Từ thành công của “Ngày nảy ngày nay”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, Ngô Thanh Vân đang nuôi trong mình ước mơ xây dựng một vũ trụ nhuốm màu cổ tích cho nền điện ảnh nước nhà.
- Là một người mẫu, chuyển sang ca hát nhưng lại thành công hơn cả với điện ảnh, chị có cho rằng mình mất khá nhiều năm thanh xuân để tìm hướng đi đúng?
- Nhìn lại những năm tháng tuổi trẻ, tôi không tiếc hay nghĩ “giá như mình đến với diễn xuất sớm hơn”. Đâu ai biết liệu ngày ấy khởi nghiệp diễn viên, liệu tôi có được như bây giờ? Tôi rất xem trọng chữ duyên. Mọi trải nghiệm đều là sự chuẩn bị cho đích đến. Tôi ít khi nhìn các công việc người mẫu, ca hát hay diễn viên, đạo diễn dưới góc độ tách biệt bởi suy cho cùng chúng đều là những ngành nghệ thuật mang đến các kỹ năng cần thiết cho một diễn viên.
Ở khía cạnh khác, tôi coi cuộc đời là một hành trình thay đổi và trưởng thành không ngừng. Ngô Thanh Vân của vài năm trước luôn gắn liền với hình ảnh đả nữ, nay nỗ lực làm tốt vai trò đạo diễn, nhà sản xuất. Từ những ngày đầu bén duyên điện ảnh, giờ tôi mang thêm khát khao nâng tầm điện ảnh Việt, đưa những thước phim của chúng ta ra thế giới.
- Từng tuyên bố “Hai Phượng” sẽ là dự án hành động cuối cùng mình tham gia diễn xuất trước khi chuyển hẳn sang làm sản xuất. Có phải đóng phim hành động cùng các chấn thương liên tiếp khiến chị đuối sức?
- Tôi vẫn đang duy trì vai trò diễn viên và nhà sản xuất song song. Tuy nhiên, tôi muốn thực sự chuyên tâm vào sản xuất phim trong thời gian tới. Những chấn thương khi đóng phim hành động không chỉ tôi mà bất cứ diễn viên nào cũng gặp phải. Nhưng do tôi muốn được trực tiếp thực hiện những pha mạo hiểm đó để có được đầy đủ cảm xúc cho nhân vật và mang đến những thước phim chân thật nhất cho khán giả.
- Chạm ngõ điện ảnh với vai trò diễn viên nhưng lại thích sản xuất phim hơn, nhiều khán giả cho rằng chị đã chán bị chỉ đạo và muốn trở thành người đưa ra quyết định. Chị nghĩ sao về điều này?
- Khi thật sự đam mê điện ảnh, bạn sẽ muốn tạo ra những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân hơn là gói gọn trong nhân vật. Bản thân tôi cũng đã trải qua nhiều vai trò diễn viên, đạo diễn, dựng phim... trước khi đến với sản xuất phim như hiện tại. Thời điểm này, tôi đã có cái nhìn xa rộng hơn về một tham vọng điện ảnh mà tôi ao ước và toàn tâm cống hiến cho nó.
- Có tài có sắc, sao chị không xây dựng hình ảnh một diễn viên sáng giá mà lại muốn lấn sân sang công việc đạo diễn, sản xuất phim?
- Tôi là người thích trải nghiệm và không muốn đóng khung bản thân trong một vai trò nhất định. Diễn xuất là sự nghiệp, là đam mê nhưng không phải đích đến cuối cùng của Ngô Thanh Vân. Cái tôi muốn là những trải nghiệm điện ảnh đủ sức lay động trái tim hàng triệu khán giả, đủ khiến người Việt thấy tự hào trước bạn bè quốc tế.
Nhan sắc rồi cũng sẽ phai theo thời gian, nhưng khát khao tái định nghĩa trải nghiệm điện ảnh, nỗ lực làm điều không thể cùng những bộ phim đậm chất Việt Nam nhưng mang tầm vóc thế giới sẽ là thứ khiến công chúng sau này nhớ về Ngô Thanh Vân.
- So sánh giữa vai trò diễn viên và nhà sản xuất phim, chị cảm thấy áp lực mỗi bên ra sao?
- Khác với nghề công sở, công việc của diễn viên khi thì dồn dập, lúc lại ngồi chơi xơi nước. Người diễn viên cần ý chí quyết tâm, khả năng tưởng tượng và biểu hiện xúc cảm tốt, chủ động sáng tạo, ứng biến linh hoạt, có khả năng làm việc dưới áp lực lớn. Những điều tôi kể trên chỉ là một phần nhỏ thôi, nhưng cũng đủ để hình dung áp lực ra sao.
Còn đối với nghề làm phim, bạn cần chú trọng câu chuyện, nhân vật và quan trọng nhất vẫn là diễn xuất của diễn viên. Diễn xuất thu hút sẽ giúp bộ phim đáng nhớ, truyền tải được cốt truyện. Nếu diễn xuất áp lực một thì làm phim áp lực 10 vì mình cần làm chủ tất cả, từ tạo dựng câu chuyện, chọn diễn viên, tạo cảm xúc, diễn biến tâm lý và đưa ra cách diễn cho từng nhân vật.
- Vừa làm nhà sản xuất, vừa đóng chính trong Hai Phượng, chị làm thế nào để vẹn cả đôi đường?
- “Hai Phượng” không phải phim đầu tiên tôi kiêm nhiệm cả hai vai trò diễn viên và nhà sản xuất. Tuy nhiên, vai diễn này đòi hỏi đầu tư rất nhiều vào diễn xuất và võ thuật, nên việc chạy đua với thời gian để đảm bảo tiến độ là thách thức đáng kể.
Việc đa nhiệm và tối ưu thời gian là kỹ năng tối cần thiết. Đó là lý do mọi người luôn thấy tôi ôm chặt điện thoại mỗi lúc bước vào phim trường. Khi không có cảnh quay, tôi có thể dùng điện thoại check mail trao đổi công việc, kiểm tra báo cáo tiến độ... Lúc bước vào cảnh quay thì điện thoại được giao cho trợ lý để ghi lại từng phân đoạn có tôi.
Bạn biết đấy, không cách nào cải thiện diễn xuất tốt bằng trực tiếp xem lại phần diễn của mình. Chỉ với một chiếc điện thoại như Galaxy S9+, tôi có thể thoải mái chụp ảnh hậu trường, thậm chí quay slo-mo chậm gấp 4 lần điện thoại thông thường. Tôi và ê-kíp thường theo dõi lại quá trình tập, độ chính xác và đẹp mắt của động tác qua những video được quay trên điện thoại này.
- Có mặt trong nhiều cột mốc của điện ảnh kinh tế thị trường 10 năm qua, chị thấy điện ảnh Việt đã những thay đổi đáng kể nào?
- Trong một thập kỷ qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến nhanh chóng cả về chất và lượng. Kinh phí đầu tư cho điện ảnh đang ngày một nhiều. Số lượng đơn vị tư nhân tham gia vào cuộc chơi này cũng không ít. Chúng ta đã có những bộ phim nghệ thuật đạt giải uy tín, cũng có phim giải trí tạo được kỷ lục phòng vé. Mặc dù chưa thể lạc quan nói rằng điện ảnh Việt đã đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực và quốc tế, nhưng nhìn chung đây là những tín hiệu rất đáng mừng.
- Theo chị cái khó nhất của thị trường điện ảnh Việt ở thời điểm hiện tại là gì?
- Khi sự thành công là cộng hưởng từ vô vàn yếu tố như chủ đề phim, cái tên phòng vé đến khả năng thương lượng của nhà phát hành, những toan tính trong kế hoạch của bạn thật sự chỉ còn chiếm một phần rất nhỏ trong khả năng chiến thắng của sản phẩm điện ảnh.
Không những thế, khi thị hiếu khán giả thay đổi theo từng ngày thì việc chạy theo và đón đầu xu hướng ngày càng khó hơn. Nhưng tôi vẫn tin nếu làm nghề bằng sự nhiệt huyết và cái tâm thì khán giả sẽ vẫn dành chút tình cảm cho những sản phẩm của mình.
