Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đức Thuận (46 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu), Dương Quốc Chính (61 tuổi, ở quận Gò Vấp, TP.HCM) và Nguyễn Thị Kim Tuyến (50 tuổi, ở quận 11, TP.HCM) về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Theo công an, Thuận là người tự mua nguyên liệu rồi phối hợp cùng Tuyến và Chính sản xuất thuốc điều trị Covid-19 giả, bán ra thị trường nhằm kiếm lời. Ngày 20/8, công an bắt quả tang Thuận vận chuyển 150 hộp, thu giữ hơn 630.000 viên thuốc giả.
Hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi bất chính của nhóm người này khiến nhiều người bất bình. Họ muốn biết người đàn ông này có thể bị xử lý ra sao theo quy định.
Luật sư Nguyễn Thị Hằng - Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự
Khoản 33, Điều 2 Luật Dược 2016 quy định thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Không có dược chất, dược liệu;
2. Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn; theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;
3. Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ trường hợp thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng;
4. Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ
Từ quy định trên, có thể thấy hành vi của Thuận thuộc nhóm hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả. Tùy thuộc quy mô hoạt động, tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm, cơ quan chức năng sẽ quyết định xử phạt hành chính hay xử lý hình sự đối với người đàn ông này.
Nguyễn Đức Thuận. Ảnh: Công an cung cấp. |
Theo Điều 9, 10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt tối đa dành cho cá nhân buôn bán hoặc sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng lần lượt là 70 triệu và 100 triệu đồng. Trường hợp tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ tăng lên gấp đôi.
Nếu hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này, việc Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam 3 bị cán về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh theo Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015 là có cơ sở, đúng theo quy định pháp luật.
Tùy thuộc các tình tiết định khung và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, người phạm tội sẽ đối diện mức án tối thiểu 2 năm tù giam và tối đa là tử hình.
Ngoài ra, họ còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như phạt tiền 20-100 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong 1-5 năm hay tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp pháp nhân thương mại vi phạm, tổ chức đó có thể bị phạt tiền tối đa 20 tỷ đồng hoặc thậm chí đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu hành vi phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và cần có sự quản lý chặt chẽ do liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Hành vi sản xuất 630.000 viên thuốc giả của Thuận là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm hại tới sức khỏe của nhiều người. Cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm, triệt để, tạo sự răn đe để phòng ngừa sự việc tương tự xảy ra.