Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đầu tiên sống sót khỏi loại virus gây tử vong 100%

Khi Jeanna Giese-Frassetto nhập viện, các bác sĩ tưởng chừng không thể cứu chữa cho cô. Nhưng nhờ phương pháp đặc biệt, bệnh nhân này như được hồi sinh khỏi căn bệnh nguy hiểm.

Tháng 3/2016, Jeanna Giese-Frassetto (hiện 33 tuổi, ở Mỹ) và chồng chào đón cặp song sinh đầu lòng. Người phụ nữ này là bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus dại thoát chết mà không phải tiêm vaccine. Chính vì vậy, cuộc sống của Jeanna Giese-Frassetto được cả thế giới chú ý.

Phương pháp hồi sinh

Năm 2004, Giese-Frassetto bị con dơi ở nhà thờ cắn. Khi đó, cô mới 15 tuổi và không tìm cách chữa ngay. Sau 3 tuần, Giese được chẩn đoán mắc bệnh dại. Mọi người đã nghĩ cô sẽ không qua khỏi. Bởi virus dại có tỷ lệ tử vong rất cao, nếu nó xâm nhập hệ thống thần kinh, không ai có thể sống sót.

Giese được đưa đến Bệnh viện Nhi Wissonsin để điều trị thử nghiệm. Phương pháp này về sau đã cứu ít nhất 10 sinh mạng khác. Sau 6 ngày hôn mê và 75 ngày nằm viện ở Bệnh viện Nhi Wisconsin, các bác sĩ tuyên bố cơ thể Giese đã đào thải toàn bộ virus gây bệnh dại.

Khi phát hiện con bị cắn, cha mẹ đã rửa sạch vết thương bên ngoài cho Giese. Nhưng họ không nghĩ con sẽ mắc bệnh dại nên không cho cô tới bệnh viện. Ba tuần sau, triệu chứng bệnh xuất hiện, Giese mệt mỏi, nhìn đôi, nôn và ngứa ran ở cánh tay trái. Lúc này, cô đã quá muộn để được tiêm vaccine phòng ngừa.

virus gay tu vong 100% anh 1

Sau khi sống sót khỏi bệnh dại, Jeanna Giese-Frassetto có cuộc sống như những người bình thường khác. Cô tốt nghiệp đại học chuyên ngành sinh học và lấy chồng, sinh con. Ảnh: Fox News.

Các bác sĩ quyết định “đóng băng não” của bệnh nhân để ngăn virus xâm nhập hệ thần kinh trung ương. Phương pháp điều trị này được gọi là Milwaukee protocol, do bác sĩ người Mỹ, Rodney Willoughby, ở Bệnh viện Nhi Wisconsin, sáng tạo ra.

Bệnh dại giết chết nạn nhân bằng cách gây tê liệt đường thở, tiết nước bọt và làm ngừng tim, ngừng não. Cuối cùng, nạn nhân sẽ tử vong vì suy tim, suy hô hấp. 20% ca bệnh qua đời vì rối loạn nhịp tim. Các bác sĩ cho rằng Giese có thể sống sót nếu họ tạm dừng chức năng não trong khi hệ miễn dịch tấn công virus dại.

Đây là lần đầu tiên liệu pháp này được thực hiện và các bác sĩ thậm chí không biết nó có hiệu quả hay không, có khiến não của bệnh nhân bị tổn thương hay không. Nhưng bác sĩ Willoughby nói rằng đây là cơ hội duy nhất để họ cứu cô bé. Khi đến bệnh viện, Giese không thể nói chuyện, ngồi hoặc đứng và chìm vào trạng thái hôn mê, phải đặt nội khí quản. “Cô bé trông như thể sẽ chết ngay trong tức khắc”, bác sĩ Willoughby nhớ lại.

