Lê Văn Vũ (Thanh Hóa) vừa tốt nghiệp thủ khoa đầu ra của ĐH Giao thông Vận tải. Ảnh: Thúy Nga. |
Sau gần 2 năm, khi đã “nếm trải” đủ khổ cực của công việc này, Lê Văn Vũ (Thanh Hóa) quyết định phải đi học lại. “Không bao giờ là quá muộn nếu bắt đầu”, suy nghĩ ấy đã giúp Vũ vực dậy, gần 5 năm sau tốt nghiệp thủ khoa đầu ra của ĐH Giao thông Vận tải với GPA 3.86/4.
Vấp ngã 10 năm trước
10 năm trước, Vũ từng thi đỗ ngành Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa Hà Nội với 25 điểm khối A. Vốn học giỏi nhất nhì tại một ngôi trường cấp 3 ở Thanh Hóa, nhưng khi lên đại học, Vũ cảm thấy không còn hứng thú nữa. Nam sinh bắt đầu sa đà vào game, cả ngày gần như “cày đầu” trong quán điện tử. Bỏ thi quá nhiều khiến trong suốt 3 năm, Vũ nợ tới gần 40 tín chỉ, chiếm khoảng 1/4 chương trình.
Đến cuối năm thứ 3, khi thấy tình hình ở mức báo động, Vũ mới bắt đầu có suy nghĩ phải quay lại học hành chăm chỉ. Nhưng vì đã mất gốc lại nợ môn quá nhiều, nam sinh không còn đủ động lực để học “trả nợ” nữa. Ngoài ra, hạn chế về tiếng Anh cũng khiến Vũ bị giới hạn số lượng tín chỉ được phép đăng ký. Vì thế, mỗi kỳ Vũ không trả nợ được bao nhiêu.
Cảm thấy việc đi học không có tương lai, Vũ quyết định bỏ dở về quê làm công nhân. Lựa chọn này của Vũ khiến cả bố và mẹ đều buồn bã trong suốt thời gian dài. “Bây giờ nghỉ học con tính làm gì?”, mẹ hỏi Vũ. Sau đó, bố mẹ ra sức thuyết phục cậu nên suy nghĩ lại. Nhưng dù thế nào, Vũ cũng nhất định không chịu đi học nữa.
Nghỉ học, Vũ xin vào làm công nhân chuyên đi cắm biển báo và trải nhựa đường. Mỗi ngày, Vũ nhận lương hơn 200.000 đồng. Nhưng công việc phải làm liên tục từ 7h cho tới 17h, dưới tiết trời nắng gay gắt khiến Vũ mệt mỏi và kiệt sức.
“Làm công nhân quả thực quá vất vả. Em cảm thấy hối hận và muốn được quay trở lại việc học”.
Vũ cùng vợ và các em trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: NVCC. |
Được gia đình, người yêu động viên, Vũ quyết định làm lại. Sau 4 năm không “đụng” vào các kiến thức phổ thông, Vũ cảm thấy “nhìn cái gì cũng mới”. May mắn, giai đoạn này, hai em sinh đôi của Vũ cũng chuẩn bị thi vào đại học. Có người hỗ trợ, ban ngày đi làm, tối về Vũ tranh thủ học cùng các em.
“Em chủ yếu ôn luyện trong sách giáo khoa chứ không thể toàn tâm, toàn ý như trước. Có phần nào chưa hiểu, hai em sẽ giảng lại cho em”, Vũ nói.
Một lần nữa vào Bách khoa
Năm 2019, em gái và em trai của Vũ lần lượt thi đỗ vào ĐH Dược Hà Nội và ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội với 25-26 điểm, còn Vũ đỗ vào ngành Cầu đường bộ của ĐH Giao thông Vận tải với 18 điểm.
Điểm số này khiến Vũ chưa hài lòng nhưng phần nào cậu cũng cảm thấy may mắn vì đỗ vào ngành học yêu thích. “Trong quãng thời gian làm công nhân, em cũng quan sát và cảm thấy ngành cầu đường có nhiều điều thú vị. Dẫu vậy, vì đây là ngành học vất vả, đặc thù thường xuyên phải ở ngoài công trường, ít người lựa chọn hơn so với những năm trước đây”, Vũ nói.
Từng lỡ dở việc học vì mải chơi game, lần này có cơ hội được làm lại, Vũ nói bản thân luôn cảm thấy “trân trọng từng giây phút”.
