Thông tư số 26/2025/TT-BYT được Bộ Y tế ban hành ngày 30/6, nhằm siết chặt quy trình kê đơn thuốc, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Một trong những điểm được người bệnh quan tâm nhất chính là quy định mới cho phép kéo dài thời gian cấp thuốc điều trị ngoại trú lên tối đa 3 tháng/lần thay vì mỗi tháng/lần như trước đây.
Người bệnh ung thư vui mừng vì được cấp thuốc 3 tháng
Ghi nhận tại phòng khám Vú, Bệnh viện K, trong ngày đầu áp dụng Thông tư mới, nhiều bệnh nhân phấn khởi khi cầm trên tay đơn thuốc điều trị đủ cho 3 tháng tới.
Bệnh nhân L.T.T. (43 tuổi, Hưng Yên) cho biết năm 2024, chị được chẩn đoán ung thư vú phải, giai đoạn 2, thể nội tiết. Người phụ nữ này phải nhập viện phẫu thuật và sau đó được điều trị 6 mũi hóa chất. Cuối 2024, chị được chuyển sang khoa Xạ, xạ 15 đợt và được hướng dẫn về nhà theo dõi, tái khám định kỳ.
Theo lịch tái khám, cứ mỗi 3 tháng chị đều tới bệnh viện. Tuy nhiên, thuốc điều trị thì phải lấy theo từng tháng. Chị phải xin nghỉ làm mỗi tháng để lên Hà Nội lấy thuốc, tốn kém cả chi phí đi lại, ăn uống. "Nay chỉ cần đi khám, lấy thuốc 3 tháng 1 lần, tôi thấy nhẹ cả người. Đây thật sự là chính sách rất nhân văn, mang lại lợi ích lớn cho người bệnh như chúng tôi", chị T. nói.
Chung niềm vui, chị N.T.M. (Tuyên Quang) cũng chia sẻ mỗi chuyến đi lấy thuốc của chị thường mất cả ngày, đôi khi kèm theo những chờ đợi mệt mỏi.
"Tôi thực sự bất ngờ và cảm thấy vui sướng. Giờ được cấp thuốc 3 tháng/lần, tôi vừa tiết kiệm được công đi lại, vừa đỡ xin nghỉ việc nhiều lần. Đây là nguyện vọng, mong muốn của mỗi người bệnh chúng tôi khi đến đợt lấy thuốc, đặc biệt là những trường hợp ở các khu vực ngoại tỉnh, không có đủ điều kiện, thời gian để di chuyển quá nhiều tới thành phố, bệnh viện", chị M. tâm sự.
![]() |
Từ ngày 1/7, Bệnh viện K chính thức triển khai Thông tư 26/2025/TT-BYT của Bộ Y tế. Ảnh: Bệnh viện K. |
Về lâu dài, quy định này được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng điều trị nhờ kiểm soát tốt hơn tình trạng kháng thuốc, giảm lạm dụng thuốc, bảo vệ quyền lợi người bệnh thông qua quy trình kê đơn minh bạch và đúng phác đồ.
Đại diện Bệnh viện K khẳng định sẽ tiếp tục cập nhật, hướng dẫn đầy đủ để mọi bệnh nhân nắm rõ quyền lợi mới, nhất là nhóm bệnh nhân từ các tỉnh xa về Hà Nội điều trị - những người vốn chịu nhiều thiệt thòi vì chi phí và thời gian di chuyển.
Thực tế, chính sách cấp thuốc điều trị dài ngày đã từng được áp dụng linh hoạt trong giai đoạn Covid-19 nhằm hạn chế tụ tập đông người và giảm nguy cơ lây nhiễm. Nay, Thông tư 26 đã chính thức hóa quy định này, biến điều từng là giải pháp tình thế thành chính sách dài hạn, được người bệnh ủng hộ và trông đợi.
