Sáng 1/1, Christine Angelica Dacera (23 tuổi) - tiếp viên hàng không của hãng PAL Express - được tìm thấy bất tỉnh trong bồn tắm, rồi qua đời lúc 17h cùng ngày.
Vụ việc thương tâm đang gây rúng động dư luận. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào tội ác của thủ phạm, nhiều người lại chĩa mũi dùi về phía người đã khuất.
Nữ tiếp viên hàng không Christine Angelica Dacera tử vong trong phòng tắm khách sạn, nghi do bị cưỡng hiếp tập thể. |
Hành vi trên được coi là victim blaming (đổ lỗi nạn nhân) - vấn nạn không hề mới trong xã hội. Theo đó, nhiều người tin rằng nạn nhân phải chịu một phần trách nhiệm khi bị quấy rối tình dục, thậm chí là hiếp dâm.
"Chính chúng ta đã tạo ra và dung túng nền văn hóa victim blaming", Beverly Engel - nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở Los Osos (bang California, Mỹ) - từng nói.
“Không có lửa thì sao có khói”
Bất chấp làn sóng #MeToo, việc đổ lỗi cho nạn nhân vẫn là vấn đề nan giải. Bên cạnh việc lên án thủ phạm, dư luận cũng đổ lỗi cho bị hại, mổ xẻ sự việc để tạo nên những “phiên bản” chủ quan.
Với trường hợp Christine Angelica Dacera, cộng đồng xôn xao bàn tán về chi tiết “tiệc tùng tại khách sạn”, “11 nghi phạm là đàn ông” thay vì bản chất vụ việc.
Dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra, dân mạng đã nhanh tay để lại hàng loạt bình luận khiếm nhã về ngoại hình, trang phục cũng như đời sống tình cảm của cô gái xấu số.
Vấn nạn đổ lỗi nạn nhân vẫn tiếp diễn bất chấp làn sóng #MeToo. Ảnh: Unsplash. |
Thực tế, đây là những biểu hiện victim blaming phổ biến trong các vụ quấy rối, xâm hại và tấn công tình dục. Giáo sư tâm lý học Sherry Hamby, nhà sáng lập tạp chí Psychology of Violence, nhận định hành vi này bắt nguồn từ tâm lý “không có lửa thì sao có khói”.
"Tôi nghĩ lý do lớn nhất dẫn đến hành vi đổ lỗi nạn nhân là giả thuyết tâm lý 'gieo nhân nào, gặp quả đó'. Dưới sự chi phối của ý niệm này, nhiều người tin rằng nạn nhân xứng đáng chịu hậu quả vì hành động của mình", bà nói.
Barbara Gilin, giáo sư ngành Công tác xã hội tại ĐH Widener (Mỹ), cho biết nhiều người đổ lỗi cho nạn nhân vì suy nghĩ “chuyện xấu sẽ không bao giờ xảy đến với mình”.
“Tôi cho rằng mọi người có xu hướng chỉ trích bị hại để đổi lấy cảm giác an toàn. Họ nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ rơi vào tình cảnh xấu số như vậy”, cô chia sẻ trên The Atlantic.
Tâm lý trọng nam khinh nữ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng victim blaming. Ảnh: Getty. |
Mặt khác, hành vi này còn nảy sinh từ định kiến trọng nam khinh nữ sâu sắc trong xã hội. Theo số liệu từ tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women), đa số nạn nhân xâm hại tình dục là nữ giới.
Khi xảy ra chuyện, nhiều người lại vin vào giới tính, trang phục, cách hành xử của nạn nhân để phân bua đúng - sai. "Do cô này ăn mặc mát mẻ nên mới bị trêu chọc", "Ai bảo tính đong đưa, thích sống ảo trên mạng để biến thái để mắt tới"... là những bình luận phổ biến dưới mọi bài viết về các vụ xâm hại, quấy rối.
Cuối tháng 7/2020, một đồn cảnh sát ở quận Quezon (Manila, Philippines) dấy lên làn sóng phẫn nộ vì có lời lẽ hạ thấp phụ nữ, theo SCMP.
