay vì ghi chép vào vở. Ở nhà, chỉ năm lớp 1 Thuận cần mẹ cầm tay hướng dẫn viết, còn lại luôn tự giác học bài. Người nhà chỉ cần hỗ trợ trong sinh hoạt, động viên con.

“Thời gian đầu, tôi cũng ngại lắm. Đưa con đến trường, thấy phụ huynh, học sinh khác nhìn chằm chằm con, tôi vừa đau lòng vừa lo con xấu hổ. Nhưng bây giờ, chứng kiến con kiên cường mỗi ngày, tôi cũng thoải mái hơn, không còn quá để ý đến ánh mắt thương hại hay kỳ thị của những người xung quanh”, bà Hoài tâm sự.

Thuận hy vọng có thể trở thành nhân viên công nghệ thông tin. Gia đình cũng rất ủng hộ ước mơ của con trai.

Khi được đăng tải trên mạng xã hội, câu chuyện này khiến nhiều người cảm phục nghị lực của cậu học trò nhỏ.

“Đọc bài viết này, mình thật xúc động và nghẹn ngào. Đây là tấm gương để cho tất cả thế hệ con em chúng ta noi theo. Cô chúc con đạt kết quả cao trong học tập và trên con đường tương lai của con sau này...”, bạn Bùi Thị Út gửi lời động viên đến Đức Thuận.

Với nhiều người, câu chuyện còn là nguồn cảm hứng, tấm gương cho thế hệ trẻ. Một người dùng mạng bình luận: “Rất khâm phục em và đặc biệt là gia đình đã đặt niềm tin, vun đắp em thành người. Em học để hiểu biết, đóng góp cho xã hội phát triển hơn. Em học để các em ngoài kia nhìn vào rồi noi theo, để chính chúng ta nhìn và soi lại bản thân mình”.

Khát vọng học tập của cậu bé viết chữ bằng chân

Mắc bệnh bại não bẩm sinh, bị co rút hết chân tay, trải qua nhiều năm khổ luyện, cậu bé Nguyễn Tấn Sang viết chữ bằng chân thành thục và có thể đến trường.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm