Khó thở khi gắng sức, buồn ngủ ban ngày, ngáy to, mệt mỏi,... đều là những vấn đề khá phổ biến, đặc biệt ở người nặng cân. Tuy nhiên, chính sự phổ biến đó khiến chúng ta chủ quan và bỏ quên vấn đề có thể trở nên trầm trọng, thậm chí đe dọa tới tính mạng.
Phát hiện bệnh từ triệu chứng nhỏ
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết ở giai đoạn đầu, người mắc hội chứng giảm thông khí béo phì (OHS - Obesity Hypoventilation Syndrome) thường có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn 30 kg/m2, khó thở không giải thích được khi gắng sức.
“90% bệnh nhân OHS còn có hội chứng ngưng thở khi ngủ cùng tồn tại. Các triệu chứng phổ biến của tình trạng này gồm giấc ngủ chập chờn, hay choàng tỉnh giấc, buồn ngủ ban ngày, ngáy to, ngạt thở khi ngủ, khịt mũi, mệt mỏi, suy giảm khả năng tập trung và trí nhớ”, PGS Tuấn nói.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: TL. |
Theo ông, phát hiện và điều trị sớm OHS ở người béo phì đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm các biến chứng, đặc biệt là vấn đề liên quan tim mạch.
Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân OHS có thể xuất hiện tình trạng giảm thông khí nặng, tăng CO2 máu, thậm chí các dấu hiệu suy tim như khó thở khi gắng sức, gan to, phù bàn chân hay vấn đề đa hồng cầu.
Đáng nói hơn, PGS Tuấn cho biết tình trạng ngưng thở khi ngủ ở người mắc OHS có thể gây thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, phổi, thận, tuyến tụy, não,...
“Từ đây, việc ngưng thở khi ngủ gây rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não, nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân cũng có nguy cơ đột tử chính bởi tình trạng này”, vị chuyên gia khẳng định.
Ngoài ra, các bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, kháng insulin là những biến chứng phổ biến có thể xảy ra ở những bệnh nhân béo phì kèm hội chứng OHS.
Trưởng khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa khuyến cáo: “Việc phát hiện và điều trị sớm OHS có thể giúp bệnh nhân ngăn ngừa các biến chứng nói trên. Khi điều trị, bệnh nhân sẽ được hỗ trợ tình trạng thông khí để cải thiện giảm oxy máu ban đêm và tăng CO2 huyết thanh, từ đó cải thiện rối loạn hô hấp”.
Giảm cân là biện pháp điều trị quan trọng nhất
Theo PGS Nguyễn Anh Tuấn, đến nay, ngành y học vẫn chưa nghiên cứu được nguyên nhân chính xác của hội chứng giảm thông khí do béo phì.
“Tuy nhiên, về cơ bản, hội chứng này do các hormone sản xuất từ chất béo dư thừa, trọng lượng cơ thể quá lớn, đè lên thành ngực khiến các cơ khó hít sâu. Tình trạng béo bụng cũng làm tăng áp lực lên ổ bụng thường xuyên, đè ép cơ hoành, góp phần gây nên OHS”, ông lý giải.
Người dân tại Hà Nội đạp xe, tập luyện thể dục. Ảnh: Nhật Sinh. |
Một số nghiên cứu cũng đề cập tới sự kiểm soát hơi thở của não bộ bị suy giảm ở người béo phì có thể là nguyên nhân của tình trạng quá nhiều CO2 trong máu, không đủ oxy.
Vị chuyên gia chia sẻ: “Giảm cân là biện pháp điều trị quan trọng nhất. Đôi khi, riêng việc giảm cân có thể giải quyết được rất nhiều triệu chứng của OHS”.
Theo đó, giảm cân giúp lượng mỡ thừa trên cơ thể giảm, hạn chế tình trạng áp lực lên thành ngực và cơ hoành, từ đó khiến chúng ta hít thở sâu hơn, thúc đẩy quá trình di chuyển của oxy và CO2.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo những người mắc hội chức OHS nên tập ăn kiêng bằng các chế độ dinh dưỡng như Low Carb, Keto (hạn chế tinh bột, tập trung vào chất béo tốt), nhịn ăn gián đoạn (Intermittent Fasting),... Đồng thời, hạn chế thực phẩm dầu mỡ, thức ăn nhanh và chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,...
“Các trường hợp béo phì và mắc OHS cũng nên cắt giảm hàm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày, thường xuyên bổ sung rau xanh, trái cây và các thực phẩm giàu đạm (protein)”, ông nói thêm.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, việc thay đổi lối sống và tăng cường tập luyện thể chất, đặc biệt là tập thở, cũng có vai trò rất lớn khi điều trị OHS.
Cụ thể, việc thiết lập thói quen sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp quá trình điều trị bệnh diễn ra nhanh và hiệu quả hơn. Trong khi đó, luyện tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc cũng trực tiếp hỗ trợ quá trình điều trị hội chứng giảm thông khí do béo phì.
Trong trường hợp OHS đã diễn biến nặng, bác sĩ Tuấn cho biết bệnh nhân buộc phải có sự can thiệp của y tế. Đó là sử dụng máy hỗ trợ thở (PAP). Phương pháp này gồm PAP liên tục và Bi-level PAP (thông khí không xâm lấn).
“Cả 2 phương pháp này đều sử dụng các thiết bị cung cấp không khí cho bệnh nhân thông qua mặt nạ. Người bệnh sẽ phải theo chiếc mặt nạ này cả khi đang ngủ”, bác sĩ Tuấn giải thích.
Sự khác biệt của 2 phương pháp trên chỉ nằm ở áp suất không khí chúng cung cấp. PAP liên tục sẽ cung cấp không khí ở áp suất không đổi cả khi hít vào và thở ra. Trong khi đó, Bi-level PAP sẽ tăng áp suất khi hít và giảm khi thở.