Vụ việc chiếc xe tải chở bia đi ngang qua khu vực vòng xoay Tam Hiệp, TP Biên Hòa (Đồng Nai) bất ngờ bị lật và làm đổ 1.500 thùng bia xuống đường, người dân hôi của cướp bia trắng trợn mặc cho tài xế gào khóc đã và đang là đề tài nóng thu hút sự quan tâm của dư luận.
Hình ảnh người dân lấy bia khi chiếc khi gặp tai nạn tại Đồng Nai. Ảnh Tuổi Trẻ. |
Trong lúc vụ việc diễn ra, nhiều người đã nhanh tay ghi lại clip và phát tán trên mạng xã hội, rất nhiều bạn trẻ đã bày tỏ quan điểm của mình đối với vụ việc trên.
"Nhặt của rơi không ai thấy, 99,9% sẽ lấy"
Chàng trai sinh năm 1990 cho biết cậu lắc đầu ngao ngán khi xem cảnh những người đáng tuổi cha chú của mình hôi của. |
Đó là ý kiến của bạn P. Huy (sinh năm 90, ở Hà Nội). Huy nói: "Lòng tham thì ai cũng có. Vấn đề là họ có bị tác động bởi hoàn cảnh hay không, trong trường hợp một đám đông cùng hôi của thì nhiều người sẽ không ngại mà cùng hôi của. Bản thân chúng ta đều được giáo dục rằng nhặt của rơi thì phải trả lại cho người mất nhưng chẳng phải khi nhìn thấy của rơi, chúng ta đều nhìn xem xung quanh có ai thấy không? Tôi tin rằng nếu không thì 99,99% trong chúng ta sẽ lấy món đồ đó.
Nói như vậy không có nghĩa là ủng hộ hành động hôi của xấu xí vừa rồi của nhiều người mà để mọi người biết rằng, lòng tham là thứ có sẵn trong mỗi con người, vấn đề là ai kiềm chế giỏi hơn ai mà thôi.
Bản thân tôi là một người còn trẻ, tôi nhìn thấy những người đáng tuổi cha chú mình hôi của của người gặp nạn như vậy tôi chẳng còn biết nói gì hơn ngoài việc lắc đầu ngán ngẩm. Nếu lúc đó có mặt ở hiện trường thì tôi cũng chẳng biết làm gì hơn bằng việc lờ đi qua và không tham gia vì biết rằng, một người không thể chống lại đám đông đang dữ tợn tranh giành lúc đó. Và xin nói thêm là người Việt mình lúc nào cũng sợ liên lụy, cũng không thích dính vào việc của người khác, chưa có ý thức tìm đến cơ quan chức năng gần nhất khi cần thiết nên mới càng khiến những người hôi của đục nước béo cò".
"Tình thương của con người ngày càng đi xuống"
Hành động đám đông lấy bia của chiếc xe bị nạn khiến Nguyễn Thơ cảm thấy những giá trị tốt đẹp đang ít dần. |
"Tôi thấy tình thương của con người với con người trong xã hội ngày càng đi xuống. Đây không chỉ là vấn đề ý thức cá nhân nữa mà nó còn đánh động tới cả một vấn nạn xã hội. "Hôi của" không phải là một từ xa lạ, thậm chí nó còn là một từ vựng trong từ điển văn hóa người Việt Nam. Nhưng tại sao có những hành động nhặt của rơi lên đến cả chục triệu đồng mang trả lại người mất và có những vụ việc đáng xấu hổ như thế này? Tất cả là bởi vì khi đứng một mình, chúng ta thường làm theo lý trí nhưng khi ở đám đông chúng ta lại hay hùa theo những người xung quanh.
Sau khi vụ việc xảy ra nhiều bạn trẻ lên mạng xã hội kêu than, thất vọng về người Việt nhưng tôi thấy các bạn không nên "vơ đũa cả nắm" như thế bởi ngoài kia vẫn còn rất nhiều những anh hùng đường phố, những thanh niên tốt bụng lăn xả cứu người bị nạn... Nhưng tiếc là họ còn ít ỏi quá!" - bạn Nguyễn Thơ (cựu sinh viên ĐH KHXH&NV) chia sẻ.
"Hôi của chưa chắc đã là do giáo dục không tốt"
Bạn Nguyễn Thanh Tùng (sống tại TP.HCM) nói: "Điều đầu tiên mình cảm nhận được sau khi nghe thông tin về vụ việc là xấu hổ thay cho những người đã từng tham gia vào việc hôi của đó, nhưng công bằng mà nói mình không thể hoàn toàn trách họ được.
Bởi: thứ nhất, nhìn toàn cảnh vụ hôi của này thì đa số người tham gia nhặt bia và người lao động nghèo nên mức độ nhận thức vấn đề chưa cao. Thứ hai, họ hành động như thế không phải vì thiếu đạo đức, vì vô cảm như nhiều người bàn tán, mà mình nghĩ ý thức cộng đồng của họ kém nên hành động ích kỷ và tham lam.
Thứ ba, là do cuộc sống chưa thật sự đủ đầy để con người mở lòng ở mọi nơ. Cứ thấy cái gì rơi là nhặt trước đã sai hay đúng tính sau. Mình tin rằng đã có rất nhiều người sau khi nhặt bia về đã cảm thấy ân hân nhưng lỡ rồi, không biết phải làm sao...
Sau vụ việc, người người trên mạng nói là do hệ thống giáo dục Việt Nam chưa tốt nên mới xảy ra cảnh tượng đáng xấu hổ này. Nhưng mình có bằng chứng là hồi xưa ông bà, cha mẹ mình không được học cao như bây giờ mà vẫn hành xử tốt đẹp hơn gấp nhiều lần.
Nhà mình ngay sát đường quốc lộ, khi còn bé, mình đã chứng kiến rất nhiều vụ lật xe: xăng, thực phẩm... Nhưng hầu như lần nào có tai nạn xảy ra người dân xung quanh nhà mình đều ra giúp họ gom hàng hóa lại, đùng can, thau để hút xăng, hốt thực phẩm rơi vãi vào cho người ta chứ không bao giờ hôi của. Nói vậy để biết, ngày xưa tuy nghèo nhưng họ trọng cái danh dự như thế nào!".
"Xấu hổ khi bạn bè hỏi đến"
Bạn Ngô Xuân Quang (sinh năm 91) là du học sinh Nga, có nhà cách nơi diễn ra vụ việc hôi của tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) chừng 1 km cũng cho biết cảm thấy xấu hổ khi tình cờ nghe ai đó nhắc đến.
"Mình sang bên Nga học đã lâu nhưng vẫn thường xuyên cập nhật tình hình trong nước. Mới đây sau khi biết vụ hôi của xe bia diễn ra cách nhà mình chỉ gần 1 km mình đã ngượng chín cả người. Những thông tin dạng thế này bọn học sinh người Việt chúng mình có biết thì cũng cố giấu vì mất mặt.
Trước đây cũng có bài báo tiếng Nga, tiếng Anh viết về tật xấu này của người Việt nhưng khi ai đó đọc được và hỏi lại thì mình cũng chỉ cười trừ. Không trách được khi sang nước ngoài, nhiều nơi vẫn cảnh giác với người Việt".