Mới đây, trên hãng thông tấn RT, Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga, tiết lộ về công thức của vaccine ngừa Covid-19. Đây là lần đầu tiên Nga lên tiếng về điều này.
Sputnik V do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya tại Moscow phát triển. Sau khi Nga công bố, hơn 20 quốc gia trên thế giới đã đặt mua vaccine Sputnik V, số lượng lên tới 1 tỷ liều.
Công thức vaccine ngừa Covid-19 độc nhất
Ông Kirill Dmitriev khẳng định: "Sputnik V sở hữu công thức độc nhất vô nhị. Công thức này chưa được đơn vị nào trên thế giới sử dụng trong sản xuất vaccine Covid-19". Sputnik V được thiết kế với 2 vector adenovirus cùng lúc: Ad5 và Ad26.
Vector là công thức tái tổ hợp protein đột biến SARS-CoV-2, giúp virus xâm nhập tế bào vào phiên bản yếu của adenovirus - loại gây cảm lạnh thông thường. Khi adenovirus được tiêm vào người, protein đột biến sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Công nghệ này được sử dụng cho 2 lần tiêm thử nghiệm tại Nga, giúp khắc phục khả năng miễn dịch có từ trước với adenovirus.
Năm 2015, Nga từng sử dụng công thức này cho vaccine ngừa Ebola. Nó đã trải qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và đánh bại đại dịch này ở châu Phi năm 2017.
Một số đơn vị khác trên thế giới cũng ứng dụng vector adenovirus trong điều chế vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, họ chỉ sử dụng một vector. Điển hình là Johnson & Johnson (Ad26) và CanSino (Ad5).
Theo ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga, vaccine Sputnik V sử dụng công thức điều chế độc nhất vô nhị. Ảnh: RT. |
Trước đó, ngày 4/9, các kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và 2 đã được công bố trên tạp chí The Lancet. Trong bài báo, Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya đưa các kết quả quan trọng cho thấy không có tác dụng phụ nghiêm trọng với toàn bộ tình nguyện viên tiêm thử. Trong khi đó, tỷ lệ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng ở các ứng cử viên vaccine khác là 1-25%.
100% người tham gia thử nghiệm lâm sàng với Sputnik V đều tạo phản ứng miễn dịch tế bào và dịch thể ổn định. Mức kháng thể trung hòa virus của tình nguyện viên tiêm Sputnik V cao gấp 1,5 lần so với bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh.
Tế bào miễn dịch T với cả 2 loại tế bào đặc biệt CD4+ và CD8+ đã hình thành ở toàn bộ tình nguyện viên. CD4+ và CD8+ nhận biết, phá vỡ các tế bào bị nCoV xâm nhập, tạo khả năng miễn dịch lâu dài.
Khả năng miễn dịch có từ trước với các bệnh nhiễm trùng adenoviral là lý do chính để Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya sử dụng phương pháp độc quyền 2 vector. Nhờ đó, nó có thể tạo phản ứng miễn dịch mạnh, lâu dài hơn và tránh tình trạng trung hòa.
Sputnik V an toàn tuyệt đối
Theo Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev, vaccine Sputnik đủ điều kiện đăng ký sử dụng khẩn cấp. Điều này xuất phát từ kết quả khả quan của các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 và dựa trên nền tảng vector adenovirus đã được chứng minh. Trong nhiều thập kỷ, chế phẩm sinh học ứng dụng vector adenovirus đã cho thấy hiệu quả và an toàn trên thế giới với 75 công bố khoa học quốc tế và 250 thử nghiệm lâm sàng.
Theo hồ sơ đã công bố, hơn 10 triệu quân nhân Mỹ được tiêm vaccine từ công thức vector adenovirus năm 1971. Phương pháp điều trị ung thư Gendicine dựa trên vector trên được sử dụng cho hơn 30.000 người Trung Quốc trong 15 năm.
Các thử nghiệm lâm sàng về vaccine dựa trên vector adenovirus ở người như Sputnik V đã có sự tham gia của hơn 25.000 tình nguyện viên trên thế giới. Từ năm 2015, hơn 3.000 người được chủng ngừa vaccine ngừa Ebola và MERS do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya tạo ra. Chúng đều dựa vào cơ chế vector adenovirus.
Với các thông tin trên, ông Kirill Dmitriev khẳng định Sputnik V đủ điều kiện đăng ký sử dụng khẩn cấp là điều dễ hiểu.
Nói thêm về công thức độc nhất của Sputnik V, ông Kirill Dmitriev cho hay các nền tảng vaccine trên thế giới không giống nhau. Đồng thời, Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga nhấn mạnh nhiều lần về việc Sputnik V dựa trên nguyên tắc an toàn tuyệt đối.
Một nhà nghiên cứu vaccine tại Gamaleya. Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, ông Kirill Dmitriev khẳng định thiết kế thử nghiệm của Sputnik V mang hiệu quả hơn nhiều và dựa trên các giả định khả quan.
Thử nghiệm Sputnik V có 76 tình nguyện viên. Con số này ở nghiên cứu của AstraZeneca trong giai đoạn lâm sàng 1, 2 là 1.077 người.
Dựa trên cách tính toán của Nga, số người được tiêm 2 mũi thử nghiệm Sputnik V nhiều gấp 4 lần của AstraZeneca. Ông Dmitriev cũng nhấn mạnh các phương tiện truyền thông gần như bỏ qua điểm mấu chốt này mà chỉ nhìn vào con số 76 để so sánh.
Ngoài ra, ngày 26/8, Nga tiếp nhận 40.000 tình nguyện viên cho các thử nghiệm lâm sàng trên người tiếp theo. Các thử nghiệm được thực hiện ở UAE, Ả Rập Saudi, Philippines, Ấn Độ và Brazil sẽ bắt đầu trong tháng này. Kết quả sơ bộ của thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ được công bố vào tháng 10 hoặc 11.