Đúng 7h, ông Tư Ẩn (tên thật là Nguyễn Văn Tư) đã có mặt tại góc đường Tôn Thất Thuyết (quận 4). Một lúc sau, bà con trong khu vực bắt đầu đến “sắm” đồ.
Suốt hơn một tiếng, ông Tư bận rộn giới thiệu đợt đồ mới, tư vấn và giúp khách ướm thử để chọn ra bộ quần áo ưng ý, vừa vặn nhất.
Tâm sự với Zing, chủ xe quần áo cũ cho biết giúp đỡ người khác là đam mê đặc biệt của ông.
“Bản thân hay đi chùa làm công quả, tôi tâm niệm phải làm nhiều hơn để giúp cuộc sống có thêm điều tốt đẹp. Khi nhìn thấy những đứa trẻ nghèo không có được tấm áo tươm tất, tôi quyết định mở xe quần áo 0 đồng và duy trì suốt nhiều năm nay”.
Ông Tư Ẩn - chủ xe quần áo 0 đồng nổi tiếng tại TP.HCM. |
Đủ loại áo quần cho mọi lứa tuổi
Hồi mới làm công việc này, ông Tư và vợ là bà Lê Thị Bé (61 tuổi) mua đồ cũ về giặt sạch, chất lên chiếc xe tay ga cũ rồi chạy quanh khu vực quận 4, quận 7 và huyện Nhà Bè cho những người lao động nghèo.
Về sau, nhiều người biết đến ông hơn, họ chủ động đến quyên góp quần áo. Một mạnh thường quân mua tặng ông chiếc xe ba gác điện.
“Từ ngày có xe mới, tôi mua thêm móc treo đồ lên cho thẳng thớm để bà con dễ dàng chọn lựa. Có người còn nói đùa rằng chọn áo quần ở xe tôi không khác gì mua đồ ở tiệm vì chiếc nào cũng sạch sẽ, thơm tho”, ông Tư vui vẻ cho biết.
Ông Tư và vợ, bà Lê Thị Bé. |
Cách đây hơn 10 năm, ông bệnh nặng, phải cắt dây thanh quản nên không thể nói chuyện bình thường. Khi muốn “nói”, ông phải áp một thiết bị đặc biệt vào cổ hoặc dùng hành động để biểu đạt. Tuy khá bất tiện, ông Tư luôn cố gắng nói chậm rãi để khách có thể hiểu được ý mình.
“Gặp khách mới tôi sẽ nói rõ rằng đây là đồ 0 đồng chứ không phải đồ miễn phí hay từ thiện để họ không phải ngại. Áo quần được bà con khắp nơi đưa đến, tôi cũng chẳng bán buôn, chỉ thay mặt mọi người chuyển đồ đến tay người cần”, ông chia sẻ.
Ông Tư thường giúp khách hàng chọn lựa trang phục phù hợp. |
Vừa chọn đồ, cô Huỳnh Thị Mến (55 tuổi, ngụ quận 4) vừa khoe mình là khách quen của xe đồ cũ này suốt hơn 1 năm nay.
“Ban đầu tôi cũng ngại lắm, cứ chần chừ không dám lại gần xem. Nhờ ông Tư tinh ý mang một chiếc áo đến giới thiệu nên tôi mới thoải mái đến chọn đồ. Nhà nghèo nên không dám sắm sửa, nhờ có xe này tôi mới có thêm áo quần tươm tất, mừng lắm!”
Tương tự với cô Mến, chú Nguyễn Tấn Minh (57 tuổi, bảo vệ của một cửa hàng thực phẩm tại quận 4) cũng là “mối ruột” của ông Tư Ẩn. Không chỉ “sắm” đồ, chú còn chủ động giúp đỡ bằng cách nhận quần áo từ các mạnh thường quân khi ông vắng mặt, phân loại và giữ gìn chờ đến khi ông quay lại.
“Nhìn ông Tư đã lớn tuổi, lại gặp khó khăn trong giao tiếp mà vẫn chạy dọc thành phố để giúp đời, tôi cảm động nên muốn đỡ đần cho ông một chút. Gắn bó với ông cũng lâu rồi nên lần nào gặp cũng tay bắt mặt mừng, thấy thân quen như người nhà vậy đó”, chú Minh hào hứng kể với Zing.
Ông Tư và chú Minh - người đồng hành với ông trong công việc mang quần áo cũ đến với những hoàn cảnh khó khăn. |
Mong muốn được làm việc tốt đến cuối đời
Mỗi ngày, ông Tư Ẩn chạy khoảng 50 km, đến trưa về nghỉ rồi lại đi tới chiều tối. Hai vợ chồng dựng hẳn một nhà kho để người dân trong khu vực tự đến chọn áo quần mà không cần xin phép.
Chia sẻ với Zing, ông Tư cho biết niềm vui mỗi ngày là thấy quần áo trên xe vơi đi nhanh chóng. Có những hôm đông khách, chỉ trong một buổi sáng, chiếc xe đã không còn gì ngoài móc treo.
Kho quần áo không bao giờ đóng cửa tại nhà ông Tư. |
Bên cạnh những niềm vui, đôi khi ông cũng gặp phải những trường hợp khó xử nhớ đời. Nhiều người không vừa mắt thường gọi ông là “khùng”, “dở hơi”, thậm chí có khách đến chọn đồ còn mắng ông là “ông già câm” khi ông không kịp dùng máy để trả lời.
“Làm công việc này khó tránh khỏi những lời không hay, nhưng tôi cứ làm lơ thôi chứ không buồn bã gì. Điều tôi quan tâm hơn cả chính là khách hàng và niềm vui của họ khi cầm trên tay cái áo, chiếc quần ưng ý”.
“Năm nay đã ngoài 80, không rõ còn bao nhiêu thời gian, nhưng tôi luôn khao khát được làm công việc này đến ngày cuối của cuộc đời. Hy vọng vẫn có đủ sức khỏe để tiếp tục đi khắp thành phố, trao hạnh phúc đến nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn”, ông Tư bộc bạch.