Phía trước vẫn còn khâu chấm thi và xét tuyển, nên cũng chưa thể nói chắc kỳ thi đã diễn ra hoàn toàn thành công. Nhưng một kỳ thi được chuẩn bị chu đáo, có sự tham gia phối hợp của nhiều lực lượng xã hội, không xảy ra những sai sót đáng kể thì có thể ghi nhận nỗ lực của Bộ GD&ĐT và các đơn vị tổ chức.
Đó là quan điểm của GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - khi trao đổi về kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên vừa diễn ra.
GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định: “So với việc tổ chức hai kỳ thi và nhiều đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ dồn về các thành phố lớn như các năm trước, có thể thấy rõ kỳ thi “hai mục đích” năm nay đã giảm tốn kém, căng thẳng cho người dân và xã hội. Cả bốn ngày diễn ra kỳ thi, số thí sinh bị xử lý kỷ luật chỉ có vài trăm người, chỉ có vài sai sót của giám thị và thí sinh thì cũng có thể xem là không có gì bất thường”.
Các thí sinh điểm thi THPT Gia Định vui mừng khi kết thúc môn Vật lý và nhận được sự động viên của các sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Đổi mới thi cử không thể mỗi năm một kiểu
- Đa số những trường hợp thí sinh bị kỷ luật đều ở các cụm thi của trường ĐH lớn. Đặc biệt cuối kỳ thi, cơ quan công an mới phát hiện ra việc tổ chức giải đề đưa từ ngoài vào trường thi... Điều này cho thấy tiêu cực thi cử chưa bị đẩy lùi. Ông nghĩ thế nào về việc này?
- Tôi cho rằng, so với các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, cách thức tổ chức như kỳ thi THPT quốc gia năm nay có thể mang lại niềm tin nhiều hơn về tính nghiêm túc. Rõ ràng với sự tham gia, chủ trì của các trường ĐH có năng lực, có kinh nghiệm tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì tình trạng tiêu cực có tổ chức kiểu như vụ Đồi Ngô (Bắc Giang) trước đây sẽ không xảy ra.
Khi kỳ thi không đặt nặng vấn đề thành tích thi đua đối với các địa phương, tính chất cạnh tranh vì mục đích xét tuyển ĐH, CĐ cũng là những yếu tố có thể khiến tiêu cực được đẩy lùi. Tuy nhiên, nếu so với kỳ thi tuyển sinh “ba chung” các năm trước thì có thể vẫn còn những điều cần phải quan sát, xem xét sau khi kỳ thi đã hoàn tất ở các khâu chấm thi, xét tuyển, hậu kiểm...
Năm nay, hầu hết các trường ĐH, CĐ đều sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển. Tuy nhiên, nếu kết quả này thiếu tin cậy dẫn đến việc giảm chất lượng đầu vào thì tôi e rằng những năm sau các trường có uy tín sẽ phải xem xét lại việc có nên sử dụng kết quả của kỳ thi hay không. Nếu nhiều trường không sử dụng kết quả kỳ thi chung thì ý nghĩa “hai trong một” của kỳ thi sẽ khó có thể đứng vững.
- Theo ông, kỳ thi này có nên tiếp tục duy trì trong năm 2016 không hay phải thay đổi?
- Trong đổi mới thi cử thì không thể mỗi năm làm một kiểu, vì điều đó sẽ gây khó khăn, thậm chí gây “sốc” cho giáo viên, học sinh, cho các trường. Ngay quyết định đổi mới của kỳ thi năm nay cũng đã được cho là quá cập rập. Nhiều thí sinh đến trường thi với tâm lý mình chưa có sự chuẩn bị tốt, bị mang ra “thử nghiệm”, thiệt thòi hơn các anh chị khóa trước.
Vì vậy, theo tôi, năm 2016 và trong khoảng 2-3 năm tới, phương án thi này vẫn nên duy trì nhưng phải tiếp tục cải tiến, dựa trên thực tiễn của kỳ thi năm nay.
Nhìn từ kỳ thi THPT quốc gia năm nay, tôi thấy có những điểm cần điều chỉnh. Trước hết là không nên quy định thí sinh thi theo đơn vị hành chính một cách cứng nhắc, mà nên để các em đăng ký cụm thi tùy theo hoàn cảnh, nguyện vọng. Mặt khác, các trường ĐH, CĐ cũng phải được chủ động quy định đối tượng tuyển sinh của mình, cụ thể là tuyển thí sinh dự thi ở bất cứ cụm thi nào hay chỉ tuyển thí sinh dự thi ở những cụm thi do trường hoặc một số trường nào đó chủ trì.
