Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nếu làm tốt, người cách ly tại nhà không thể lây bệnh cho người khác'

Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp (Bộ Y tế) trước những e ngại về việc cách ly người nghi nhiễm tại nhà.

Ông Phu cho biết theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly y tế đối với những người trong diện nghi nhiễm Covid-19 bao gồm cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Nghiêm túc cách ly tại nhà

Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế, việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được áp dụng đối với: Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định; Người thuộc đối tượng cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; và các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và tùy theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn.

Thời gian cách ly là 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.

Cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú có thể được thực hiện tại bất kỳ nơi ở, nơi lưu trú nào như nhà riêng; căn hộ chung cư; nhà ở tập thể; phòng ký túc xá của trường học, khu công nghiệp, xí nghiệp; phòng nghỉ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và các phòng lưu trú của các cơ quan, đơn vị.

Ông Phu cho biết việc xác định đối tượng nào phải cách ly, cách ly ở mức độ nào đều đã được tính toán. “Nếu bạn được cách ly tại nhà là đã đỡ thiệt thòi hơn khi phải cách ly tập trung như không phải xa nhà, xa người thân... Những việc cần làm tại nhà đều đã được hướng dẫn cụ thể. Nếu làm đúng như hướng dẫn thì không thể có chuyện lây cho người khác”, PGS Phu khẳng định.

Việc cách ly tại nhà đòi hỏi ý thức cao của người được cách ly. Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi sự giám sát, theo dõi của những người xung quanh.

“Người cách ly phải giữ gìn, tránh tiếp xúc người khác, không đi lại. Chẳng hạn, ở chung cư, mà người cách ly vẫn đi lại khắp nơi, khạc nhổ bừa bãi... thì vai trò, trách nhiệm của những người xung quanh, của chung cư, chính quyền cũng phải được thể hiện. Phải có ý kiến, đấu tranh với họ chứ không phải sợ mà bỏ qua. Nếu làm tốt, người cách ly tại nhà là an toàn, không lây cho người khác được”, PGS Phu phân tích.

nguoi cach ly tai nha anh 1

Ông Phu cho biết việc xác định đối tượng nào phải cách ly, cách ly ở mức độ nào đều đã được tính toán. Ảnh: Phạm Thắng.


PGS nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đang diễn biến phức tạp, việc ghi nhận thêm các ca mới là điều chắc chắn xảy ra. Ở giai đoạn đầu, Việt Nam chủ yếu chỉ đối phó với nguy cơ lây lan từ phí Trung Quốc, hiện nay, nguy cơ tăng ở rất nhiều quốc gia.

Do đó, người dân cần nghiêm túc chấp hành việc khai báo và cách ly khi có yêu cầu.

“Thời tiết nắng nóng hiện nay không có ý nghĩa với dịch bệnh, chúng ta không cần quan tâm. Bình Thuận đang nắng mà vẫn có hàng loạt ca mắc. Bản chất của virus SARS-CoV-2 là lây qua tiếp xúc gần và bàn tay khi tiếp xúc với các bề mặt. Do đó, cần đặc biệt chú ý cả việc vệ sinh các bề mặt, tay nắm cửa, thang máy, đồ dùng...”, ông Phu khuyến cáo.

Mỗi người dân cần nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện tốt các quy định cách ly, vệ sinh phòng dịch là góp phần chiến thắng giặc dịch Covid-19.

Cam kết khi cách ly tại nhà

Ngày 12/3, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 879/QĐ-BYT hướng dẫn Cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch Covid-19. Người cách ly tại nhà/nơi lưu trú và gia đình phỉa có bản cam kết với chính quyền địa phương về việc thực hiện tốt biện pháp cách ly y tế, cụ thể:

- Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của Chính quyền địa phương và hướng dẫn của ngành y tế.

- Chấp hành việc tự cách ly tại nhà đúng thời gian quy định.

- Không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.

- Không tổ chức liên hoan ăn uống, hoạt động đông người tại nơi ở, nơi lưu trú.

- Các cá nhân trong hộ gia đình chấp hành nghiêm việc tự theo dõi sức khỏe, không giấu bệnh và thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã và tổ dân phố khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt (nhiệt độ trên 37,5 độ C); ho; khó thở; sổ mũi, đau rát họng.

- Cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình hàng ngày thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh: Đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; giữ nhà cửa thông thoáng, vệ sinh trong nhà như lau các đồ dùng vật dụng, bàn ghế, nền nhà, tay nắm cửa… bằng các chất khử trùng, chất tẩy rửa thông thường.

- Các thành viên trong gia đình động viên, chia sẻ, giúp đỡ nhau, yên tâm thực hiện việc cách ly trong suốt thời gian theo dõi.

Thứ trưởng Bộ Y tế hiến máu giữa đại dịch Covid-19

Sau khi kiểm tra các bệnh viện về việc chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã tham gia hiến máu trong bối cảnh lượng người hiến giảm 20 lần.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm