Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngôi nhà của tình thầy trò

Biết được hoàn cảnh khó khăn của thầy Phạm Khắc Ngữ (62 tuổi, ngụ xã Trung An, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), nhóm học trò cũ đã cùng nhau góp tiền xây lại căn nhà cho thầy.

Phóng viên liên hệ với những học trò của thầy Ngữ nhưng ai cũng từ chối khéo, xin không nói về việc góp tiền xây nhà cho thầy.

Tình cảm của trò

Ngay cả thầy Ngữ cũng không nhớ nhiều về những học trò góp tiền xây nhà cho mình. Bởi vì, theo thầy Ngữ, khi còn đứng lớp thầy đã đối xử với học trò một cách công bằng, mỗi học trò đều được đối xử như nhau. Với ai ông cũng đem hết trí tuệ, lòng yêu nghề, tình yêu thương học trò ra truyền đạt kiến thức mà không nghĩ phải ưu ái em này, bỏ bê em khác.

Thầy Phạm Khắc Ngữ (trái) trước căn nhà đang được hoàn thiện.
Thầy Phạm Khắc Ngữ (trái) trước căn nhà đang được hoàn thiện.

Cuộc đời làm giáo viên của thầy Ngữ chỉ có 14 năm tại trường THCS Hòa Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Trong những năm dạy học, bằng kiến thức thiên bẩm về môn toán, ông đã đem hết tâm sức để truyền đạt cho học trò.

Thầy Ngữ nói: “Mọi người với quan điểm là không nên phạt, đánh học trò nhưng tôi thì có quan điểm của riêng mình. Tôi chỉ đét vào mông trò một lần, mỗi lần 1-2 roi và không bao giờ đét học trò vì các em không thuộc bài. Tôi chỉ đét khi các em giỡn trong lớp vì như thế là không tôn trọng bạn bè. Trong lúc bạn bè đang tiếp thu kiến thức, mình không học thì cũng không nên làm phiền các bạn. Thầy đét cũng như cha đánh. Cha đánh con cha cũng đau nhưng phải đánh và nói để con hiểu mình phạm lỗi gì”.

Vì cuộc mưu sinh khiến thầy Ngữ phải sớm rời bục giảng, rày đây mai đó, hết tỉnh này đến tỉnh khác, cả gia đình thầy đi tìm kế sinh nhai. Đến khoảng năm 2000, thầy trở về quê nhà là TP Mỹ Tho sinh sống. Năm vừa rồi, trong dịp tình cờ về dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường, thầy Ngữ gặp lại một số học trò cũ.

“Thầy trò có trao đổi, rồi các em cũng xin số điện thoại của tui và hỏi thăm cuộc sống. Không lâu sau thì các em đến nhà tui chơi vài lần. Cách đây vài tháng, các em mới trình bày ý định sẽ xây nhà cho tui. Quan điểm của tui là “Hữu bất từ, vô bất trách”, nên không từ chối các em nhưng cũng không xin gì thêm. Cái nào góp được thì tôi góp, không phải cái gì cũng trông chờ vào học trò” - thầy Ngữ tâm sự.

Cái tâm của người thầy

Chia sẻ về việc làm hiếu nghĩa của các học trò, thầy Ngữ trầm tư nói: “Dân tộc Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo rất sâu sắc. Cho dù bây giờ xã hội có nhiều thay đổi, nhưng ẩn chứa trong sâu thẳm trái tim con người vẫn in dấu hình ảnh người thầy một cách trân trọng. Với mỗi người khác nhau thì biểu hiện tôn trọng thầy khác nhau. Có người nhớ tên thầy và những kỷ niệm về người thầy mấy chục năm trước. Có người ra đường gặp thầy thì gật đầu chào. Có người tìm về thăm thầy nhân ngày 20/11. Và cũng có những học trò thành đạt tìm giúp thầy còn khó khăn... Tất cả những biểu hiện ứng xử đó đều là tôn sư trọng đạo. Người thầy khi đón nhận những tình cảm ấy đều rất vui, rất hạnh phúc”.

Làm thầy, niềm vui lớn nhất là truyền đạt hết kiến thức và tình yêu thương con người cho học trò, được nhìn thấy học trò lớn lên, trưởng thành, thành công và thành nhân. Không người thầy nào nghĩ và mong rằng học trò mình sau này thành công sẽ nhớ ơn hay trở lại đền ơn cả. Vì thế, khi những học trò xưa tìm về giúp thầy Ngữ có được căn nhà lành lặn che nắng, che mưa những năm tháng tuổi già đã làm thầy thật sự xúc động. Và từ việc làm này, ông tin trong xã hội bộn bề hôm nay, tình cảm thầy trò vẫn luôn có một giá trị nhất định và vẫn luôn tồn tại trong sâu thẳm mỗi con người.

“Không phải người thầy nào cũng được học trò nhớ và cũng không phải học trò nào cũng nhớ đến ơn thầy cô. Người thầy phải có cái tâm, luôn tôn trọng và cảm thông đối với học trò. Đó là cách để học trò gần với mình hơn, học được ở mình cả về kiến thức lẫn đạo đức nhiều hơn” - thầy Ngữ chia sẻ.

 

Trò... truyền nghề cho thầy

Thầy Ngữ cho biết những học sinh xây nhà cho thầy đều đã lớn, có người qua 40 tuổi và người nào cũng có cuộc sống, công việc ổn định. Biết thầy mê nghề ép, ương cá cảnh mà theo đuổi hàng chục năm không thành công, một trong những học trò xưa còn đem cả tâm huyết chỉ lại nghề ép cá lia thia để thầy mưu sinh. Thế là thành công, thầy Ngữ giờ có thêm nghề mới.

Thợ hồ cũng góp vào

“Ngôi nhà của tình thầy trò” có diện tích khoảng 60m2, được xây dựng trên nền nhà cũ. Trong đó có một phần diện tích phát sinh thêm và thầy Ngữ không bằng lòng để học trò bỏ thêm kinh phí làm. Hai con trai thầy đã góp tiền phụ thêm cho bố. Thầy Ngữ dự định phần nền nhà chính được lát gạch men, còn phần phát sinh chỉ để nền đất. Nhưng những thợ hồ đã đề nghị tráng ximăng với lý do: “Học trò không tiếc tiền xây cho thầy cả cái nhà thế này. Chúng tôi là chòm xóm tiếc chi mấy ngày công, mấy bao ximăng, thầy cứ để tụi tui mần cho sạch sẽ”.

 

 

http://tuoitre.vn/Giao-duc/604929/ngoi-nha-cua-tinh-thay-tro.html

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm