Nghỉ dưỡng ở Nhật Bản
Matsuyama nằm đối diện với vùng nội hải êm ả và có khí hậu dễ chịu. Ðến đây, bạn thấy ngay biểu trưng: Thành phố của suối nước nóng, lâu đài và văn chương.
Lâu đài Matsuyama tọa lạc trên ngọn đồi cao ngay trung tâm thành phố, làm say mê mọi người bởi vẻ đẹp đơn giản nhưng uy nghi giữa vườn cây xanh lớp lớp. Là một tòa tháp năm tầng được xây dựng từ đầu thế kỷ 17 và được phục dựng vào giữa thế kỷ 19. Ðể lên lâu đài, có thể đi bộ ba mươi phút theo đường mòn giữa những hàng cây xanh tốt, trong tiếng chim hót líu lo; hoặc cũng có thể lên bằng hệ thống cáp treo. Khuôn viên chính của lâu đài được bao quanh bởi bức tường đá rêu phong.
Lâu đài Matsuyama |
Tòa tháp chính uy nghi giữa khoảng sân rộng, bên trong có cầu thang gỗ dẫn lên những tầng trên. Các phòng lớn có cửa sổ mở ra bốn hướng đông, tây, nam, bắc, đúng theo kim địa bàn và từ các cửa sổ này có thể nhìn bao quát cả thành phố phía dưới chân đồi, thật đẹp và hùng vĩ. Phía nam của lâu đài là khu "vườn thượng uyển" nơi vị chúa cũ của lâu đài từng sống. Về phía đông, cách lâu đài chừng hai cây số là suối nước nóng Dogo.
Tòa nhà trước suối nước nóng Dogo |
Dogo là suối nước nóng lâu đài ở Nhật Bản, có nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Truyền thuyết kể rằng, có một con diệc trắng bị gãy chân, đã chữa lành vết thương ở đây. Từ năm 1894 người ta đã xây dựng ở giữa khu suối một tòa nhà gỗ ba tầng xinh đẹp, làm nhà tắm công cộng. Nhà tắm do chính quyền thành phố quản lý vì thế không có sự phân biệt đối xử gì ở đây.
Xếp hàng vào chờ tắm nước nóng |
Cứ vào sáu giờ mỗi buổi sáng một hồi trống vang lên thông báo nhà tắm bắt đầu mở cửa, cư dân thành phố và du khách ở trong những khách sạn quanh vùng háo hức kéo đến mong được vui đùa, ngâm mình dưới nước suối ấm. Mỗi người đều được thuê một chiếc áo choàng yukata và một khăn tắm mới được giặt sạch, tiệt trùng.
Khi thư giãn, khách được phục vụ trà ngon hoặc nước giải khát nhẹ. Tôi không thấy họ ăn quà vặt, khạc nhổ hay vứt rác bừa bãi. Những quy định vệ sinh được tôn trọng tự giác. Du khách và cư dân địa phương cùng bình đẳng trong thụ hưởng phúc lợi xã hội và góp phần duy trì, tôn tạo thắng cảnh, giữ gìn tài nguyên đặc hữu của địa phương.
Khu nghỉ dưỡng Karuizaoa |
Ở đây ngoài một quầy bán vé và bưu ảnh kỷ niệm, không có hàng quà, cò quay hay hàng tạp hóa nào, cũng chẳng có cảnh đeo bám chèo kéo khách. Ðúng là một khu du lịch nghỉ dưỡng. Người Nhật vốn thích tắm suối nước nóng hơn bất cứ điều gì khác. Người ta đã có đủ các bể dẫn nước từ suối đến các nhà tắm khác trong vùng, vì thế mà có thêm nhiều người được hưởng "lộc trời" và thỏa cái thú rất đặc trưng cho Nhật Bản.
Matsuyama rất tự hào về nhà thơ Masaoka, người gốc Matsuyama, và đã xây dựng bảo tàng để tôn vinh ông. Bảo tàng Masaoka là điểm thu hút nhiều du khách và học sinh, thanh thiếu niên địa phương đến thăm. Nhiều bài thơ Haiku của ông, một loại hình thơ ngắn 17 chữ nổi tiếng Nhật Bản, được chép trưng bày ở đây và ở nhiều nơi trong thành phố. Người dân nơi đây cũng đặc biệt yêu thích tác phẩm văn học Botchan (Cậu ấm) của nhà văn Nasuma, người đã sống nhiều năm ở Matsuyama, vì nó gợi nhớ về lịch sử rực rỡ của thành phố.
Khu nghỉ dưỡng Karuizaoa |
Có thể gặp những biểu hiện liên quan đến tiểu thuyết này, từ mẫu bánh ngọt đến mẫu xe điện trong thành phố. Từ ga Matsuyama chúng tôi đi "xe hỏa" Botchan, là mô hình của một đầu máy chạy bằng hơi nước đã ngừng hoạt động ở Matsuyama từ 60 năm về trước, chạy trên đường ray xe điện vào trung tâm thành phố, thỏa mãn thú hoài cổ. Chúng tôi thích thú được xem những người thợ dệt và nhuộm chàm ở quận Lyo, làm ra một loại vải sợi bông gọi là Kasuri, dùng làm khăn quàng, túi xách, quạt xếp hay ví đầm, vỏ gối và những đôi hài duyên dáng. Họ cũng làm những con búp-bê Hime daruma ngộ nghĩnh, cho những người thích săn tìm đồ lưu niệm. Những con búp-bê Hime daruma là quà tặng truyền thống cho các bé sơ sinh để cầu chúc cho bé có một tương lai tốt đẹp. Matsuyama đã phát triển một văn hóa riêng và người dân nơi đây có niềm tự hào chính đáng về thành phố của mình.
