Các giáo viên chia sẻ quan điểm về việc một cô giáo bị bóc phốt vì chụp ảnh trẻ đăng vào nhóm lớp. Ảnh: Duy Hiệu. |
Những ngày gần đây, các trang mạng xã hội chia sẻ bài viết của một phụ huynh có con học tiểu học. Bài viết đính kèm ảnh chụp màn hình tin nhắn của giáo viên trong nhóm lớp, gồm ảnh chụp 3 học sinh kèm theo lời nhắn: "Phụ huynh 3 bạn trong ảnh cuối giờ ra gặp cô. Nếu phụ huynh không ra cô xếp 3 bạn hạnh kiểm chưa đạt rèn luyện trong hè".
"Cho em hỏi như thế này là cô giáo đe dọa phụ huynh à. Mà phụ huynh có đi học đâu?", vị phụ huynh đặt câu hỏi khi chia sẻ vụ việc.
Khi bài viết được chia sẻ lên mạng, một số người chỉ trích cô giáo trong vụ việc, nói cô giang hồ, hẹn gặp phụ huynh như hẹn đánh nhau. Trong khi đó, một số người khác bênh vực, cho rằng cô giáo đã rất bất lực với phụ huynh lẫn học sinh nên mới phải nhắn tin như vậy trong nhóm lớp.
Cô giáo chưa khéo
Trao đổi với Tri thức - Znews về việc cô giáo bị bóc phốt vì chụp ảnh trẻ gửi vào nhóm lớp, cô Nguyễn Giang, giáo viên ở Hưng Yên, nhận xét cô giáo trong vụ việc này hành động chưa khéo, thiếu chuyên nghiệp và có thể nói là hơi vụng về.
Cô Giang nhận định có thể vào thời điểm đó, giáo viên này đang rất bất lực vì không có cách nào gặp được phụ huynh để thảo luận về vấn đề của các con nên mới phải nhắn vào nhóm lớp như vậy.
Hình ảnh do phụ huynh chia sẻ trong bài đăng bóc phốt giáo viên. |
Tuy nhiên, việc chụp ảnh trẻ gửi vào nhóm chung như vậy đang nói lên một điều rằng cô giáo này chưa được huấn luyện kỹ về kỹ năng tương tác với phụ huynh, đồng thời cô cũng chưa để ý đến tâm lý trẻ.
Là người được huấn luyện rất kỹ trước khi trở thành giáo viên chủ nhiệm, cô Nguyễn Giang luôn được nhắc rằng giáo viên không nên chụp ảnh trẻ để tránh ảnh hưởng các con. Còn về phần tin nhắn, cô Giang nhận xét nếu chỉ nhìn mặt chữ, có thể mọi người sẽ thấy giáo viên này nói chuyện hơi “thô”, nhưng không thể nói là giang hồ như cách dân mạng nhận xét.
“Bảo cô giáo giang hồ thì không đúng, chỉ là cô đó chọn lọc từ ngữ không khéo nên khiến phụ huynh cảm thấy phản cảm. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chúng ta cần phải xem xét vụ việc ra sao mà khiến giáo viên bất lực đến mức phải chỉ định học sinh lẫn phụ huynh trong nhóm chat chung như vậy”, cô Giang nói.
Chung quan điểm với cô Nguyễn Giang, cô Thảo Nguyên cũng cho rằng giáo viên trong vụ việc này đã quá bất lực mới phải chọn cách cuối cùng là gửi ảnh trẻ vào nhóm và tag phụ huynh như vậy.
Là giáo viên tiểu học, cô Nguyên cũng từng gặp trường hợp tương tự. Phụ huynh cả năm không đi họp phụ huynh cho con, giáo viên không thể nhắn tin hay gọi điện. Một lần vì quá bất lực, cô cũng đành phải tag tên phụ huynh này trong nhóm chat của lớp để đề nghị trao đổi về tình hình học tập của con.