Như vậy, các trường ĐH có uy tín có thể chủ động tuyển thí sinh ở những cụm thi mà họ tin tưởng sẽ coi thi, chấm thi nghiêm túc hơn, chặt chẽ hơn, khỏi phải bổ sung thêm các điều kiện hoặc tổ chức thêm kỳ kiểm tra phụ để đảm bảo chất lượng đầu vào. Nhưng phương án tuyển sinh của các trường phải được công bố sớm trước kỳ thi.
Khi đã xác định thi cử phải tiếp tục đổi mới thì dù năm 2016 vẫn tổ chức thi tương tự năm nay, Bộ GD-ĐT vẫn phải công bố lộ trình dài hơi để học sinh hình dung được 3 - 5 năm tới, các em sẽ tham gia một kỳ thi như thế nào.
- Nhưng việc thay đổi mà ông nói có thể sẽ dẫn tới những bất cập như có những cụm thi tập trung quá đông thí sinh, vượt quá năng lực tổ chức, trong khi có những cụm lại ít thí sinh. Việc cho phép các trường ĐH tự chọn thí sinh theo cụm thi sẽ khiến nhiều thí sinh khó khăn ở vùng sâu vùng xa phải di chuyển xa nếu muốn dự thi vào các trường ĐH mình có nguyện vọng?- Đây đúng là bất cập, cần có những giải pháp kỹ thuật để khắc phục. Nhưng ưu điểm của nó thì rất rõ. Nếu thực hiện điều này thì sẽ không có tình trạng thiếu công bằng đối với thí sinh cùng cạnh tranh vào một trường ĐH khi có người phải thi ở cụm coi thi, chấm thi nghiêm, nhưng có người thi ở cụm coi thi, chấm thi “lỏng tay” hơn, thậm chí có thể có tiêu cực, khắc phục được tình trạng thí sinh bắt buộc phải dự thi ở một cụm quy định trong khi điều kiện, hoàn cảnh của họ có thể dự thi ở cụm thi khác. Để giải quyết được hết những bất cập, có lẽ nên có lộ trình cải tiến mạnh hơn vào những năm sau.
Bộ không nên “cầm trịch” mãi
- Theo ông, vấn đề thi cử ở tầm quốc gia nên cải tiến thế nào?
- Việc này tôi từng phát biểu rồi và vẫn bảo lưu ý kiến này. Tôi thấy không hợp lý khi Bộ GD&ĐT hết năm này sang năm khác phải chủ trì tổ chức những kỳ thi hoành tráng ở tầm quốc gia. Như thế là Bộ GD&ĐT làm sai chức năng quản lý nhà nước của mình. Chức năng của bộ là xây dựng chính sách giáo dục và quản lý việc thực hiện chính sách đó.
Nếu tiếp tục phương án tổ chức “2 trong 1” thì nên giao cho một số đơn vị độc lập có uy tín đứng ra lo. Các đơn vị này có thể tổ chức thi vài lần trong một năm. Thí sinh có thể sử dụng kết quả đó vào việc xét tuyển các đợt khác nhau vào các trường.
Như vậy, thí sinh cũng không bị căng thẳng khi đặt số phận của mình vào một kỳ thi duy nhất. Việc này cũng giải quyết được tình trạng căng thẳng gần như “sống còn” khi “toàn dân tập trung vào một kỳ thi”.
Còn nếu Bộ GD&ĐT vẫn kiên quyết “cầm trịch” thì chắc không bao giờ có hai kỳ thi trong một năm, vì nếu làm vậy thì bộ còn thời gian đâu để làm việc gì khác ngoài thi cử, tuyển sinh?
- Có điều, nếu như vậy thì những thí sinh ở vùng sâu vùng xa chỉ muốn thi để công nhận tốt nghiệp THPT sẽ gặp khó khăn khi phải dự thi ở các đơn vị tổ chức thi như ông nói?
- Phương án tốt nhất, theo tôi, là giao việc tổ chức kỳ kiểm tra cuối cấp nhẹ nhàng để công nhận tốt nghiệp THPT cho các sở GD-ĐT, hoặc UBND các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức. Còn việc tuyển sinh ĐH, CĐ để các trường tự quyết.
Những trường hàng đầu mà số lượng thí sinh hằng năm có nguyện vọng vào học lớn hơn khả năng đáp ứng của trường thì tổ chức thi tuyển; các trường khác có thể xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở trường phổ thông. Về lâu về dài, nếu hình thành được các tổ chức khảo thí độc lập có uy tín thì ngay cả các sở GD-ĐT và trường ĐH, CĐ cũng được giải phóng khỏi nhiệm vụ tổ chức thi.
