Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đóng yên ngựa thủ công cuối cùng ở TP.HCM

Sau gần 70 năm gắn bó với nghề làm yên ngựa, trải qua nhiều thăng trầm, ông Trần Văn Giàu (80 tuổi) nói vẫn còn giữ nguyên vẹn đam mê như lúc mới bắt đầu.

Một chiều đầu tuần tại nhà riêng ở quận Bình Tân, ông Giàu dẫn phóng viên Zing lên tầng 2 - nơi được ông xem là thế giới của mình.

Khắp căn phòng treo đầy những bộ dây cương, dụng cụ, phụ liệu và ít bộ yên ngựa mà ông đang làm dở. Trên tường gắn bảng ghi cụ thể số đo kỹ thuật của từng chi tiết. Nắng rọi sáng qua cánh cửa ban công nhưng ông vẫn bật chiếc đèn trên bàn làm việc bởi "giờ lớn tuổi, mắt kém hơn nên không còn nhìn rõ".

tho lam yen ngua anh 1

Ông Trần Văn Giàu đã có gần 70 năm gắn bó với nghề làm yên ngựa.

Thời kỳ trường đua Phú Thọ (quận 11) còn hoạt động cũng là những năm làm ăn phát đạt của ông Giàu. Trường đua ngựa do người Pháp xây dựng từng là chốn ăn chơi thu hút giới thượng lưu Sài thành.

“Thời đó, trường đua có hàng nghìn người, ai cũng biết tên tôi. Những cậu bé làm nài ngựa (người điều khiển ngựa trong cuộc đua) thích mua yên của tôi lắm. Khoảng cuối những năm 1990, mỗi tuần tôi đã kiếm được 5-7 triệu đồng, đó là số tiền không nhỏ ở thời điểm ấy”, ông kể với Zing.

Gần 70 năm giữ lửa đam mê

Khi trường đua Phú Thọ đóng cửa, nghề làm yên ngựa có nguy cơ mai một vì không còn nhiều khách hàng, ông Giàu vẫn bám trụ với công việc này.

“Dù khổ cực thật nhưng tôi yêu nghề. Kinh tế là một phần quan trọng nhưng cái níu giữ tôi kiên trì đến tận bây giờ chính là đam mê, niềm sung sướng khi được làm ra từng chiếc yên ngựa. Mỗi đêm, khi nằm xuống chuẩn bị ngủ, tôi vẫn cầm những bộ yên lên ngắm nghía thật kỹ, coi nó đẹp chỗ nào, còn sai sót gì không. Cảm giác nó khoái gì đâu!”, ông Giàu chia sẻ.

Sau gần 70 gắn bó với những chiếc yên ngựa, ông Giàu nói vẫn giữ vẹn nguyên “lửa đam mê”. Từng thao tác, chi tiết, con số đã trở nên quen thuộc như ngấm vào máu của người nghệ nhân.

“Yên ngựa có nhiều chi tiết lắm, nào dây tròng đầu, dây cương, tay nắm, chân đinh, bàn đạp… Mỗi bộ yên tôi phải làm hết 3 ngày, hoàn toàn thủ công. Tôi tự tay lựa chọn từng món phụ liệu, cắt da, dán vải, gò từ khung sắt đến uốn móc khóa”, ông Giàu vừa nói, vừa chỉ vào từng chi tiết của bộ yên.

Những yên ngựa ông làm được chia thành nhiều loại. Yên đua có kích thước nhỏ, nhẹ và ít chi tiết là dành cho những người đã cưỡi ngựa thuần thục. Loại yên cho người mới tập hoặc cưỡi chơi có kích thước lớn và đòi hỏi nhiều thời gian, công sức hơn để làm. Giá của từng loại cũng khác nhau, từ trên 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

Ông nói thường khi khách đặt hàng, dựa trên kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, ông chỉ cần hỏi chiều cao, giống ngựa sẽ biết được kích thước của bộ yên.

