Ông N.Q.T. (45 tuổi, ngụ TP Châu Đốc, An Giang) nhập khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, nôn ói, tiểu ít, lơ mơ...
Theo kết quả điều tra bệnh sử, cùng ngày nhập viện, ông T. có nuốt 3 mật cá éc để giải nhiệt cơ thể và xuất hiện triệu chứng bất thường ngay sau đó.
Dựa trên thăm khám lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng, bác sĩ xác định người bệnh bị suy đa phủ tạng bao gồm suy gan cấp (men gan tăng rất cao), suy thận cấp, toan chuyển hóa, giảm oxy máu nặng…
Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị tích cực bằng các phương pháp như bù dịch, lợi tiểu, các thuốc trợ gan… Sau 2 ngày, tình trạng người bệnh đã khá hơn, qua cơn nguy kịch.
Người đàn ông được điều trị tích cực sau khi nhập viện vì ăn mật cá. Ảnh: BVCC. |
Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Ngọc Kiếu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, mật cá éc có chứa cyprinol sulfat. Đây là chất gây độc cho cơ thể người. Độc tố này rất bền với nhiệt, dù nấu chín vẫn gây ngộ độc cho người ăn.
Khi ăn phải mật cá éc, chất cyprinol sulfat sẽ nhanh chóng gây hại đến các cơ quan nội tạng dẫn đến suy thận cấp, nhiễm độc máu, hoại tử tế bào gan, tác động đến tim phổi gây suy hô hấp.
Ngoài ra, bác sĩ Kiếu cũng khuyến cáo các loại mật cá nước ngọt như cá éc, trắm, chép, trôi đều có chứa độc tố gây chết người. Khi xử lý, chế biến người làm nội trợ phải loại bỏ triệt để mật cá.
Mật cá không có tác dụng điều trị bệnh, bồi bổ cơ thể như lời đồn. Người dân tuyệt đối không ăn mật cá, sử dụng mật cá dưới bất kỳ hình thức nào để tránh bị ngộ độc gây suy đa phủ tạng, phải điều trị tốn kém nhưng để lại di chứng nặng nề về sau.
Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học, mang tới kiến thức dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và đối phó với các bệnh trạng về tâm lý.