Khách sạn Kyu Mikasa |
Kỳ nghỉ hè chúng tôi được đến khu nghỉ dưỡng Karuizaoa cách thủ đô Tokyo một giờ tàu Shinkansen. Tàu hỏa đã đến được nơi đây từ năm 1893 mặc dù việc xây dựng đã gặp nhiều trở ngại do sườn núi dốc. Karuizaoa cao hơn mặt nước biển 950 mét, nhiệt độ giữa mùa hè chừng 25oC, như Tam Ðảo ở ta. Cảnh đẹp, dịch vụ hoàn hảo và giao thông thuận tiện mà người từ Tokyo và các nơi về nghỉ rất đông. Từ đầu thế kỷ 20 người ta đã xây dựng xen giữa rừng thông những biệt thự sang trọng, và cả nhà nguyện, nhà thờ công giáo, thành một nơi dành cho các thành viên của giới thượng lưu gặp nhau. Nhiều chính khách, nhà tài chính, nhà văn, nhà báo, họa sĩ rất có ảnh hưởng của Nhật Bản đã từng ở đây.
Tàu Shinkansen |
Khách sạn Kyu Mikasa được xây dựng từ năm 1905 được tu tạo và mở cửa hằng ngày cho công chúng vào tham quan. Karuiz-oa thay đổi và phát triển rất nhiều nhưng vẫn giữ nguyên vẻ thanh bình, tao nhã. Nhiều biệt thự xây dựng theo kiến trúc và trang bị nội thất kiểu tây phương vẫn được giữ gìn.
Năm 1961 Hoàng thái tử và tiểu thư Shoda Michico (ngày nay là vua và hoàng hậu Nhật Bản) gặp nhau ở sân quần vợt Kyu Karuiyama và đã yêu nhau. Sự kiện này làm bùng nổ trào lưu Karuizaoa ở Nhật Bản, thu hút đặc biệt thanh thiếu niên và du khách đến Karuizaoa. Họ đến đây để lấy may, lấy khước, để thư giãn, vui chơi, ngắm cảnh và mua sắm.
Thác nước Shirado |
Người Nhật Bản khéo biết tận dụng điều kiện thiên nhiên, thị hiếu và cơ hội để thỏa mãn mọi nhu cầu xã hội mà thu lợi. Ðến nơi đây bạn có thể tản bộ trên những con đường lát đá bên những lan can phủ đầy rêu, dưới những tia nắng nhẹ chiếu qua tán lá trên cao. Bạn cũng có thể thuê xe đạp ở nhà nghỉ hay một quán dịch vụ làm một cuốc xuyên rừng dẫn đến thung lũng Hạnh Phúc. Quý bà, quý cô lại thích thung dung trên một xe song mã hoặc điệu đà trên lưng ngựa hồng, dong bên chàng giám mã tận tụy.
Những đôi bạn tri kỷ có khi lại thích ngồi bê nhau bên hàng cây bu-lô trắng quanh hồ nước xanh mát hoặc cùng nhau trên chiếc thuyền nhỏ gác chèo buông trôi theo dòng chảy từ thác nước Shirado...
Sân quần vợt trong khu Karuizaoa |
Du lịch đến Karuizaoa, không chỉ là nghỉ dưỡng mà trở thành nhu cầu thể hiện sự thanh lịch, phong lưu, biết đời. Họ cũng đến đây để chơi gôn, chơi quần vợt (mà đặc biệt là được chơi quần vợt trên sân mà Hoàng thái tử và tiểu thư Shdda Michico đã qua); để trượt tuyết, trượt băng vào mùa đông, và đi mua sắm cả bốn mùa.
Khu vực Karuizaoa ginza cũ trở thành trung tâm mua sắm. Chỉ một đoạn đường chưa đầy một ki-lô-mét bằng cỡ phố Tràng Tiền ở Hà Nội mà có tới 500 cửa hàng quần áo thời trang, hàng quà lưu niệm, đồ trang sức và nhà hàng; lại có cả cửa hàng đồ gỗ trạm trổ theo phong cách Karuizaoa, sẽ làm sang thêm cho những phòng trà, phòng khách thượng lưu. Karuizaoa trở thành thương hiệu đầy hấp dẫn: Bánh ngọt, cà phê Karuizaoa mới là thơm ngon, mới là sang. Mứt trái cây phải mua ở đây cơ; bánh mì Karuizaoa "ngon đến mức" phải xếp hàng mới mua được, và hàng trăm thứ hàng đều phải "mết-đờ in" Karuizaoa mới sang mới quý.
Trung tâm mua sắm Hoàng Tử Plaza |
Trung tâm mua sắm Hoàng Tử Plaza mới khai trương lúc nào cũng nườm nượp trai thanh, gái lịch từ thủ đô Tokyo lên, từ các nơi khác về trong những chuyến du lịch trong ngày. Mua sắm cho mình, mua làm quà tặng, quà biếu cho sang trọng và mới là quý phái. Du lịch shopping đang là thú thời thượng mà.
Người Nhật Bản ngày nay không chỉ chúi vào công việc, họ quan tâm nhiều hơn đến nghỉ ngơi, du lịch. Chẳng thế mà năm 2007 có tới 17,1 triệu người Nhật du lịch ra nước ngoài và cũng đón 9,3 triệu khách đến thăm Nhật Bản.
Theo 24h