Giang Mân Huệ giành được huy chương vàng đầu tiên cho Hong Kong. Ảnh: SF&OC. |
Tối 27/7 (giờ địa phương), vận động viên Giang Mân Huệ, hay còn gọi là Vivian Kong, khiến khán giả bất ngờ với màn lội ngược dòng ngoạn mục để giành huy chương vàng trong trận chung kết đấu kiếm ba cạnh nữ cá nhân với tỷ số 13:12 trước vận động viên người Pháp Auriane Mallo. Qua đó, cô giúp Hong Kong (Trung Quốc) giành được huy chương vàng đầu tiên tại Olympic Paris năm 2024.
Sau trận chung kết, tiểu sử của nữ vận động viên nhanh chóng được tìm lại. Nhiều người ngạc nhiên khi biết bên cạnh khả năng chơi thể thao vượt trội, Giang Mân Huệ cũng là gương mặt nổi bật trong học tập với thành tích xuất chúng.
Tham gia huấn luyện năm 11 tuổi
Theo Headline Daily, Giang Mân Huệ sinh năm 1994, theo cha mẹ di cư đến Canada khi mới 2 tuổi. 4 năm sau, gia đình trở về Hong Kong và cô được cho theo học tại Sha Tin College - một trường quốc tế lâu đời tại địa phương.
Mân Huệ là con gái duy nhất của cha mẹ nên cô nhận được rất nhiều kỳ vọng, đặc biệt là từ mẹ.
Mẹ của Mân Huệ muốn con gái trở thành một cô gái thanh lịch nên quyết định cho con đi học múa ba lê. Tuy nhiên, Mân Huệ không thích ba lê vì bộ môn này "rất đau". Mỗi lần phải đến lớp học múa, cô đều khóc và không chịu đi học.
Giang Mân Huệ được cha mẹ cho theo học nhiều bộ môn khác nhau. Ảnh: Vmwkong. |
Sau đó, cô gái sinh năm 1994 nhìn thấy lớp học taekwondo cạnh phòng tập ba lê nên muốn xin mẹ học võ. Dù bất đắc dĩ, mẹ của Mân Huệ vẫn tôn trọng mong muốn của con.
Nhớ lại những lần cãi nhau với cha mẹ khi còn nhỏ, Giang Mân Huệ thừa nhận rằng cô từng cố tình khiến phụ huy thất vọng 3 lần. Lần đầu tiên liên quan việc học ba lê.
"Mẹ muốn tôi trở thành vũ công ba lê, nhưng tôi đã phá tan ước mơ đó của bà", chủ nhân huy chương vàng Olympic kể lại.
Dù con gái đi ngược với mong muốn của mình, cha mẹ của Giang Mân Huệ không hề thất vọng về con. Ngược lại, họ đề cao phương pháp giáo dục khai sáng và tôn trọng những sở thích, lựa chọn của con gái. Nhờ đó, Mân Huệ thuận lợi phát triển tài năng và trở thành "nữ hoàng đấu kiếm" của Hong Kong, theo tờ Ta Kung Pao.
Bên cạnh học taekwondo, Mân Huệ được mẹ cho học thêm những bộ môn khác như trượt băng nghệ thuật, đàn tranh, vẽ tranh. Học trượt băng trong 6 năm nhưng đến năm 10 tuổi, Mân Huệ mới tìm ra đam mê thực sự của mình là đấu kiếm.
Cha của nữ vận động viên nói rằng đấu kiếm chính là "vở ba lê của những môn thể thao chiến đấu". Cũng nhờ học ba lê và taekwondo trong nhiều năm, Mân Huệ có thêm lợi thế khi học đấu kiếm vì đạt được tốc độ cao của taekwondo và có những động tác uyển chuyển như ba lê.
Dưới sự khai sáng của huấn luyện viên đội tuyển Hong Kong vào thời điểm đó, Mân Huệ say mê đấu kiếm ngay lần đầu tiên tiếp xúc. Cô cũng được huấn luyện viên phát hiện có năng khiếu ở bộ môn này nên quyết định sắp xếp để cô huấn luyện bài bản.
Năm 11 tuổi, Giang Mân Huệ chính thức được đào tạo bộ môn đấu kiếm 3 cạnh nữ đơn. Nhờ lợi thế về chiều cao và tính cách ngoan cường, không chịu khuất phục, đến năm 13 tuổi, cô giành chức vô định môn đấu kiếm tại Giải vô địch tài năng trẻ toàn quốc năm 2007.
Thành tích học tập ấn tượng
Dù bận rộn với việc luyện tập và thi đấu, Giang Mân Huệ của những năm đó vẫn không hề lơ là chuyện học. Chia sẻ với báo chí, nữ vận động viên cho biết cô rất nghiêm túc với việc đọc sách và chơi thể thao vì cả hai đều mang lại cho cô cảm giác thành công.
Sau giờ học ở trường, mân Huệ sẽ nghiêm túc luyện tập đấu kiếm rồi ngay lập tức về nhà để làm bài tập. Nhiều khi, cô phải dậy từ 5h để tiếp tục làm bài tập vì khối lượng bài vở quá nhiều.
Những lần ra nước ngoài thi đấu, cô gái trẻ vẫn mang theo sách vở để làm bài tập, thậm chí tranh thủ ôn bài trên máy bay.
Kết quả, Giang Mân Huệ đạt 41/45 điểm trong bài thi tú tài quốc tế (IB), sau đó được nhận vào ngành Quan hệ quốc tế của Đại học Stanford (Mỹ).
Giang Mân Huệ có thành tích học tập ấn tượng và từng đạt điểm rất cao trong kỳ thi tú tài quốc tế. Ảnh: Vmwkong. |
Nói về lý do chọn học ngành Quan hệ quốc tế ở Đại học Stanford, Giang Mân Huệ nói rằng ngành học này có thể giúp cô khi tham gia thi đấu môn đấu kiếm.
Cụ thể, cô hy vọng những kiến thức về quan hệ quốc tế được dạy ở trường đại học sẽ giúp cô áp dụng được khi ra nước ngoài thi đấu, giao lưu với vận động viên nước khác. Thậm chí, cô từng bày tỏ hy vọng được gia nhập Liên Hợp Quốc và muốn đến thăm văn phòng của tổ chức này tại Thụy Sĩ.
Tốt nghiệp Stanford với tấm bằng cử nhân, nữ vận động viên tiếp tục theo học thạc sĩ Luật tại trường Luật thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc. Đến tháng 9/2021, cô theo học chương trình tiến sĩ Luật tại Đại học Trung văn Hong Kong.
Nữ vận động viên cho biết trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Tokyo được tổ chức vào năm 2021, cô vừa phải luyện tập vừa phải làm luận án tốt nghiệp thạc sĩ trong tình trạng rất căng thẳng.
Giáo sư Mộ Vu Xuyên, người trực tiếp hướng dẫn Giang Mẫn Huệ trong thời gian làm luận án thạc sĩ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết cô là một người rất chăm chỉ và kỷ luật.
"Mẫn Huệ có tính kỷ luật, tự giác rất cao, em ấy cũng tự đặt ra những yêu cầu rất khắt khe cho bản thân. Trong tương lai, tôi hy vọng em ấy tiếp tục chăm chỉ hướng đến những mục tiêu của bản thân và đạt được nhiều thành tựu đột phá hơn nữa", giáo sư Mộ Vu Xuyên nói với Xinhua.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.