Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nếu VNEN tốt, sao nhiều nơi xin dừng?'

Sau 6 năm VNEN được triển khai tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đánh giá mô hình này mang lại lợi thế cho người học, trong khi nhiều giáo viên không hài lòng.

Năm học 2011-2012, mô hình trường học mới (VNEN) được triển khai tại 6 tỉnh thành ở nước ta. Trong 6 năm hoạt động, mô hình này gây nhiều tranh cãi ở phía nhà trường, phụ huynh và xã hội.

TP.HCM tiếp tục áp dụng VNEN

Ngày 11/9, Sở GD&ĐT TP.HCM ra văn bản hướng dẫn chuyên môn cấp tiểu học năm học 2017- 2018. Theo đó, địa phương này duy trì và khuyến khích nhân rộng mô hình trường học VNEN.

Cụ thể, sở chỉ đạo các trường tiểu học đang thực hiện mô hình trường học mới tiếp tục duy trì nhưng cần làm tốt việc đánh giá, tổng kết, điều chỉnh các hoạt động, bổ sung điều kiện để thực hiện mô hình ngày càng có hiệu quả cao.

Mo hinh VNEN anh 1
WB đánh giá mức độ tác động của VNEN.

Ngoài ra, các trường cần sử dụng, bảo quản tài liệu hướng dẫn học đã được cấp để dùng chung và cho nhiều năm. Việc mở rộng mô hình VNEN tại các trường chưa áp dụng phải theo tinh thần tự nguyện.

Những trường có nhu cầu áp dụng mô hình này cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện theo quy định. Giáo viên được tập huấn, tham quan, hiểu rõ về mô hình; tham mưu với chính quyền, vận động các lực lượng xã hội hỗ trợ cùng tham gia, trao đổi với cha mẹ học sinh tạo sự đồng thuận khi triển khai mô hình trường học mới.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo đánh giá tác động của VNEN và đánh giá cao mô hình này.

Báo cáo khẳng định VNEN tạo ra lợi thế cho học sinh trong việc đạt được năng lực phi nhận thức, và duy trì, cải thiện kỹ năng nhận thức của các em. Số liệu cho thấy các hoạt động của VNEN có liên quan việc cải thiện kỹ năng nhận thức của học sinh.

Cụ thể, mô hình này giúp học sinh xây dựng kỹ năng ứng xử và tạo lập quan hệ, kỹ năng xã hội, cải thiện khả năng giao tiếp và tính sáng tạo của học sinh. 

Cũng theo WB, học sinh học theo mô hình VNEN phát triển hơn về mặt giá trị đạo đức, nhạy cảm hơn với nhu cầu tình cảm của những người khác, tôn trọng người lớn tuổi, giúp đỡ bạn bè trong các hoạt động trên lớp. Các em cũng có kết quả học tập bằng hoặc tốt hơn trong các bài kiểm tra Toán và Tiếng Việt theo mức độ chuẩn.

Ngay sau khi được công bố, báo cáo này ngay lập tức nhận phản ứng trái chiều từ cộng đồng giáo viên.

Bộ Giáo dục: Triển khai mô hình VNEN còn máy móc, nóng vội

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá, mô hình trường học mới (VNEN) có nhiều điểm tích cực, song triển khai còn máy móc, nóng vội.

Không phù hợp

Trên thực tế, một số địa phương đã quyết định dừng áp dụng mô hình dạy và học mới này. Chính vì thế, báo cáo của WB khó nhận được sự đồng tình từ phần lớn giáo viên.

"Nếu VNEN thực sự tốt như WB đánh giá, sao các địa phương phải xin dừng? Thực tế chứng minh mọi chuyện không tốt đẹp như nó được tô vẽ trên lý thuyết", một giáo viên tiểu học tại Hà Tĩnh đặt câu hỏi.

Mo hinh VNEN anh 2
Một số địa phương xin dừng áp dụng mô hình VNEN từ năm học 2017-2018. Ảnh minh họa: Infonet.

Không ít người khẳng định càng dạy theo VNEN, học sinh càng dốt. Việc áp dụng mô hình này còn nhiều bất cập. Một giáo viên ở Hà Nội nêu vấn đề đầu tiên nằm ở cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.

Cô giáo này khẳng định mô hình không phù hợp thực tế dạy và học tại phần lớn trường ở nước ta, khi hầu hết lớp có sĩ số đông, nhiều nơi khoảng 40, 50 học sinh.

