Sau khi ăn khoảng 2 giờ, nữ bệnh nhân bắt đầu xuất hiện buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày có lẫn thức ăn, kèm theo đau bụng âm ỉ quanh rốn, đi ngoài phân lỏng, rối loạn tiểu tiện.
Chị được đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) trong tình trạng môi khô, lưỡi bẩn, đau bụng nhiều, nôn ra dịch dày dày, sốt cao (38 độ C), huyết áp thấp.
May mắn, người bệnh vào bệnh viện sớm nên đã được khám chẩn đoán, điều trị và chăm sóc kịp thời, tình trạng sức khỏe ổn định.
Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thức ăn, may mắn tình trạng không nghiêm trọng. Ảnh: BVCC. |
Gần đây, tại khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, liên tiếp tiếp nhận nhiều ca bệnh bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn.
Theo TS đại tá Nguyễn Đăng Mạnh, nhiễm khuẩn nhiễm độc ăn uống là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường tiêu hoá.
Bệnh cảnh lâm sàng chính là hội chứng viêm dạ dày, tiểu tràng cấp tính. Bệnh thường khởi phát đột ngột sau khi ăn phải thức ăn đã bị ô nhiễm bởi vi sinh vật gây bệnh hoặc độc tố của chúng.
Những thức ăn này có nguồn gốc động vật bị ô nhiễm Salmonella như thịt, đặc biệt thịt tái, sống, sữa, trứng (gà, vịt), trai, sò, hến nấu chưa chín...
Người bệnh cũng có thể bị ngộ độc khi dùng rau sống, hoa quả, nước uống bị nhiễm Salmonella bởi phân người và súc vật.
Để phòng bệnh, bác sĩ Mạnh khuyến cáo người dân chỉ ăn thực phẩm cần nấu chín, đun sôi; vệ sinh dụng cụ ăn uống trước và sau khi sử dụng; rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc cầm nắm vào vật ô nhiễm.
Ngoài ra, mọi người nên chế biến, bảo quản thực phẩm đúng cách, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng, hạn bảo quản.
Người dân cũng không nên để người mang khuẩn (đang mắc bệnh, nghi ngờ mắc) làm việc ở khu vực chế biến, đóng gói thực phẩm, đồ chơi trẻ em. Những người bị viêm mũi xoang, mũi họng không nên làm nghề chế biến thực phẩm hoặc nấu ăn...
Khi bị nhiễm khuẩn nhiễm độc, bệnh nhân cần được bù nước, điện giải bị mất; chỉ truyền dịch khi không uống được, nôn nhiều, mất dịch điện giải nặng.
Nếu tình trạng nặng hơn, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Làm thế nào để tránh cho con bạn không bị bỏng, điện giật? Biện pháp nào giúp bảo vệ đường ruột của trẻ? Hay trẻ nhỏ có bị đau nhức xương như người lớn hay không?... Đây là những băn khoăn phổ biến mà mọi cha mẹ đều quan tâm.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Ngoài ra, cuốn sách tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.