- Nỗ lực đưa điện ảnh Việt ra ngoài biên giới nhưng chính chị cũng từng thừa nhận cơ hội cho diễn viên Việt nói riêng và châu Á nói chung ở những thị trường lớn là rất ít?
- Trước khi tính đến chuyện bước ra thế giới, chúng ta phải làm sao để điện ảnh trong nước thực sự trở thành một ngành công nghiệp có sức cạnh tranh cao. Làm sao để người Việt có thói quen ủng hộ điện ảnh Việt. Lúc ấy, chính khán giả sẽ làm nhiệm vụ sàng lọc những tác phẩm và diễn viên có chất lượng.
Dàn diễn viên chất lượng ấy sẽ là những nhân tố giúp ta tiến xa trên trường quốc tế. Nhìn sang các nước châu Á, chúng ta thấy họ đang từng bước chinh phục Hollywood. Trung Quốc với thị phần khổng lồ đang giúp diễn viên nước họ được ưu ái xuất hiện trong các dự án bom tấn.
Hàn Quốc, Nhật Bản sở hữu những ngôi sao có tầm ảnh hưởng toàn cầu cũng bắt đầu hành trình chinh phục thế giới. Với chúng ta, đó tuy là giấc mơ nhưng tôi tin có thể thực hiện được.
- Vừa trở về từ chợ phim Cannes (Mache du Film), chị chia sẻ trên trang cá nhân rằng “Lợi ích của việc đi là để lấy thực tế điều chỉnh trí tưởng tượng”. Chị đã điều chỉnh được những gì và có cho mình những ý tưởng mới nào?
- Điện ảnh thế giới đang phát triển không ngừng, nhất là khi có sự giúp sức của công nghệ. Bạn có thể đọc tin tức ở nhà và nghĩ rằng thế giới đang làm phim theo trào lưu A, phong cách B, đã có thể đạt đến trình độ kỹ xảo C. Nhưng có thâm nhập thực tế, bạn mới biết nó còn chuyên nghiệp và quy mô hơn rất nhiều lần. Có thể nói, họ đã làm điều không thể so với chúng ta.
Những lần chạm ngõ với nền công nghiệp điện ảnh quốc tế cho tôi cái nhìn toàn cảnh về từng công đoạn sản xuất, phát hành phim, đặc biệt là cách quảng bá phim. Các quốc gia phát triển không chỉ tổ chức họp báo, quảng bá qua các ấn phẩm tại rạp chiếu mà còn áp dụng nhiều phương thức tương tác như banner động trên đường, công cụ thực tế ảo, ứng dụng trên smartphone…
Tôi nghĩ đã đến lúc mình và ê-kíp nên tái định nghĩa trải nghiệm điện ảnh, không chỉ gói gọn trong nội dung phim mà còn phải mang nó vào cuộc sống theo những cách mới lạ hơn. Tôi khát khao một nền điện ảnh Việt đầy sống động và nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa.
- Nuôi nhiều hoài bão lớn, vậy mục của chị trong 5 năm tới là gì?
- Vì sống xa Việt Nam từ nhỏ nên khao khát điện ảnh hoá những giá trị truyền thống ngày càng lớn dần trong tôi. Tôi muốn xây dựng một vũ trụ cổ tích điện ảnh Việt Nam. Tôi cũng tin con đường kể những câu chuyện lịch sử tưởng như khô khan đó sẽ dễ dàng hơn qua phim ảnh. Giới trẻ sẽ đón nhận nhanh hơn; những người lớn sẽ có cơ hội sống lại tuổi thơ huy hoàng. Những câu chuyện cha ông xưa, những giá trị truyền thống văn hoá sẽ dần gũi và đẹp hơn trong mắt người Việt.
- Ý tưởng làm phim không dễ có được trong ngày một ngày hai. Đâu là nguồn cảm hứng cho chị?
- Đạo diễn là người biết kể chuyện bằng hình ảnh. Để làm được điều này chắc chắn phải giàu vốn sống, đặc biệt là cảm nhận sâu sắc về những điều xảy ra xung quanh dù giản dị nhất, rồi biến chúng thành câu chuyện độc đáo.