“Những số đo như dây ốc trên trán, kích thước dây hầu tôi đều ghi ra để nhớ. Phải tùy chỉnh theo con ngựa lớn nhỏ, chiều cao của chúng. Ví như những con cao vừa nhưng mập, mặt to thì phải cân chỉnh để dây rộng ra, con nào gầy thì thu dây lại. Khung sắt cũng phải gò làm sao cho chuẩn để khi ngồi không bị rung lắc, nếu không người cưỡi sẽ bị té ngay”.

tho lam yen ngua anh 7

Tầng 2 của căn nhà là thế giới riêng của người nghệ nhân 80 tuổi.

Thợ đóng yên ngựa nức tiếng Sài thành

Ông Giàu kể năm 1951, khi mới 11 tuổi, ông theo phụ việc cho người anh rể, là một thợ làm giày trong xưởng của người Pháp. Xưởng có hai bộ phận là đóng giày đinh và làm yên ngựa, nhưng đa số thợ chỉ làm giày.

“Vì ông anh cần người phụ việc nên tôi đi theo vào làm. Trong xưởng, người Pháp đâu dạy cho mình đóng giày hay làm yên ngựa, tôi chỉ làm những việc lặt vặt như bôi keo, đóng đinh, rồi giặt đồ, lau nhà, nấu nước. Nhớ lại thời đó cực khổ, làm chỉ để kiếm bữa cơm chứ không được trả tiền”.

Thấy thích thú với những chiếc yên ngựa, ông Giàu tự quan sát thợ rồi mày mò làm theo. “Phần nữa là hồi đó mỗi lần coi phim cao bồi, thấy diễn viên cưỡi ngựa, tôi mê lắm nên mới muốn học theo rồi quyết tâm theo nghề này”, ông tâm sự.

Năm 1962, sau khi nghỉ công việc ở xưởng, ông Giàu có thời gian phải đi quân dịch ở Quảng Trị. Trong thời gian đó, ông quen và nên duyên với vợ. Sau một lễ cưới đơn sơ, bà theo ông vào miền Nam, đến nay hai vợ chồng đã gắn bó với nhau gần 60 năm.

Về lại Sài Gòn, ông có ít năm mưu sinh bằng nghề làm giày, nhưng ít năm sau quyết định chuyển hẳn sang làm yên ngựa.

Vị nghệ nhân nói để theo nghề này đòi hỏi đam mê và kiên trì bởi làm yên ngựa là công việc cực nhọc, tốn thời gian. Nhờ thu nhập khá, một mình ông nuôi được cả gia đình với 7 người con và sau này là các cháu.

Thời điểm trường đua mới đóng cửa, công việc của ông Giàu có thời gian trì trệ vì thiếu khách. Sau đó, nhờ cháu gái đăng bài giới thiệu lên mạng xã hội, nhiều người biết tới và đặt mua hàng của ông. Những người thấy vừa ý, yêu thích yên ngựa ông Giàu lại giới thiệu cho bạn bè đặt tiếp.

Hiện tại, vì sức khỏe giảm sút nhiều, ông không còn làm được nhiều như trước. "Không còn làm nhiều nhưng tôi cũng gắng, khi nào mệt thì nằm xuống nghỉ ngay góc kia, thấy đỡ lại đứng dậy làm tiếp. Có nhiều ngày liền bị chóng mặt, tôi chỉ nằm một chỗ chứ không làm được gì, thấy ngứa ngáy khó chịu”.

“Giờ có nhiều khách đặt hơn chứ ngày trước tôi đâu biết bán qua mạng nên bán ít, nhiều đơn quá tôi cũng sợ không làm xuể. Nhưng còn khỏe ngày nào là tôi còn làm. Mong cố gắng thêm được vài năm nữa, rồi tôi cũng muốn truyền nghề cho con trai”, ông bày tỏ.

Bà cụ bán sách cũ xuyên đêm ở ngã tư Bảy Hiền tại TP.HCM

Mỗi đêm đều ngồi bán sách cũ tại ngã tư Bảy Hiền, bà Hường (65 tuổi) bất ngờ và hạnh phúc khi những ngày gần đây bỗng có nhiều bạn trẻ tìm đến để mua ủng hộ mình.

Đào Phương - Phùng Tiên

Bạn có thể quan tâm