Với quy mô lớp như vậy, giáo viên khó bao quát hết lớp. Tính tự giác của học sinh lại không cao. Việc sinh hoạt theo nhóm trở thành cơ hội để các em nói chuyện, làm việc riêng.

Cũng vì lý do này, nhiều giáo viên đề nghị chỉ áp dụng VNEN tại những trường đáp ứng được yêu cầu cơ sở vật chất, trình độ học sinh khá. Điều này có nghĩa họ không phủ định hoàn toàn mô hình VNEN. Về mặt lý thuyết, đây là phương pháp dạy và học tích cực, hướng học sinh tới sự phát triển toàn diện.

"Đây là phương pháp dạy, học hiện đại, có nhiều ưu việt", hiệu trưởng một trường tiểu học ở Lâm Đồng khẳng định.

Ông cho biết thêm từ năm học 2017-2018, trường không áp dụng VNEN, nguyên nhân chính nằm ở sự phản đối kịch liệt từ phía phụ huynh.

Là giáo viên tại trường dừng áp dụng VNEN vì lý do tương tự, cô Hồng Anh giải thích với tình hình thực tế sau vài năm triển khai, phụ huynh không thể yên tâm cho con theo học được khi kết quả của con họ ngày càng thấp.

Tuy nhiên, cô cho rằng đây là mô hình dạy, học tốt, hướng học sinh tích cực hoạt động, rèn luyện năng lực, phẩm chất cho các em. Trước hết, sách giáo khoa theo mô hình này hay, có chỉ dẫn câu lệnh cụ thể để học sinh tự làm, cách trình bày cũng thu hút sự chú ý của trẻ.

Nhưng ngoài việc có lỗi, chương trình còn bất cập ở chỗ đặt nặng vào tính tự giác của học sinh, các em về nhà không cần học bài.

Trong khi đó, phần lớn trẻ Việt Nam chưa có ý thức tự học. Nhiều phụ huynh cũng chưa quan tâm sát sao đến việc học của con. Mô hình lại yêu cầu tính tự giác từ học sinh và phụ huynh cần tham gia cùng con.

"Lý thuyết rất hay nhưng việc áp dụng gặp khó khăn từ nhiều phía. Khi thay sách giáo khoa mới lại áp dụng mô hình VNEN. Việc giáo dục từ đầu sẽ giúp học sinh hình thành thói quen học tập tốt và biết chia sẻ hơn", cô Hồng Anh bày tỏ.

Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (GPE-VNEN, Global Partnership for Education - VNEN viết tắt của từ Viet Nam Escuela Nueva) là dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam.

Hoạt động học của học sinh được coi là trung tâm của quá trình dạy học. Giáo viên với vai trò là người hướng dẫn, quan tâm sự khác biệt trong việc tiếp thu kiến thức của học sinh.

Việc đánh giá học sinh thường xuyên theo quá trình học tập nhằm kiểm tra và hướng dẫn phương pháp có hiệu quả. Phương pháp học tập là một yêu cầu quan trọng và phải xây dựng môi trường học tập cởi mở, thân thiện, hiệu quả.

Sách giáo khoa này gọi là tài liệu hướng dẫn học, được thiết kế cho học sinh hoạt động, tự học, học nhóm. Sách biên soạn cho ba trong một, nghĩa là dùng chung cho cả giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

Hoạt động học tập của học sinh không đóng khung trong bốn bức tường lớp, mà phải giúp học sinh “vận dụng” và “tìm tòi, mở rộng” ra bên ngoài. Đây là các hoạt động giao cho học sinh thực hiện ở ngoài lớp học, giáo viên không tổ chức dạy học hoàn toàn trên lớp.

Hà Tĩnh quyết định dừng áp dụng mô hình VNEN Hà Tĩnh quyết dừng việc áp dụng mô hình dạy và học VNEN sau nhiều bất cập.

Ngân hàng Thế giới đánh giá VNEN tạo lợi thế cho học sinh Việt Nam

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, mô hình VNEN cải thiện kỹ năng xã hội, khả năng giao tiếp, sáng tạo, kỹ năng nhận thức và nâng cao giá trị đạo đức của học sinh.



Nguyễn Sương

Video: VTV

Bạn có thể quan tâm