Nghe người trẻ đồng tính tự kể chuyện mình
Sau cô nàng tom boy, một nhóm nam sinh viên đồng tính trường SK Điện ảnh đã tự thực hiện loạt phim về những tình huống dở khóc dở cười trong cuộc sống của mình và gây sốt trên mạng.
Người đồng tính không phải dị nhân
Huỳnh Nguyễn Đăng Khoa, chàng sinh viên khoa Đạo diễn, ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, được biết với cái tên Khoa Loi Nhoi. Anh là diễn viên kiêm đạo diễn, biên kịch bộ phim My best gay friends đang gây sốt trên mạng này.
Đây là loạt phim về ba nhân vật đồng tính, bao gồm Khoa (Huỳnh Nguyễn Đăng Khoa) bị gia đình bắt sống tự lập, phải thuê nhà của Rje (Trần Nguyễn Kim Hân), người bán bún ngoài chợ đồng thời ở chung với Nhật (Ngô Xuân Nhật), cũng là một khách thuê nhà. Phim được làm theo dạng sitcom, xoay quanh những tình huống hài hước trong cuộc sống của người đồng tính, đăng từng tập trên Youtube và được cư dân mạng háo hức chờ đón với hàng chục ngàn lượt xem.
Trái với thái độ dè dặt của người viết, Khoa khá thoải mái khi chia sẻ: “Người đồng tính cũng có cuộc sống bình thường như bao người khác, có gia đình, bạn bè, tình yêu… chứ không phải là dị nhân. Lý do mình muốn làm bộ phim này theo dạng sitcom cũng vì muốn mọi người đón nhận tụi mình dễ hơn khi có sự hài hước trong đó”.
Ba nhân vật trong My best gay friends - Ảnh chụp từ clip |
Một bộ phim khác với nhân vật chính cũng là người đồng tính, vừa đoạt giải Búp sen vàng (do Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD tổ chức) dành cho thể loại phim tài liệu, nhưng chủ nhân của nó không phải người đồng tính.
Đó là Hoàng Huyền My (19 tuổi), nữ sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. My dễ khiến người ta nhầm tưởng là… con trai vì phong cách tom boy khá mạnh. Không phải “người trong giới” nhưng cách mà My để nhân vật tự kể câu chuyện của mình hoàn toàn thuyết phục người xem.
Bộ phim Bạn là ai? (dài 19 phút) của My xoay quanh cuộc sống thật của một nhân vật nữ tên Sun, người có vẻ ngoài như một cậu con trai: tóc ngắn, đeo khuyên tai, đi dép tông… nhưng khi trở về nhà lại biến thành con người khác với mái tóc giả, váy áo thướt tha để che mắt gia đình. Dĩ nhiên, cuộc sống của Sun cũng có hai mảng: một con người cô độc, tự lừa dối bản thân, lừa dối gia đình và một con người được sống thật với giới tính và cảm xúc khi được ở cạnh cô bạn gái mà mình yêu thương.
“Khi tình cờ gặp Sun, em rất ấn tượng vì cô bạn này cũng có phong cách tomboy giống như em. Càng tìm hiểu về Sun, em lại càng cảm thông với nỗi khổ của một người luôn phải đè nén giới tính thật của mình cũng như tình yêu đồng giới chân thành và nghiêm túc của Sun. Cái khó của em chính là thuyết phục Sun kể lại câu chuyện của chính mình trên phim”, My chia sẻ.
Nếu đã quá quen với hình ảnh người đồng tính là phải thế này, thế kia, đồng bóng, dễ dãi và hời hợt thì với hai bộ phim này, người xem có thể sẽ có cái nhìn khác khi nghe chính những người đồng tính tự kể về họ.
Khoa cho biết lý do mà cả nhóm quyết định làm loạt phim My best gay friends cũng vì bức xúc khi báo chí, phim ảnh đề cập về người đồng tính một cách thái quá, tiêu cực, khiến mọi người có cái nhìn không tốt về họ. “Để người đồng tính tự nói về mình, hẳn bạn sẽ có cái nhìn khác hơn và đáng tin hơn đúng không?”, Khoa nói.
Được và mất
Mong muốn dùng phim ảnh để mang đến cái nhìn đúng đắn hơn về người đồng tính nhưng việc để người xung quanh chấp nhận người đồng tính không phải là chuyện một sớm, một chiều.