Không chỉ người bệnh, các bác sĩ tại Bệnh viện K cũng cho hay đây là một thay đổi tích cực, góp phần giảm thiểu áp lực không những cho người bệnh mà cả nhân viên y tế. Các cán bộ, y bác sĩ cũng sẽ bớt áp lực về vấn đề quá tải bệnh nhân, nâng cao năng suất, chất lượng khám chữa bệnh.
Nhóm bệnh được kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày
Theo Thông tư 26 mới ban hành, người bệnh mắc một số bệnh mạn tính thuộc danh mục cho phép sẽ được kê đơn thuốc điều trị ngoại trú với thời gian sử dụng dài hơn 30 ngày, thay vì tối đa chỉ 30 ngày như trước đây.
Danh mục bệnh và nhóm bệnh được phép kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày do Bộ Y tế ban hành, hiện có tổng cộng 252 bệnh thuộc 16 nhóm bệnh khác nhau. Trong đó bao gồm các bệnh lý nhiễm trùng, ký sinh trùng, các bệnh về máu, bệnh nội tiết, chuyển hóa, bệnh tâm thần...
Một số bệnh mạn tính phổ biến được kê đơn dài ngày như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, COPD, rối loạn lo âu, trầm cảm, viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, suy giáp, Parkinson, Alzheimer, sa sút trí tuệ, các bệnh về máu và miễn dịch như Thalassemia, xơ cứng cột bên teo cơ. Ngoài ra, một số bệnh phụ khoa tuổi vị thành niên như rong kinh tuổi dậy thì cũng trong danh mục này.
Theo TS.BS Vương Ánh Dương, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, việc kê đơn thuốc dài ngày sẽ căn cứ vào tình trạng lâm sàng và mức độ ổn định của bệnh. Bác sĩ có thể quyết định số ngày cấp thuốc cho từng trường hợp, nhưng tối đa không vượt quá 90 ngày.
![]() |
TS.BS Vương Ánh Dương nhấn mạnh không phải cứ mắc bệnh trong danh mục là đương nhiên được kê đơn dài ngày. Ảnh: Việt Hà. |
Nếu các hướng dẫn chuyên môn, hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc dược thư quốc gia không quy định cụ thể thời gian sử dụng, bác sĩ vẫn có quyền cân nhắc kê đơn tối đa đến 90 ngày, miễn là phù hợp với tình trạng thực tế của người bệnh.
Một điểm mới khác là Thông tư 26 yêu cầu bổ sung một số thông tin bắt buộc trong đơn thuốc. Trường hợp người bệnh đi khám nhiều chuyên khoa trong cùng một lần, bệnh viện phải bố trí để người bệnh chỉ có một đơn thuốc duy nhất, bảo đảm an toàn, tránh trùng lặp hoặc tương tác thuốc không mong muốn.
TS.BS Vương Ánh Dương nhấn mạnh không phải cứ mắc bệnh trong danh mục là đương nhiên được kê đơn dài ngày. Bác sĩ phải thăm khám, đánh giá kỹ từng trường hợp để quyết định thời gian phù hợp: có thể vẫn là 30 ngày, 60 ngày hoặc 90 ngày, tùy vào diễn biến sức khỏe, khả năng tuân thủ điều trị và tự theo dõi của người bệnh.
Ngoài ra, người kê đơn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về đơn thuốc đã ký, bảo đảm thuốc phù hợp chẩn đoán, an toàn và hiệu quả. Trong trường hợp thuốc chưa dùng hết nhưng bệnh diễn biến bất thường hoặc người bệnh không thể tái khám đúng hẹn, người bệnh bắt buộc phải quay lại cơ sở y tế để được đánh giá lại và điều chỉnh đơn thuốc khi cần.
Cuốn sách Bệnh của thời thức ăn tiện lợi giải thích nguyên nhân gây ra tất cả bệnh mạn tính, cách thực phẩm tiện lợi đã tác động đến chúng dẫn đến tổn hại cho sức khỏe, nền kinh tế và môi trường, từ đó đề xuất giải pháp để chữa lành cho con người.