- Thạc sĩ Marketing tại Đại học Derby (Anh)
- Thạc sĩ Tâm lý học tại Đại học Coventry (Anh)
- Tiến sĩ Tâm lý giáo dục tại Đại học Victoria Wellington (New Zealand)
“Hẹn hò lâu thế rồi sao không cưới đi?”, “Yêu 9 năm mà không cưới là chia tay đấy”, hoặc “Sao cưới vội thế, mới quen được 5 tháng?” là vài trong số những lời nhận xét thường thấy về mối quan hệ tình cảm.
Thế nhưng, trên thực tế, thời gian yêu dài hay ngắn không phải thước đo cho sự sẵn sàng kết hôn của một cặp đôi.
Cùng với đó, một cuộc hôn nhân chỉ được xây dựng dựa trên cảm xúc lãng mạn sẽ khó có thể kéo dài lành mạnh, vui vẻ. Sự lãng mạn là một loại cảm xúc, mà cảm xúc lại thay đổi theo thời gian.
Nói cách khác, tình yêu hay thời gian hẹn hò chỉ là một trong những yếu tố để xây dựng nên một cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc. Ngoài những điều này, các cặp đôi cần có chung mục đích kết hôn và cùng chia sẻ một số giá trị hôn nhân quan trọng khác.
Và trên hết, chỉ có người trong cuộc mới có thể quyết định xem họ đã sẵn sàng bước vào hôn nhân hay chưa.
Một cuộc hôn nhân viên mãn cần nhiều hơn chỉ mỗi tình yêu lãng mạn. Ảnh minh họa: Freepik. |
Khi nào ta sẵn sàng cho hôn nhân?
Theo tôi, một cặp đôi chỉ nên tổ chức đám cưới khi đôi bên đều đã sẵn sàng, cũng như có chung quan điểm về hôn nhân. Dù sao, kết hôn cũng là một trong những dấu mốc quan trọng cuộc đời con người.
Đầu tiên, để cân nhắc xem cả hai đã sẵn sàng hay chưa, hãy cùng bạn đời tương lai của mình trả lời “Đồng ý” hoặc “Không đồng ý” cho những câu hỏi dưới đây:
- Bạn cảm thấy viên mãn, không thiếu bất cứ điều gì;
- Bạn không còn nhìn lại những mối quan hệ cũ;
- Bạn có sự ổn định tài chính;
- Bạn thấy hạnh phúc với con người mình ở hiện tại;
- Bạn biết những điều mình muốn và không muốn trong một mối quan hệ;
- Bạn đã sẵn sàng chia sẻ và cởi mở để giải quyết vấn đề;
- Kế hoạch tương lai của bạn sẽ có vợ/chồng mình ở trong đó;
- Bạn nghĩ về quãng đường đi cùng vợ/chồng mình hơn là chỉ một đám cưới thơ mộng, lãng mạn;
- Bạn cảm thấy an toàn khi nghĩ về bạn đời và cuộc sống hôn nhân với người đó.
Nếu câu trả lời của cả hai đều là “Đồng ý” cho tất cả 10 câu hỏi, cặp đôi có thể bắt đầu chuẩn bị cho chương mới cuộc đời cùng nhau rồi.
Tiếp theo, hãy xác định mình kết hôn với mục đích gì, và mục đích này phải thực tế và cụ thể. Nếu cả hai cùng chung mục đích kết hôn và quyết định thực hiện hóa chúng, hôn nhân mới có thể là nơi thuyền tình cập bến.
Ngược lại, nếu cặp đôi quyết định làm đám cưới mà chưa bàn đến mục đích cụ thể, hôn nhân có thể trở thành “nấm mồ của tình yêu”.
Ví dụ, bạn muốn xây dựng gia đình truyền thống và sinh con đẻ cái, nhưng đối phương lại cần một người đồng hành để cùng thỏa mơ ước “xê dịch”; hoặc cặp đôi chỉ coi việc kết hôn là bước kế tiếp cần thiết sau khi hẹn hò nhiều năm.
Hiện có 7 hình thức hôn nhân mà chúng ta có thể cân nhắc. Và đừng quên, hãy đảm bảo rằng đối phương cũng có suy nghĩ và mong muốn tương tự:
Hôn nhân truyền thống
Mô hình hôn nhân truyền thống có lẽ là mô hình quen thuộc nhất. Xuất phát từ một tình yêu lãng mạn, hai người tổ chức đám cưới và sống với nhau tới đầu bạc răng long.