Ngoài việc gây mê, các bác sĩ còn cho bệnh nhân dùng thuốc kháng virus ribavarin và amantadine. Họ giảm dần thuốc mê sau khoảng một tuần, khi các xét nghiệm cho thấy hệ thống miễn dịch của Giese đang chiến đấu với virus. Ông Willoughby cho biết 6 tháng sau khi tỉnh dậy khỏi cơn hôn mê, Giese còn được uống hợp chất tetrahydrobiopterin, tương tự về mặt hóa học với vitamin B-complex axit folic. Nó giúp cải thiện khả năng nói và ăn uống.

virus gay tu vong 100% anh 2

Jeanna Giese-Frassetto sinh đôi hai con trai đầu lòng vào năm 2016. Ảnh: Fox News.

Như một phép màu, Giese đã sống sót. Cô bé hồi phục hầu hết chức năng nhận thức trong vài tháng và các kỹ năng khác trong một năm. Sau đó, Giese thi đậu bằng lái xe, lấy bằng cử nhân Đại học Marian, chuyên ngành sinh học.

Nhưng bệnh dại vẫn bám theo Giese dai dẳng. Cô từng là vận động viên điền kinh nhưng sau căn bệnh chết người, Giese bị nghiêng hẳn người sang một bên khi chạy, đi bộ. Cô cũng không thể chơi bóng chuyền, bóng rổ như trước. Bác sĩ Willoughby cho hay sau đó, các triệu chứng này thuyên giảm dần theo thời gian.

Người đánh dấu lịch sử

Bốn năm sau, y văn thế giới ghi nhận đây là người đầu tiên sống sót khỏi virus bệnh dại mà không cần tiêm vaccine. Theo Scientific American, họ gọi Giese là ca bệnh bí ẩn, xác lập điều chưa từng có. Đón nhận sự may mắn này, Giese sẵn sàng tham gia các thử nghiệm để giới khoa học tìm ra nguyên nhân.

Điều ước của Giese có thể trở thành hiện thực. Một người khác bị nhiễm virus dại vẫn sống sót hơn một tháng sau khi bác sĩ gây mê tạm thời nhằm điều trị triệu chứng. Đây là cách mà họ đã làm với Giese.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Yolanda Caicedo, Bệnh viện Universitario del Valle ở Colombia, là người trực tiếp điều trị cho ca bệnh này. Nạn nhân bé gái 8 tuổi, có các triệu chứng vào tháng 8/2008, một tháng sau khi bị mèo cắn. Gia đình đã tìm cách điều trị vết cắn ở bệnh viện địa phương, nhưng tại đây, các y tá không tiêm vaccine dại cho em. Kết quả virus xâm nhập các cơ quan và gây ra hàng loạt triệu chứng nguy hiểm.

Thông thường, người bị cắn sẽ được tiêm 5 mũi vaccine chứa lượng nhỏ virus dại đã bị vô hiệu hóa. Nó được thiết kế nhằm thúc đẩy cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus dại thật. Bệnh nhân cũng được tiêm một mũi immunoglobulin để bảo vệ trong khi hệ thống miễn dịch sản xuất kháng thể chống virus giả của vaccine.

Nhưng sự kết hợp này chỉ có hiệu quả trong vòng 6 ngày kể từ thời điểm virus xâm nhập cơ thể, trước khi khởi phát triệu chứng. Chính vì vậy, em bé này đã quá thời gian để tiêm chủng. Không có cách nào khác, các bác sĩ buộc phải gây mê nạn nhân để ức chế sự phát triển của virus. Sau đó vài ngày, tình trạng của cô bé đã ổn hơn và thoát khỏi tình huống nguy kịch.

Từ năm 2004, phương pháp Milwaukee được biết đến là quy trình ngăn ngừa tử vong sau khi xuất hiện triệu chứng của bệnh dại. Các chuyên gia tiếp tục thực hiện hàng chục lần, cứu mạng ít nhất 10 người khác ở Mỹ (2), Peru (4), Colombia (1), Chile (1), Qatar (1).

virus gay tu vong 100% anh 3

Jeanna Giese-Frassetto không vì bệnh dại thời thơ ấu mà ghét bỏ động vật. Cô luôn yêu quý và gắn bó với chúng. Ảnh: CBN.