Bằng một cách đơn giản như bao người, tôi dùng smartphone để lưu lại những sự việc thường ngày. Camera khẩu độ kép f/1.5 - f/2.4 trên Galaxy S9+ giúp tôi lưu lại những hình ảnh đẹp, từ đó gột tả được câu chuyện hay qua mỗi khung cảnh. Có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ, nhưng những hình ảnh đời thường đó lại là chất liệu quý tạo dựng câu chuyện hay trong nghề làm phim của tôi.
- Là một nhà làm phim, hẳn chị yêu cầu khá cao về tính năng quay, chụp trên chiếc Galaxy S9+ mình đang sở hữu?
- Sở dĩ tôi chọn Galaxy S9+ bởi ống kính khẩu độ kép có thể chụp ảnh, quay video cả khi nắng gắt hay trong bóng đêm. Điều mà tôi tâm đắc chính là khả năng tùy chỉnh khẩu độ theo điều kiện ánh sáng, giúp tôi thao tác linh hoạt không kém máy chuyên nghiệp.
Tính năng quay phim siêu chậm lên đến 960 khung hình/giây của máy cũng hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc tận dụng những góc quay thử. Đây chính là điều kiện đủ để tôi thực sự hài lòng về chiếc điện thoại của mình.
- Các cảnh hành động thường diễn ra với tiết tấu nhanh, nhưng cũng có những phân cảnh đẹp mắt cần có tốc độ siêu chậm (super slow-motion). Chị đánh giá sao về tầm quan trọng của slow motion trong phim hành động?
- Slow motion là một “đặc sản” của phim hành động. Sau hàng loạt cảnh võ thuật vun vút, một cú đá đẹp mắt hay đường bay của viên đạn được quay siêu chậm sẽ khiến khán giả nín thở sau đó vỡ oà cảm xúc. Chưa kể việc quay siêu chậm còn có thể hé lộ những cú plot twist (tình tiết bất ngờ không thể đoán trước - PV).
Việc thấy những khoảnh khắc khó ghi lại bằng mắt thường bao giờ cũng để lại ấn tượng mạnh. Tuy nhiên đây có thể là con dao hai lưỡi khiến mạch phim lê thê nếu lạm dụng. Do đó trong quá trình quay, tôi vẫn thường sử dụng Galaxy S9+ để ghi lại các động tác siêu chậm, sau đó chọn ra chi tiết đắt giá nhất để sử dụng trong phim.
- Ngoài lưu giữ khoảnh khắc để làm chất liệu phim ảnh, Galaxy S9+ còn hỗ trợ chị ra sao trong cuộc sống bận rộn?
- Galaxy S9+ dường như trở thành thiết bị đồng hành cùng tôi trong hầu hết hoạt động thường ngày. Từ việc bắt khoảnh khắc đời thường và khai phá ý tưởng, đến chụp ảnh hậu trường để lưu giữ hành trình lao động gian nan của chính mình. Có nhiều hôm làm việc khuya và muốn chụp lại bối cảnh hiu hắt vài ánh đèn trong đêm, chiếc Galaxy S9+ thực sự tỏa sáng.
- Vậy với chị, con người hay công nghệ mới là thứ quyết định sự thành bại của một nền công nghiệp điện ảnh còn non trẻ như tại Việt Nam?
- Bạn sẽ không thể tạo nên những câu chuyện lay động cảm xúc nếu thiếu óc sáng tạo của biên kịch, sự tinh tế của đạo diễn hay sự nhạy bén của diễn viên. Với một nền điện ảnh non trẻ như Việt Nam, khi các câu chuyện trên phim vẫn bị chính khán giả trong nước chê là mang nặng tính kịch, thiếu chiều sâu và có phần dễ dãi thì vai trò của con người là không thể bàn cãi.
Tuy nhiên, bạn cũng không thể tạo nên một thế giới diệu kỳ, khác biệt hoàn toàn với thực tại nếu thiếu sự giúp sức của công nghệ. Thiếu công nghệ, người xem sẽ không có trải nghiệm điện ảnh phong phú và ấn tượng như hiện nay. Có thể nói, con người làm nên nội dung, còn công nghệ làm nên thẩm mỹ cho một tác phẩm.