Bà Nguyễn Thị Hà (một phụ huynh ở Hà Nội, có con dự kỳ thi THPT quốc gia 2015): Có tình trạng không công bằng
Đúng là năm nay học sinh chỉ phải thi một lần sử dụng kết quả cho cả xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH - CĐ, sẽ không tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc vào việc thi cử, nhưng điều mà nhiều phụ huynh quan tâm hơn cả lại không phải tiền bạc, công sức, thời gian mà là kết quả thi, là hiệu quả của việc tuyển sinh vào các trường ĐH - CĐ.
Bộ GD&ĐT đưa ra việc đổi mới quá gấp khiến học sinh không có nhiều thời gian chuẩn bị, đây là một thiệt thòi cho các cháu dự thi năm nay.
Bên cạnh đó, là một phụ huynh có con dự thi, tôi vẫn băn khoăn về việc liệu có công bằng, khách quan không khi con tôi thi ở cụm thi do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì được coi thi rất nghiêm khắc và chắc chắn việc chấm thi cũng chặt chẽ.
Nhưng có một số thí sinh khác dự thi tại cụm ở các tỉnh thì lại thông tin rằng việc coi thi không nghiêm. Giáo viên chấm thi là giáo viên ở các trường của tỉnh. Nếu cùng tuyển sinh vào một trường ĐH, thí sinh dự thi ở tỉnh có thể sẽ thuận lợi hơn thí sinh dự thi ở Hà Nội mà lại là cụm thi do trường ĐH có uy tín chủ trì.
Chặng đầu khả quan
Việc kết hợp hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ vào một kỳ thi là một cách làm hay, tiết kiệm được thời gian, sức lực, tiền bạc cho cả Nhà nước và nhân dân.
Nhà nước và ngành chức năng đã chỉ đạo khá sát sao, chặt chẽ “chiến dịch” này. Lần đầu tiên, một vị phó thủ tướng - ông Vũ Đức Đam - đã quan tâm một cách thực chất đến cuộc thi, ngay từ khi đang chuẩn bị và đã trực tiếp thăm hỏi, trò chuyện với các sinh viên tình nguyện cũng như với một số phụ huynh đang chờ con thi ngày đầu tiên dưới nắng nóng tại cụm thi ĐH Bách khoa Hà Nội.
Và như đã trở thành một nét đẹp truyền thống, nhiều người, nhiều tổ chức xã hội đã quan tâm một cách thiết thực đến việc giúp đỡ thí sinh. 60.000 thanh niên, sinh viên tham gia phong trào “Tiếp sức mùa thi”, giúp thí sinh nghèo có được hàng chục ngàn chỗ ở miễn phí, hàng trăm ngàn chỗ ở giá rẻ, hàng trăm ngàn suất cơm miễn phí...
Bộ đội ở An Giang ngoài việc nấu ăn miễn phí cho hơn 1.000 thí sinh và cha mẹ các em, còn chuyển ra rừng tràm dựng lều ở tạm, nhường chỗ cho các em nghỉ ngơi...
Có thể kể hàng ngàn trường hợp bà con lặng lẽ giúp các em bữa ăn, chỗ trọ ở hầu khắp các địa phương có cụm thi. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT và lãnh đạo các tỉnh thành nên tổng hợp các gương sáng nhân ái này để trân trọng biểu dương.
Tuy vậy, một số điểm có thể cân nhắc, cải tiến: Việc tập huấn giám thị chưa thật kỹ nên đã xảy ra những sai sót kỹ thuật sơ đẳng. Lực lượng hỗ trợ an ninh chưa đủ mạnh, vì vậy vẫn còn khá nhiều hiện tượng thí sinh (chủ yếu thí sinh tự do) quậy phá, gây khó cho giám thị. Đề thi nhìn chung dài, đề nào cũng gần như kín hai trang A4, khiến nhiều thí sinh không có thời giờ đọc lại để chỉnh sửa bài viết.
Chẳng hạn đề Ngữ văn, phần “Đọc hiểu” có cần đến tám câu hỏi không? Thiết nghĩ, chỉ cho bốn câu về đoạn thơ của Trần Đăng Khoa là đủ. Như thế, thí sinh có thể dồn sức làm hai bài văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Tóm lại, có thể nói chặng đầu của kỳ thi năm nay đã đạt kết quả khả quan. Hi vọng đây là bước khởi đầu tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục mà cả xã hội đang kỳ vọng.