Vì sao Giese sống sót?

Bệnh dại có thời kỳ ủ bệnh từ 2 tuần đến 3 tháng và sẽ tử vong trong vòng một tuần kể từ khi có triệu chứng. Các vaccine và những liệu pháp miễn dịch khác sẽ vô dụng tại thời điểm người bệnh có triệu chứng, thậm chí, chúng có thể làm tăng tốc độ, mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nói cách khác, khi đã có triệu chứng, bệnh nhân không khác gì phải nhận án tử.

Theo GS Willoughby, các loại thuốc kháng virus và liệu pháp miễn dịch gồm steroid, interferon-alpha và poly IC (kích thích cơ thể sản sinh interferon-alpha). Nhưng không loại thuốc nào được chứng minh là có khả năng cứu được người mắc bệnh dại có triệu chứng.

Ông Willoughby đã thực hiện phương pháp Milwaukee ở mức độ khác nhau hàng chục lần. Nhưng chỉ đến Giese mới là người đầu tiên sống sót. Vì sao cô bé sống sót trong khi việc áp dụng phương pháp này đối với các bệnh nhân khác lại thất bại vẫn còn là ẩn số.

Trong một báo cáo năm 2005 được công bố trên tp chí y hc New England, GS Willoughby suy đoán cô bé có thể nhiễm phiên bản hiếm gặp của virus dại. Sau đó, ông nhận định nhờ thời gian chăm sóc tích cực đặc biệt, quyết định dùng thuốc an thần kịp thời và “10% may mắn” đã mang tới điều kỳ diệu này.

virus gay tu vong 100% anh 4

Sau Jeanna Giese-Frassetto, phương pháp Milwaukee còn cứu thêm ít nhất 10 người bị bệnh dại không kịp tiêm vaccine. Ảnh: Scientific American.

“Thành thật mà nói, có lẽ chúng tôi đã khá may mắn”, ông nói. Các bác sĩ Thái Lan và Canada đã thử phương pháp này nhưng không thành công. Chính vì vậy, nhiều người nghi ngờ và cảnh báo cần “thận trọng” khi sử dụng Milwaukee trong điều trị bệnh dại. Bởi nó quá đắt đỏ và “thiếu cơ sở lý luận khoa học rõ ràng”. Chi phí điều trị cho Giese rơi vào khoảng 800.000 USD vào thời điểm năm 2004.

Bệnh dại có thể phòng ngừa 100% bằng cách tiêm vaccine trước khi người bệnh khởi phát triệu chứng như ảo giác, mê sảng, co thắt cơ, tê liệt, sợ nước, ánh sáng.

Theo tạp chí Neurologic Clinics, ước tính khoảng 55.000 người, chủ yếu ở châu Á và châu Phi, mắc bệnh này và chết vì bị chẩn đoán sai hoặc không được phát hiện kịp thời. Người bệnh thường bỏ qua vết cắn từ động vật, không kịp tiêm phòng và điều trị.

Vì sao tình trạng tái mắc Covid-19 ngày càng phổ biến?

Sự xuất hiện của các chủng mới với khả năng né tránh miễn dịch khiến tình trạng tái mắc Covid-19 ngày càng phổ biến. Các chuyên gia cho rằng chúng ta có thể tái mắc đến suốt đời.

Bị ung thư phổi ở tuổi 30 sau thời gian khàn tiếng, đau lưng

Jordan Turko phát hiện triệu chứng giống Covid-19 vào đầu năm. Khi tình trạng không thuyên giảm, anh tới gặp bác sĩ và nhận được chẩn đoán mắc ung thư phổi.

Bảo Hân

Bạn có thể quan tâm