Nhiều loại mẫu có thể sử dụng để xét nghiệm như máu, tóc, móng tay, răng, niêm mạc miệng. Ảnh minh hoạ: Chí Hiếu. |
Anh Trần Chung và chị Nguyễn Hồng (40 tuổi, Hà Nội) kết hôn được 4 năm, có một cô con gái 3 tuổi. Trước khi đến với anh Chung, chị Hồng có quan hệ tình cảm với giám đốc nơi cô làm việc.
Biết rõ về quá khứ của bạn gái, mặc cho gia đình và bạn bè cấm cản, anh Chung vẫn một mực muốn tiến tới hôn nhân cùng chị Hồng. Cuộc sống những năm đầu hôn nhân của họ hạnh phúc, sau giờ làm, anh Chung dành toàn bộ thời gian cho vợ con, chị Hồng cũng hết mình chăm chút, vun vén cho tổ ấm nhỏ.
Gần đây, anh Chung thấy vợ thường xuyên đi làm về muộn. Một lần anh vô tình đọc tin nhắn tình tứ của vợ và giám đốc, cho rằng hai người vẫn thường xuyên qua lại và mối quan hệ tình cảm trước đó chưa dứt, anh Chung vặn hỏi thì người vợ liên tục khẳng định không có điều gì giấu giếm hay phản bội chồng con.
Thấy chồng nghi ngờ, người vợ còn nói anh có thể xét nghiệm ADN để tìm câu trả lời về mối quan hệ huyết thống giữa con và chồng. Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh lấy tóc của con và mình đi làm xét nghiệm ADN. Vì có việc đột xuất, anh bảo vợ mang mẫu xét nghiệm tới trung tâm. Kết quả ghi trong tờ xét nghiệm khẳng định 2 mẫu giám định quan hệ huyết thống cha - con.
Không tin vào kết quả giám định, anh Chung trực tiếp dẫn con gái đến trung tâm phân tích di truyền để xét nghiệm. Khi nhân viên tư vấn hỏi, người chồng thừa nhận đã xem kết quả nhưng không tin, nghi vợ đổi mẫu. Anh muốn trực tiếp làm xét nghiệm, lấy mẫu. Anh Chung chọn giám định nhanh nhất trong 4 giờ. Kết quả hoàn toàn ngược lại với lần xét nghiệm trước đó. Mẫu giám định không cùng huyết thống.
Mang tờ xét nghiệm về đối chất với vợ, người phụ nữ ân hận và xin tha thứ, thừa nhận trẻ là con của mình và người giám đốc. Nghe vợ thú tội, anh Chung không thể bỏ qua khi vợ phản bội.
Anh Chung đến xin mẫu xét nghiệm bổ sung hồ sơ để ly hôn. Anh cũng chia sẻ với nhân viên giám định do vợ đổi mẫu tóc của anh và giám đốc nên bản thân phải xét nghiệm thêm để khẳng định.
Theo bà Nguyễn Thị Nga , Giám đốc Trung tâm giám định AND và công nghệ di truyền Hà Nội, trước khi trả kết quả lần 2, chị Hồng chạy tới trung tâm trước chồng để xin trung tâm sửa chữa kết quả. Người phụ nữ khóc như mưa kể lại thời điểm thụ thai, cô quan hệ với chồng và vị giám đốc.
Người phụ nữ cũng cầu xin trung tâm không nói cho anh Chung biết kết quả, nhưng các cán bộ trung tâm xét nghiệm không được phép làm sai sự thật.
Theo bà Nga, điều người chồng khó vượt qua nhất đó là biết đứa con anh yêu quý suốt 3 năm nay không phải con ruột của mình. Khi nhận tờ kết quả, anh vẫn hy vọng đứa trẻ là con mình, bởi với anh con gái là tất cả.
20 năm làm về lĩnh vực này, bà Nga chứng kiến nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười đằng sau tờ xét nghiệm ADN. Trường hợp của đôi vợ chồng trên không phải là hiếm gặp.
Có những cặp đôi họ tìm tới trung tâm sau thời gian dài mâu thuẫn, nghi ngờ huyết thống con cái. Trước khi ra toà ly hôn họ đều mong muốn tìm thêm sự thật và kết quả ADN chỉ là thủ tục kết thúc cuộc hôn nhân không chung thủy.
Đối mặt với sự vỡ mộng trong tình yêu
Truyện cổ tích khiến bạn tin rằng nếu bạn tìm được đúng ý trung nhân và cho anh ta thứ anh muốn thì anh ta sẽ yêu thương bạn mãi mãi. Nhưng thực tế không như thế. Trong cuốn sách Gửi người yêu dấu, tác giả khám phá từng khía cạnh của những ái ân về mặt tinh thần trong thói quen của nữ giới, từ bản năng, chuyện chăn gối đến gia đình, sự nghiệp, cảm xúc, niềm tin và sự cam kết.