Cụ thể, trong một bài đăng trên mạng xã hội, đồn cảnh sát này viết: “Này các cô gái, đừng mặc trang phục hở hang nữa. Nếu bị người khác quấy rối, bạn sẽ lại tìm đến chúng tôi xin giúp đỡ. Hãy thử nghĩ về điều đó đi”.
Dù đã bị xóa đi ngay sau đó, bài đăng vẫn khiến cộng đồng mạng tại Philippines tức giận. Hashtag #HijaAko mang nghĩa “Tôi là một phụ nữ” tiếp tục được đông đảo phái nữ Philippines sử dụng để phản đối.
Nhiều nạn nhân bị chỉ trích vì lựa chọn trang phục và cách ứng xử. Ảnh: Safe Line. |
Hay đầu tháng 8, dự thảo luật cấm đàn ông cởi trần và phụ nữ mặc váy quá ngắn hoặc đồ xuyên thấu khi ra ngoài đường của Campuchia cũng tạo ra nhiều luồng tranh cãi.
"Trừng phạt phụ nữ vì trang phục của họ sẽ củng cố quan niệm rằng phụ nữ là nguyên nhân của bạo lực xảy ra với họ, và điều đó càng làm cho văn hoá bất công tồn tại liên quan đến bạo lực giới", bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định.
Vết thương tâm lý thứ 2
Theo Tiến sĩ Anju Hurria, nhà tâm lý học tại Đại học California (Mỹ), vấn nạn victim blaming gây thêm nhiều tổn thương tâm lý cho người hứng chịu nó.
“Giống như thể nạn nhân bị tấn công hoặc chấn thương lần thứ 2 vậy. Họ đau khổ hơn, gia tăng trầm cảm và làm phức tạp thêm chứng rối loạn căng thẳng sau khi bị cưỡng hiếp. Họ cũng khép mình, ngại tìm kiếm sự trợ giúp vì sợ rằng mình không được tin tưởng”, tiến sĩ cho biết.
Trong khi một số vụ lạm dụng tình dục được pháp luật xét xử công khai, các chuyên gia cho biết sự thật có thể bị che giấu bởi chính những người xung quanh nạn nhân - ví dụ như gia đình nạn nhân cảm thấy xấu hổ, muốn giữ im lặng hoặc kẻ quấy rối, cưỡng hiếp chính là họ hàng, người thân.
Vấn nạn victim blaming gây thêm nhiều tổn thương tâm lý cho người hứng chịu nó. Ảnh: Unsplash. |
Tháng 7/2018, mạng xã hội Trung Quốc chấn động khi người dẫn chương trình nổi tiếng Zhu Jun (sinh năm 1964) bị tố cáo sờ soạng và cưỡng hôn một nữ nhân viên. Nạn nhân là Zhou Xiaoxuan (sinh năm 1993).
Vụ việc xảy ra vào năm 2014, khi Zhou còn là thực tập sinh tại Đài truyền hình quốc gia CCTV. Sau khi trình báo tại đồn cảnh sát, nạn nhân bàng hoàng khi các sĩ quan khuyên cô rằng không nên tố cáo vì ông Zhu là “người có ích cho xã hội”.
Hơn nữa, họ cho rằng vụ việc có thể gây ảnh hưởng đến sự nghiệp của bố mẹ Zhou. Theo The New York Times, bố cô là một công chức, mẹ làm việc tại công ty nhà nước. Suốt 4 năm ròng, Zhou đành sống trong im lặng, vì sợ gây họa cho gia đình, bất chấp bản thân chịu nhiều tủi nhục.
“Không ai xứng đáng phải chịu thương tổn”, Jen Marsh, Phó chủ tịch Mạng lưới Hỗ trợ nạn nhân hiếp dâm, lạm dụng và loạn luân Mỹ (RAINN), khẳng định.
Bà cho biết các nạn nhân thường khó nhận được sự giúp đỡ mà họ cần. Tuy nhiên, con đường phục hồi của họ sẽ phát triển tích cực hơn khi được gia đình, bạn bè ủng hộ và thực sự lắng nghe những chia sẻ về tổn thương họ chịu đựng.