Ở mô hình này, cặp đôi sẽ đồng hành và cùng chia sẻ nghĩa vụ tài chính. Mỗi người sẽ đảm nhận những trách nhiệm và nghĩa vụ truyền thống trong gia đình. Ví dụ, một người sẽ chuyên đi chợ nấu ăn còn người kia chuyên đưa đón con đi học.
Sự thành công của mô hình truyền thống được đánh giá dựa trên thời gian cặp đôi ở bên nhau và mức độ tận tâm của họ đối với những trách nhiệm, nghĩa vụ gắn với gia đình.
Thời gian bên nhau và mức độ tận tâm đối với gia đình là "thang đo" của hôn nhân truyền thống. Ảnh minh họa: macrovector/Freepik. |
Hôn nhân đồng hành
Mô hình hôn nhân đồng hành không đặt nặng vấn đề tình cảm lãng mạn hay chuyện con cái. Thay vào đó, họ coi vợ/chồng mình là một người bạn đồng hành, có thể cùng nhau trò chuyện, chia sẻ và làm những việc cả hai yêu thích.
Mô hình hôn nhân này phù hợp cho những cá nhân tin rằng tình yêu không phải là loại tình cảm duy nhất có thể dẫn đến hôn nhân. Với họ, hôn nhân sẽ ý nghĩa hơn nếu bạn đời là người hiểu mình, biết được ước mơ, mục tiêu và kế hoạch của mình, khuyến khích mình thực hiện những điều đó.
Hôn nhân bán thời gian
Mô hình hôn nhân part-time (bán thời gian) được cho là lý tưởng cho những người tái hôn hoặc đã quen lối sống độc thân, yêu tự do và coi trọng không gian cá nhân.
Ở mô hình này, cả hai vẫn sống chung một nhà, nhưng mỗi người sẽ có một không gian riêng, chẳng hạn hai phòng ngủ riêng biệt, để duy trì cuộc sống độc lập và sở thích cá nhân của mình. Một số khác có thể chọn sống tách biệt hẳn, như mỗi người sống ở hai căn nhà khác nhau trong cùng hoặc khác thành phố, thậm chí khác quốc gia.
Việc duy trì mối quan hệ khi hai người có khoảng cách địa lý đôi khi rất khó khăn. Tuy nhiên, mô hình hôn nhân part-time giúp họ giữ được bản sắc riêng, có không gian để phát triển bản thân và tránh được những nghĩa vụ gia đình thường thấy ở một cuộc hôn nhân truyền thống.
Nói cách khác, cặp đôi vẫn có thể có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, mà không cần phải hy sinh sự tự do cá nhân. Trong những năm gần đây, mô hình này trở nên phổ biến đối với người ở độ tuổi trung niên, đặc biệt là phụ nữ.
Hôn nhân vì con cái
Ở mô hình này, cặp phụ huynh sẽ cam kết duy trì mối quan hệ lâu dài để cùng nuôi dạy con cái, cung cấp cho chúng một môi trường gia đình ổn định và tình yêu thương từ cả hai người.
Những cặp đôi lựa chọn mô hình hôn nhân này thường cam kết ở bên cạnh nhau ít nhất cho đến khi con cái trưởng thành. Sau khi con cái có cuộc sống riêng, họ có thể quyết định tiếp tục sống cùng nhau hoặc chia tay.
Một cuộc hôn nhân mở phù hợp với những người không hài lòng với chế độ “một vợ, một chồng”. Ảnh minh họa: Nina Cosford. |
Hôn nhân vì tài chính
Một số người quyết định kết hôn vì nghĩ rằng hôn nhân sẽ giúp đôi bên tăng lợi thế về tài chính. Họ thường ưu tiên đầu tư thời gian và công sức để nâng cao lợi ích kinh tế hơn là phát triển tình cảm lãng mạn.
Thông thường, những người lựa chọn mô hình hôn này sẽ thiết lập hợp đồng tiền hôn nhân - nhằm quy định chế độ tài sản của cặp đôi trong suốt thời kỳ hôn nhân.
Do mô hình đặt quan hệ hợp tác tài chính làm trọng tâm, đa phần các cặp vợ chồng sau khi ly hôn sẽ vẫn giữ mối quan hệ tốt với nhau, thậm chí vẫn duy trì hợp tác kinh doanh nhưng theo một hình thức khác.
Hôn nhân mở
Mô hình hôn nhân mở phù hợp với những người không hài lòng với chế độ “một vợ, một chồng”. Họ muốn một cuộc hôn nhân ổn định trong khi có những người bạn tình khác.
Ở mô hình này, cá nhân được phép công khai hẹn hò người khác sau khi đạt được sự đồng thuận với bạn đời thông qua trao đổi thẳng thắn, cởi mở và đặt ra những quy tắc. Ví dụ, cặp đôi cam kết sẽ chỉ tìm bạn tình khi đi du lịch.
