Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đàn ông thoát chết sau khi bị trâu húc

Một con trâu từ trong rừng chạy ra đường, sau đó, húc thẳng vào xe máy kiến người đàn ông mất lái, ngã bất tỉnh.

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết đơn vị này đã tiếp nhận nam bệnh nhân 50 tuổi trong tình trạng hôn mê, nguy cơ tử vong cao từ cơ sở y tế tuyến dưới chuyển lên.

Trước đó, khi đang trên đường về thăm quê, người đàn ông này gặp đàn trâu đuổi nhau từ trong rừng cây ùa ra. Một con trâu đã húc thẳng vào xe máy kiến nam bệnh nhân mất lái, ngã đập đầu xuống đường. Cú đập mạnh làm bệnh nhân bất tỉnh tại chỗ.

Người dân xung quanh đưa bệnh nhân đến Trạm y tế xã Nam Thượng (Kim Bôi, Hoà Bình) cấp cứu. Nhân viên y tế đã sơ cứu ban đầu và gọi phương tiện để chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Thoat chet sau khi bi trau huc anh 1

Sau 20 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, nói chuyện được với mọi người xung quanh. Ảnh: BSCC.

Theo bác sĩ Tình, khi nhập viện, bệnh nhân rất nguy kịch, hôn mê sâu, Glasgow 5 điểm (người bình thường là 15 điểm). Phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy có hình ảnh vỡ xương sọ, tụ máu nội sọ nhiều gây chèn ép tổ chức não. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao, nếu may mắn sống sót, di chứng thường nặng nề.

Cơ sở y tế này đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ để huy động thầy thuốc có chuyên môn cao của các chuyên khoa (Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, Ngoại thần kinh - Ung bướu, Gây mê hồi sức, Hồi sức tích cực - Chống độc) tham gia cấp cứu người bệnh. Trong thời gian ngắn nhất, bệnh nhân được phẫu thuật lấy khối máu tụ nội sọ để giải phóng chèn ép não.

"Những ngày tiếp theo là thời gian cân não với các thầy thuốc khi dõi theo sự hồi phục của bệnh nhân. Các chuyên khoa tiếp tục hội chẩn từng ngày để đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người đàn ông này", bác sĩ Tình cho hay.

Trong một tuần đầu, bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, thở máy, tứ chi bất động. Đến tuần thứ 2, bệnh nhân đã có cử động chân, tay, được bỏ máy thở. Sau đó, người này tỉnh dần, nhận biết được người thân và bắt đầu nói chuyện.

May mắn, sau 20 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, nói chuyện được với mọi người xung quanh. Các bác sĩ đang cố gắng điều trị, phục hồi chức năng để hạn chế mức thấp nhất di chứng của bệnh nhân.

Bác sĩ hiến máu trong phòng mổ cứu sản phụ gặp tai biến

Khi tình trạng của sản phụ liên tục chuyển biến xấu, nhiều lần đe dọa tính mạng, các bác sĩ và điều dưỡng lấy máu chính mình để truyền cho bệnh nhân.

Tuệ Anh

Bạn có thể quan tâm