“Cú vấp ngã ở Bách khoa là một bài học đắt giá, khiến em khi được quay lại giảng đường phải đặt mục tiêu cố gắng học thật tử tế”.
Trong năm đầu ở ĐH Giao thông Vận tải, Vũ đánh giá các kiến thức liên quan đến Giải tích, Đại số... đều nhẹ nhàng hơn so với ở Bách khoa.
Dẫu vậy, thay vì “thích là nghỉ” như trước, giờ đây, Vũ tập trung nghe giảng trên lớp, ghi chép đầy đủ, làm bài tập và học lại ngay sau khi về nhà để ghi nhớ lâu hơn. Nam sinh cũng không còn để “nước đến chân mới nhảy” trước mỗi kỳ thi mà luôn chủ động ôn tập trước khoảng 1 tháng.
Sau năm thứ nhất, Vũ đạt GPA 3.97/4,0, cao nhất toàn khóa. Điều này trở thành động lực để Vũ tiếp tục phấn đấu.
Vũ (bên trái) đi thực tế. Ảnh: NVCC. |
Trong khi các bạn cùng trang lứa đã tốt nghiệp, ra trường đi làm, mình mới bắt đầu vào giảng đường, Vũ “ngại” không dám xin tiền bố mẹ nữa. Vũ nỗ lực giành học bổng để trang trải học phí, còn các chi phí sinh hoạt khác, cậu tự kiếm tiền nhờ các công việc làm thêm. Cả 3 anh em cũng lựa chọn ở chung một chỗ để tiết kiệm tiền thuê nhà.
Cũng vì học muộn hơn so với các bạn, Vũ sớm định hướng làm dày CV để sẵn sàng tìm kiếm công việc làm ngay sau khi ra trường. Ngay từ năm thứ nhất, Vũ chủ động tham gia vào việc nghiên cứu cùng các thầy cô. Suốt 4 năm, nam sinh tham gia nhiều đề tài và đều giành được kết quả tốt.
Trong đó, đề tài nghiên cứu về “sự ảnh hưởng của tốc độ chạy tàu tuyến đường sắt đô thị đến dao động của kết cấu nhịp cầu” của Vũ từng đoạt giải Xuất sắc trong cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Hay đề tài “đánh giá các đặc trưng cơ lý của bê tông sử dụng cốt liệu mịn từ nguồn vỏ hải sản phế thải” của Vũ cũng từng giành giải Nhì cuộc thi nghiên cứu khoa học sinh viên...
Sau quá trình nghiên cứu và làm việc với nhiều thầy cô, Vũ được giới thiệu vào làm tại Công ty TNHH Giao thông Vận tại, trụ sở đặt ngay trong trường. Đây cũng là công việc Vũ theo đuổi cho đến thời điểm hiện tại.
“Công ty này chuyên về kiểm định và sửa chữa công trình cầu để phát hiện những hư hỏng, đánh giá nguy cơ nguy hiểm. Công việc của em là thu thập dữ liệu từ hệ thống giám sát sức khỏe kết cấu của các cây cầu để nghiên cứu, nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an toàn”.
May mắn gặp được các thầy cô tận tâm và luôn có sự định hướng, hỗ trợ, Vũ mong muốn đây là tiền đề để bản thân tích lũy kinh nghiệm, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ trong nước sẽ có cơ hội tiếp tục làm tiến sĩ tại châu Âu.
“Trước đây, từng có giai đoạn em tiếc nuối, tự trách bản thân, nhưng thực tế dù có chuyện gì xảy ra, mình vẫn phải tiến lên. Không bao giờ quá muộn để bắt đầu, vấp ngã ở đâu mình sẽ đứng lên ở đó. Đến giờ, em cảm thấy không còn gì tiếc nuối nữa”.
Trên hành trình ấy, Vũ nói bản thân luôn biết ơn những người xung quanh. Đó là bố mẹ, dù kinh tế gia đình không dư giả, vẫn khuyến khích con làm lại thay vì làm công nhân. Đó là vợ, người đã luôn động viên Vũ đi học lại và luôn tin tưởng chồng có thể làm được.
Để đi được đến hôm nay là điều Vũ chưa từng nghĩ tới. “Bản thân em tự hào nhưng cũng vui buồn lẫn lộn. Nhìn lại mình so với các bạn, em thấy bản thân vẫn đang đi rất chậm, do đó hành trình tương lai vẫn cần sự nỗ lực rất nhiều”, Vũ nói.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.