Điều quan trọng nhất để duy trì một hôn nhân mở lành mạnh là hai bên cần minh bạch thông tin với nhau và cam kết thực hiện nghiêm túc những quy tắc họ cùng đặt ra.
Hôn nhân "điểm xuất phát" (Hôn nhân vì lợi ích cá nhân)
Như tên gọi, một người bước vào cuộc hôn nhân vì lợi ích cá nhân, và chỉ coi bạn đời mình là “điểm xuất phát”. Do đó, họ sẽ tổ chức hôn lễ với người có khả năng đáp ứng nhu cầu của mình trong một thời điểm nhất định, chẳng hạn vì sự an toàn tài chính hoặc tình cảm.
Sau khi nhu cầu đã được đáp ứng đủ, họ sẽ ly dị, rồi tiếp tục kết hôn với người có thể đáp ứng nhu cầu của họ ở mức cao hơn.
Ví dụ, một người gặp khó khăn ở thời điểm lập nghiệp đã quyết định kết hôn với người có thể hỗ trợ họ cả về mặt tài chính lẫn quán xuyến gia đình. Sau khi đạt được những thành công nhất định, họ nhận thấy bạn đời không thể tiếp tục hỗ trợ trong sự nghiệp hoặc thậm chí gây cản trở, nên đi đến quyết định ly dị để có thể tái hôn với người mới có khả năng đáp ứng nhu cầu thăng tiến của họ.
Những giá trị của một cuộc hôn nhân lành mạnh
Bên cạnh tinh thần sẵn sàng và tìm ra chung mục đích kết hôn, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc chia sẻ chung giá trị hôn nhân. Như vậy, các cặp mới có thể tăng khả năng duy trì cuộc hôn nhân lâu bền và hạnh phúc.
Những giá trị hôn nhân đó bao gồm sự tin tưởng; sự tôn trọng; sự giao tiếp thẳng thắn và chân thành; và sự cam kết thực hiện trách nhiệm liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Giao tiếp thẳng thắn và chân thành có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề của cặp đôi. Ảnh minh họa: pch.vector/Freepik. |
Sự tin tưởng
Sự tin tưởng là nền tảng quan trọng nhất trong hôn nhân, mang lại cảm giác an toàn cho cặp đôi. Có thể thấy, mối quan hệ sẽ trôi qua yên bình bởi không ai nảy sinh nghi ngờ về bạn đời của mình. Đồng thời, cả hai có thể thoải mái là chính mình, dám thể hiện những khía cạnh yếu đuối, tổn thương với đối phương mà không sợ bị đánh giá, chỉ trích.
Để xây dựng niềm tin, cả hai cần cởi mở và trung thực với nhau, cũng như biết giữ lời và tuân thủ các cam kết mà hai người đặt ra. Một số người nghĩ rằng việc chỉ chia sẻ một phần thông tin, hoặc một lời nói dối vô hại sẽ không thể làm tổn thương đối phương. Nhưng thực chất, đây chính là cách phá hủy mối quan hệ nhanh nhất.
Sự tôn trọng
Hôn nhân không thể bền vững nếu một trong hai người thiếu tôn trọng với đối phương. Giá trị này sẽ cho cả hai cơ hội được là chính mình, từ đó bày tỏ quan điểm, cảm xúc và sở thích cá nhân. Họ cũng sẽ kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của nhau, cùng thảo luận để đưa ra những quyết định đồng thuận.
Sự tôn trọng đồng thời giúp cặp đôi tránh xa những hành vi làm tổn thương bạn đời của mình về cả mặt tinh thần và thể xác, như chửi mắng, bạo lực hoặc thao túng tinh thần.
Giao tiếp thẳng thắn và chân thành
Không mối quan hệ nào có thể phát triển nếu không có sự trao đổi thông tin liên tục. Khi có thể trò chuyện một cách cởi mở và trung thực, cặp đôi sẽ cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu, từ đó tạo ra kết nối sâu sắc. Cũng nhờ giao tiếp hiệu quả, nhiều xung đột trong hôn nhân có thể được giải quyết trong hòa bình.
Cam kết thực hiện trách nhiệm
Khi đã đăng ký kết hôn, hai vợ chồng bình đẳng với nhau, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Cả hai phải quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ công việc gia đình.
Việc cam kết cùng thực hiện trách nhiệm hôn nhân sẽ khiến cả hai vững tâm hơn vì biết rằng có người cùng chia sẻ, gánh vác cuộc sống gia đình, giúp cho hôn nhân vững bền và sâu sắc hơn.
Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội
Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.