Hoàng Huyền My cho biết trong quá trình quay phim, anh trai của Sun đã phát hiện ra sự thật về cô em gái của mình và nói với gia đình. Chính vì thế mà sau đó, gia đình đã bắt Sun phải đi du học với mong muốn con gái sẽ “hết bệnh”.
“Chần chừ, đấu tranh nhưng rồi Sun vẫn phải đi chị ạ. Nhưng bạn ấy rất vui vì phim được chiếu và giành giải. Lúc đầu, em đã thuyết phục bạn ấy làm phim để được gia đình chấp nhận, để được dư luận đồng thuận. Nhưng cả em và bạn ấy đều biết đó chỉ là một cái cớ để cả hai tự tin hơn thôi”, My tâm sự.
Sun, nhân vật có thật trong Bạn là ai, trước mặt mọi người phải đội tóc giả, vờ như một cô gái bình thường, khi không có ai, Sun trở lại với chính mình. |
Với My best gay friends, chàng diễn viên Ngô Xuân Nhật cũng gặp không ít rắc rối. Dù đã nhận được sự đồng thuận từ mẹ nhưng hàng xóm và người trong dòng họ biết chuyện cũng tạo không ít sóng gió cho gia đình. Riêng bộ phim cũng nhận được nhiều ý kiến khen chê khác nhau.
Tuy nhiên, điều đó dường như không khiến các bạn trẻ nguôi ngoay ý định ban đầu của mình. Khoa cho biết khi bắt tay vào làm My best gay friends, cậu cũng có chút lo lắng, sợ mọi người không đón nhận nhưng khi phim ra mắt thì không chỉ người đồng tính mà còn có cả những bạn nam nữ bình thường lẫn phụ huynh ủng hộ. “Nhiều bạn còn tâm sự với mình rằng trước khi xem phim rất kì thị gay (đồng tính nam) nhưng sau khi xem họ đã có cái nhìn thiện cảm hơn. Một số bạn gay cũng chia sẻ rằng bộ phim đã giúp họ đỡ tự ti, mặc cảm về bản thân và hi vọng một ngày nào đó người đồng tính sẽ được đối xử bình đẳng hơn”, Khoa chia sẻ.
Điều đó đã trở thành động lực cho Khoa triển khai thực hiện một clip cổ động với nội dung chống kỳ thị người đồng tính, đồng thời dự định làm một bộ phim ca nhạc trong đó người đồng tính thể hiện những khả năng về nghệ thuật như một cách chứng minh họ cũng có tài năng, cũng có cuộc sống lành mạnh.
Huyền My cũng nói thêm: "Mình không chắc bộ phim của mình có thể thay đổi suy nghĩ của đại đa số khán giả không nhưng mình tin là không ít người khi xem phim sẽ có sự đồng cảm và thấu hiểu dành cho người đồng tính, sẽ không còn nhìn họ với ánh mắt khác lạ nữa".
Cũng với mong muốn mọi người có cái nhìn cảm thông hơn về người đồng tính, đầu tháng này, hàng trăm người tại Hà Nội đã tham gia đạp xe kêu gọi chống kỳ thị cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới). Tại Sài Gòn, một số bạn trẻ đã tham gia sự kiện Tay trong tay (Hand in hand), chung tay chống kỳ thị cộng đồng LGBT tại cầu Ánh Sao (quận 7) hôm 4/8.
Đề tài đồng tính hoặc nhân vật đồng tính từng xuất hiện trong khá nhiều phim Việt Nam như Để Mai tính, Hotboy nổi loạn, Cảm hứng hoàn hảo, Vũ điệu đường cong, Chơi vơi, Những nụ hôn rực rỡ, Gái nhảy, Trai nhảy… Bên cạnh một số phim nhận được sự đồng thuận của người đồng tính, được đánh giá cao về tính nghệ thuật thì một số khác vấp phải sự chỉ trích từ “người trong cuộc” khi hình ảnh của họ bị làm méo mó đi với sự đồng bóng, lập dị hay quan niệm cho rằng đồng tính là bệnh và có thể bị lây lan từ người này sang người khác. Trên thế giới, phim về đề tài này cũng gây ra không ít tranh cãi. Tuy nhiên, cũng có một số bộ phim về đồng tính được khán giả yêu thích và nhận nhiều giải thưởng danh giá như Brokeback Mountain, The Kids Are All Right, Beginners… |
Theo Thanh Niên