“Mạng xã hội bây giờ phát triển mạnh quá, phụ huynh bất mãn một chút là đăng đàn bóc phốt giáo viên ngay, trong khi họ hoàn toàn có thể trao đổi với giáo viên trước để cùng nhau tìm phương án xử lý”, cô Nguyên chia sẻ.
Nhưng đừng vì thế mà bóc phốt
“Nghề giáo viên bây giờ bạc lắm, sơ hở là bị chửi” là điều mà cô Thảo Nguyên nói sau khi đọc những bình luận chửi cô giáo trong vụ việc nêu trên. Đi dạy nhiều năm, cô nhận thấy giáo viên ngày nay không phải là nghề cao quý như xưa mà dần trở thành “người dạy thuê”, ít được phụ huynh và học sinh coi trọng.
Nhìn chung, cô Nguyên không thấy khó hiểu trước vấn đề này vì cha mẹ ngày nay ít sinh con hơn xưa, hiếm muộn cũng nhiều hơn nên đứa trẻ được sinh ra thường được nuông chiều, coi là con vàng con bạc.
“Chưa cần nói đến việc chụp ảnh gửi vào nhóm chat, giáo viên động vào một sợi tóc của trẻ thôi là cũng đủ ầm ĩ rồi”, cô Nguyên nói.
Bàn thêm về chuyện bóc phốt giáo viên trên mạng, cô Nguyên nói vụ việc nêu trên chính là ví dụ điển hình cho việc chưa cần biết ai đúng ai sai, chưa cần biết nguồn cơn sự việc thế nào, giáo viên sẽ luôn là người bị mắng chửi đầu tiên nêu phụ huynh đăng đàn “bóc phốt”. Lý do là nhiều người nghĩ khi họ bỏ tiền ra cho con đi học, họ có quyền yêu cầu mọi thứ và có thể tố cáo nếu cảm thấy không hài lòng.
Giáo viên nên có phương án xử lý phù hợp nếu phụ huynh không hợp tác trong việc dạy trẻ. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Cô Nguyễn Giang cũng nêu quan điểm tương tự. Theo cô, bài bóc phốt của phụ huynh trên chưa rõ thông tin về giáo viên và trường. Việc không công khai thông tin có thể là do phụ huynh này chưa muốn bóc phốt, hoặc cũng có thể chuyện này không có thật.
Nhưng dù vụ việc có thật hay không, nó cũng để lại một bài học là chỉ cần một ảnh chụp màn hình, kèm theo hàng nghìn bình luận của dân mạng là đủ để tạo ra “một bể drama” cho ngành giáo dục.
Ngoài ra, vụ việc cũng cho thấy những nghề được coi là cao quý theo định kiến của xã hội như giáo viên, bác sĩ, luật sư… thì sẽ càng bị xã hội đánh giá nhiều hơn.
Đặc biệt với giáo viên, cô Giang thấy họ đang ngày càng bị coi thường, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội quá phát triển và sự mở rộng của trường tư thục - nơi giáo viên được coi là người cung cấp dịch vụ giáo dục chứ không còn là người có tiếng nói trong mắt học sinh và phụ huynh.
Làm giáo viên chủ nhiệm, cô Giang hiểu rõ việc phụ huynh “đem con bỏ chợ”, không quan tâm con… không phải là chuyện hiếm. Trong trường hợp đó, cách xử lý tốt nhất là áp dụng những biện pháp phù hợp với nội quy của nhà trường.
Với những trường hợp trẻ quá nghịch hoặc học quá kém nhưng gia đình không quan tâm phối hợp, cô Giang đề xuất thực hiện theo các bước là nhắn tin, gọi điện thông báo trước. Nếu không thể liên lạc với cha mẹ, giáo viên nên tìm đến những người giám hộ hợp pháp khác của học sinh.
Nếu không thể liên lạc với ai, giáo viên nên kết hợp với ban giám hiệu hoặc các phòng ban khác của trường để tìm cách xử lý phù hợp. Phương án này vừa giúp bảo vệ quyền lợi của giáo viên, đồng thời đảm bảo danh tiếng của giáo viên và nhà trường không bị đe dọa.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.